27/05/2020 19:07 GMT+7

Phi công người Anh có dấu hiệu tỉnh, giao tiếp, cử động đơn giản

L.ANH - X.MAI
L.ANH - X.MAI

TTO - Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay sức khỏe của bệnh nhân bắt đầu có những tiến triển về mặt tri giác, các thông số oxy máu và chức năng thận đã cải thiện hơn so với 2 ngày trước.

Phi công người Anh có dấu hiệu tỉnh, giao tiếp, cử động đơn giản - Ảnh 1.

Bệnh nhân phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 27-5: không có ca nhiễm mới, phi công người Anh có tín hiệu khá hơn

Chiều 27-5, Bộ Y tế cho biết trong ngày không ghi nhận ca bệnh mới và có thêm 6 ca khỏi bệnh. Tổng số bệnh nhân hiện đang dừng ở 327 người, còn 49 bệnh nhân đang điều trị.

Đặc biệt bệnh nhân 91, phi công người Anh, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay sức khỏe của bệnh nhân bắt đầu có những tiến triển về mặt tri giác, các thông số oxy máu và chức năng thận đã cải thiện hơn so với 2 ngày trước.

Theo đó, sau khi ngưng hẳn thuốc an thần thì bệnh nhân có tín hiệu tỉnh, có thể tiếp xúc được, thực hiện được những y lệnh đơn giản của nhân viên y tế, phản xạ ho sặc cũng khá hơn, huyết động ổn định, có thể cử động được đầu chi mặc dù tình trạng liệt cơ hoành, yếu liệt các chi vẫn còn.

Hiện tại bệnh nhân sau khi được lọc thận 24 giờ đã ngưng lọc thận trở lại và điều trị bằng thuốc.

Mức độ phục hồi các chức năng phổi của bệnh nhân đã có cải thiện tuy nhiên chưa nhiều, cần thời gian tiếp tục điều trị nhiễm trùng cũng như các phương án tiếp theo, hướng đến từng bước giảm các thông số, các chỉ số ECMO.

Dự kiến chiều 28-5, bệnh nhân sẽ được chụp CT-scan ngực để đánh giá mức độ hồi phục của phổi và trong ngày 29-5, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ xin phép được hội chẩn trực tuyến với tiểu ban điều trị của Bộ Y tế cũng như các đầu cầu để xem xét và thống nhất kế hoạch điều trị tiếp theo cho bệnh nhân.

Phi công người Anh có dấu hiệu tỉnh, giao tiếp, cử động đơn giản - Ảnh 2.

6 bệnh nhân vừa được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương công bố khỏi bệnh ngày 27-5, trong đó có bệnh nhân 19 (người mặc áo bệnh nhân đứng hàng cuối) - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Khởi động nghiên cứu sử dụng huyết tương của người bệnh COVID-19 trong điều trị

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 27-5, viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương Bạch Quốc Khánh cho biết viện đã xây dựng xong hướng dẫn tạm thời về việc thu nhận huyết thanh hiến tặng từ người bệnh COVID-19 đã khỏi bệnh, sử dụng để nghiên cứu, điều trị cho các bệnh COVID-19 nặng.

"Hướng dẫn này đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký thông qua. Hiện nay đến khâu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh viện chọn bệnh nhân nào trong danh sách hiến tặng huyết tương và sử dụng trong điều trị ra sao", ông Khánh cho biết.

Nghiên cứu sử dụng huyết tương của người bệnh COVID-19 đã được điều trị khỏi để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng là một trong những hướng nghiên cứu đang được triển khai. Do có những trường hợp bệnh nhân tái dương tính, ông Khánh cho biết chỉ chọn những người hiến đã khỏi bệnh qua 28 ngày và sẽ được kiểm tra lại trước khi hiến tặng huyết tương.

Hiện cũng đã có một số nghiên cứu liên quan đến sử dụng huyết tương điều trị cho bệnh nhân nặng (cụ thể là điều trị cho những bệnh nhân có tải lượng virus cao, bệnh nhân không có kháng thể trung hòa virus thì biện pháp điều trị bằng truyền huyết tương có hiệu quả).

Trong đó tại Trung Quốc, ông Khánh nói ông biết có 15 bệnh nhân được chọn truyền huyết tương chứa kháng thể của những người bệnh đã khỏi bệnh, hiệu quả đạt ở 60-70% số bệnh nhân được truyền.

Từ nguy cơ Từ nguy cơ 'thành thảm họa', vì sao Nhật được ca ngợi chống COVID-19 thành công?

TTO - Từ chỗ bị đánh giá là có nguy cơ trở thành 'vùng thảm họa' COVID-19 của thế giới, Nhật Bản được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ca ngợi đã thành công trong việc đối phó với sự lây lan của đại dịch.

L.ANH - X.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên