Mới đây, các nhà khoa học Mỹ thông báo đã phát hiện ra tế bào thần kinh đặc biệt ở phía sau não điều chỉnh cơn thèm ăn muối.
“Sự thèm natri (muối ăn) và khả năng dung nạp muối được các loại tế bào thần kinh hoàn toàn khác nhau kiểm soát", ông Yuki Oka, tác giả nghiên cứu và là giáo sư sinh học tại Viện Công nghệ Califorrnia (Caltech - Mỹ), báo cáo trên tạp chí Cell.
Ông giải thích: cơ thể điều chỉnh tỉ mỉ nồng độ natri trong máu để duy trì chúng trong phạm vi hẹp từ 135 - 145 milimol. Điều này được thực hiện thông qua việc kiểm soát chính xác lượng muối tiêu thụ và giữ lại.
Để giữ mức natri được cân bằng chính xác, não phải kiểm soát cả sự "yêu thích" và "ác cảm" với muối.
Năm 2019, các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ông Oka đã tìm ra tế bào thần kinh thúc đẩy cảm giác thèm muối ở chuột. Các tế bào thần kinh "thèm muối" này nằm ở đáy hộp sọ, trong vùng được gọi là não sau.
Tuy nhiên, cơ chế điều chỉnh khả năng chịu mặn vẫn chưa được giải đáp.
Mới đây, nhóm của giáo sư Oka phát hiện những tế bào thần kinh "ác cảm" với muối nằm ở não trước, cách xa và hoạt động độc lập với các tế bào thần kinh "thèm muối".
Nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy các tế bào này phản ứng với những chất giống hormone gọi là prostaglandin. Những chất này lưu thông trong máu, được biết đến nhiều nhất với vai trò gây viêm, sốt và đau.
Phát hiện mới trên có thể giúp phát triển loại thuốc prostaglandin giúp ngăn mọi người ăn quá nhiều muối.
Bà Nirupa Chaudhari, giáo sư sinh lý học và sinh học tại Trường Y Miller thuộc Đại học Miami (Mỹ), cho biết phát hiện này có ý nghĩa về mặt sức khỏe, vì ăn muối là một “vấn đề lớn” ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ.
Trên thực tế, việc cung cấp đủ lượng muối cho cơ thể rất quan trọng, đến nỗi các tế bào thần kinh trong não phải làm việc chăm chỉ để đảm bảo rằng cơ thể nhận được lượng muối cần thiết.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều muối có thể gây ra huyết áp cao và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận