19/05/2025 11:53 GMT+7

Phát triển công nghiệp giải trí Việt Nam: Sức hấp dẫn mang tên bản sắc

ĐẬU DUNG
và 1 tác giả khác

Trong buổi bình minh của công nghiệp giải trí Việt Nam, yếu tố bản địa và bản sắc trở thành chìa khóa quan trọng để đi xa mà không đánh mất mình.

công nghiệp giải trí - Ảnh 1.

Những hình ảnh trong video art Con rồng cháu tiên của Phương Vũ và Yến Jii - Ảnh: NVCC

Báo Tuổi Trẻ tiếp tục góp thêm tiếng nói vào đề án về công nghiệp giải trí mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang làm để trình Chính phủ trong tháng 5 này.

Về mặt công nghiệp (tức xét ở yếu tố thương mại), đối tượng khách hàng hàng đầu của công nghiệp giải trí Việt Nam vẫn là 100 triệu dân Việt Nam.

Bà Ngô Bích Hạnh

Apple ấn tượng tính bản địa của Việt Nam

"Tính bản địa là ngôn ngữ mà thế giới đều có thể hiểu được" - đạo diễn Phương Vũ, người đứng sau video art Con rồng cháu tiên (nằm trong chiến dịch #Shotoniphone của Apple mùa hè 2023), nói với Tuổi Trẻ

Anh là một trong số ít những người trẻ từng được CEO Tim Cook tìm gặp khi ông sang Việt Nam năm 2024.

Phương Vũ muốn làm rõ những hiểu lầm lâu nay là gen Z đang "quá Tây, rời xa tính bản địa" bằng chính sản phẩm sử dụng chất liệu Việt Nam của mình. Tầm nhìn của anh là sử dụng chất liệu Việt Nam với ngôn ngữ quốc tế.

Khi làm việc với Apple, Phương Vũ kể khi anh đưa ý tưởng, họ rất thích và tôn trọng vì chất liệu bản địa Việt Nam được khai thác thành một thứ đậm chất công nghệ số và quốc tế, hoàn toàn mới lạ, thú vị và rất ít người từng làm trước đó.

Theo đại diện LP Club, một đơn vị phân phối nhạc, Việt Nam đang lặp lại quỹ đạo của âm nhạc thế giới cách đây 15 - 20 năm. 

"Nếu cứ chạy theo trào lưu, ta mãi đi sau. Chỉ có cách tự cường bằng chính bản sắc của mình", người này nói.

Thời gian qua một số sản phẩm nhạc Việt đưa các chất liệu văn hóa dân tộc vào, tạo ra những làn sóng không chỉ trong nước mà còn lan ra một số nước khác. Ví dụ Để Mị nói cho mà nghe, See tình... của Hoàng Thùy Linh, Bắc Bling của Hòa Minzy. LP Club cho rằng những nghệ sĩ này thắng vì "đánh vào lòng tự hào dân tộc và yêu văn hóa của đất nước".

 Đại diện LP Club nói thêm tiếng Anh - ngôn ngữ mang tính toàn cầu - được cho là rào cản khiến nghệ sĩ Việt gặp bất lợi nếu muốn ra quốc tế. Song như BTS hay BlackPink, đâu phải hát tiếng Anh 100% mà vẫn là những nhóm nhạc toàn cầu?

Họ nổi lên cùng với một chiến lược quốc gia của Hàn Quốc từ hàng chục năm trước, đi cùng với đó là những quảng bá và nhận diện về bản sắc của K-pop. Nghệ sĩ Việt đang thiếu một bệ đỡ vĩ mô như thế.

Hoàng Thùy Linh chia sẻ: "Nếu ai cũng có lòng yêu nước, sự đoàn kết và yêu thương lẫn nhau thì mọi thứ sẽ rất tốt đẹp. Trong ngành nghề của tôi, tôi cũng được kế thừa".

Ở Đông Nam Á, có một số cái tên đáng chú ý theo đuổi con đường này đạt được thành công. Chẳng hạn VannDa - một trong những cái tên nổi bật nhất của âm nhạc Campuchia đương đại. 

MV Bắc Bling

Trong MV Time to rise, anh kết hợp với Kong Nay - một nghệ sĩ bậc thầy còn sống sót sau thảm họa diệt chủng - biểu diễn chapei dang veng (di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của Campuchia), khiến MV nhanh chóng leo lên các bảng xếp hạng. Mấy ngày trước, Golden Land - một MV đậm đặc bản sắc đất nước này của VannDa - cũng thu về hàng triệu view.

Rõ ràng cội nguồn, bản sắc - những nhận dạng tưởng chừng chỉ dừng lại ở lý lịch - đã trở thành "chìa khóa", vũ khí để có thể hội nhập và đi xa hơn.

Công nghiệp giải trí không chỉ đơn giản là làm cho vui mà là tinh thần của cả một đất nước. Khi tinh thần đó được thể hiện rõ ràng thì càng phù hợp với xu thế quốc tế. Nhiều quốc gia đã làm tốt điều này như Hàn Quốc và Nhật Bản. Giới trẻ Việt Nam chúng tôi cũng rất mong muốn làm được như vậy.

Đạo diễn Phương Vũ
công nghiệp giải trí - Ảnh 2.

See tình của Hoàng Thùy Linh

Gốc mà vững, đi đâu cũng được

Ngô Bích Hạnh - phó chủ tịch BHD - chia sẻ với Tuổi Trẻ, điện ảnh là một trong những mũi nhọn của công nghiệp giải trí. Hiện Hollywood đang đi xuống. 

Tính riêng thị trường Việt Nam, tỉ lệ doanh thu của phim Hollywood đã giảm nhiều trong những năm gần đây, từ 75 - 80% xuống khoảng 20 - 25%.

"Thêm việc sau một thời gian dài đất nước mở cửa, đón nhận nhiều xu hướng ngoại lai, rất đông khán giả trẻ Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu mình là ai, gốc gác của mình thế nào. Họ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến lịch sử và văn hóa đất nước" - bà Hạnh nói và cho rằng "đó là cơ hội tốt cho các nhà làm phim nội địa nói riêng cũng như công nghiệp giải trí trở mình nếu tận dụng được".

Bà Hạnh kể đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và BHD ấp ủ Hộ linh tráng sĩ suốt 10 năm qua nhưng đến nay mới bắt tay vào thực hiện. 

Một trong những lý do đến từ sự quan tâm và hưởng ứng của khán giả với các đề tài về văn hóa, lịch sử dân tộc đang "lên". Hai phim chiến tranh, lịch sử gần nhất là Đào, phở và pianoĐịa đạo đều viral.

công nghiệp giải trí - Ảnh 3.

Sự đón nhận của khán giả với phim chiến tranh Địa đạo khiến các nhà sản xuất tin tưởng làm phim có động lực làm những đề tài lịch sử, văn hóa - Ảnh: ĐPCC

Cách đây không lâu, khi ra mắt phim Thám tử Kiên tại Hà Nội, đạo diễn Victor Vũ cũng tiết lộ anh đang hoàn thiện một kịch bản phim chiến tranh. Cả bà Hạnh và Victor Vũ đều cho phản ứng của khán giả hiện tại đã củng cố thêm niềm tin của ê kíp khi bắt tay vào những dự án có yếu tố văn hóa, lịch sử. Phim Việt đang được khán giả ủng hộ rất lớn.

Bà Ngô Bích Hạnh bày tỏ xây dựng công nghiệp giải trí vươn tầm ra bên ngoài là đúng nhưng không nhảy vọt được ngay. "Lộ trình mang tính quy luật mà các nước vẫn đi đó là phát triển nền móng trong nước vững mạnh rồi đi đâu thì đi. Ban đầu Hollywood cũng làm phim cho thị trường của họ, sau đó mới mở rộng và dần chiếm lĩnh thị trường toàn cầu".

Mở rộng điều bà Hạnh nói, lộ trình đó không chỉ ứng với điện ảnh mà còn ở nhiều lĩnh vực khác cấu thành công nghiệp giải trí. Khi nền công nghiệp giải trí nội địa mạnh, có thể tự nuôi sống nó và tạo ra giá trị kinh tế, bản thân nó đã là một lực hút hấp dẫn với bên ngoài.

công nghiệp giải trí - Ảnh 4.

Nhiều cái tên Việt Nam xuất hiện ở phần credit sau phim Sweet home

Người Việt giỏi và mong muốn được đóng góp

Có "chìa khóa", buổi bình minh công nghiệp giải trí Việt Nam lại có không ít những người trẻ và giỏi, muốn đóng góp cho đất nước.

Khán giả Việt Nam không khỏi hào hứng khi credit sau các phim The Avengers 2, Star Wars, Fast & Furious 7, Penthouse, Squid Game... xuất hiện nhiều cái tên Việt Nam. Hiện các studio làm kỹ xảo tại Việt Nam đang trở thành đối tác đáng tin cậy của nhiều hãng phim Hàn Quốc lẫn quốc tế: AIOI Studios, BAD CLAY Studio, DITUS Vietnam, Synapse Studio, OPIM Digital...

Thời gian qua nhiều studio chuyên về kỹ xảo hình ảnh, hoạt hình, game của Việt Nam cũng lần lượt về chung nhà với các ông lớn, tiếp nối tiến trình "toàn cầu hóa" ngành công nghiệp VFX, hoạt hình 3D, Games Việt Nam, đưa đội ngũ nhân sự nước nhà hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế. Ví dụ Glass Egg và OneUniverse VN lần lượt về với tập đoàn Virtuos và công ty YJM Games. Chính điều đó mở ra không ít cơ hội cho thị trường nội địa.

Vậy trong đề án về công nghiệp giải trí, làm thế nào để "kích hoạt" bộ phận này? Đó là một vấn đề cần phải bàn.

Đạo diễn, NSƯT Vũ Thành Vinh cho rằng khi phát triển ngành giải trí, chúng ta phải trân trọng giá trị của con người thông qua chiến lược đào tạo. Với những ai đang làm nghề, cần nâng tầm họ lên. "Giải trí của chúng ta chưa phát triển so với thế giới một phần vì khó khăn trong vấn đề con người", ông nhận xét.

công nghiệp giải trí - Ảnh 5.

Phần hậu kì phim The Avengers 2 có sự tham gia của nhiều người Việt

AIOI Studios là đơn vị đứng sau các phim Việt như Em và Trịnh, Trạng Tí phiêu lưu ký, Hai Phượng, Mắt biếc, Thanh Sói, Móng vuốt... và các phim ngoại như All of us are dead, Sweet home, Glitch, Jung-e, Money heist (Phi vụ triệu đô) phiên bản Hàn... và gần nhất có phim Địa đạo: mặt trời trong bóng tối.

Khi làm Địa đạo, AIOI Studios có được niềm tin của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chứ không chỉ là "người làm thuê" như với phim ngoại.

Tại một hội thảo năm 2024, ông Thierry Nguyễn - phó chủ tịch VAVA, Hiệp hội VFX và hoạt hình Việt Nam - nhấn mạnh dù làm kỹ xảo cho các phim lớn của Hollywood và Netflix thì các studio Việt Nam vẫn là "làm thuê", "bán chất xám".

Theo ông, các studio Việt luôn khao khát làm việc cho phim Việt vì tiếng nói về tầm nhìn, sáng tạo của họ được các nhà làm phim lắng nghe, cùng nhau tạo ra những dự án mang đậm tính văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam và thể hiện trình độ kỹ thuật của người Việt Nam.

Sức hấp dẫn mang tên bản sắc - Ảnh 5.Công nghiệp giải trí Việt Nam: Chiến lược phải xây từ những đánh giá khách quan, trực diện

Nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, nhà sản xuất uy tín bày tỏ sự hy vọng khi lần đầu tiên, công nghiệp giải trí được đề cập chính thức ở tầm vĩ mô.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên