12/04/2019 11:46 GMT+7

Ăn nhiều muối tăng nguy cơ ung thư dạ dày

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - Thói quen ăn mặn của người lớn, đặc biệt người già rất nguy hiểm cho sức khỏe. Bác sĩ bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH) cho biết, thói quen này làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày rất cao, cần được thay đổi sớm.

Ăn nhiều muối tăng nguy cơ ung thư dạ dày - Ảnh 1.

Giảm lượng muối trong bữa ăn hàng ngày, giảm nguy cơ ung thư

Nội soi đại trang giúp phát hiện ung thư đại trực tràng, vậy khi nào thì nên đi nội soi? (Lê Thị Sáu, TP.HCM, Lethisau@...)

- Bất cứ khi nào nếu bạn có dấu hiệu nghi ngờ thì nên đi kiểm tra để được chỉ định phù hợp.

* Tôi thường xuyên ăn ra củ quả, tuy nhiên gần 4 tháng nay, thường xuyên bị táo bón, đau khi đi đại tiện. Có phải đó là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng? (Nguyễn Bảo Bảo, TP.HCM , Banhbaoatt@... )

- Chưa thể kết luận được tình trạng bệnh của bạn. Bạn nên đến các bệnh viện/phòng khám chuyên khoa ung bướu để tầm soát.

* Hội chứng đa polyp tuyến là gì, nó có mối liên quan gì với ung thư đại trực tràng? (Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Tiền Giang, Trinhtrongtreo@... )

- Là di truyền theo kiểu gen làm tăng nguy cơ ung thư đường ống tiêu hóa. Ngoài đại trực tràng thì các bộ phận khác từ dạ dày – hậu môn đều có khả năng gặp.

Đa polyp có tính chất gia đình, liên quan di truyền, là người trong nhóm có nguy cơ cao nên cần can thiệp sớm.

* Ung thư đại trực tràng phát hiện sớm ở giai đoạn 1,2. Điều trị tốt có thể sống thêm tối đa bao nhiêu năm? (Huỳnh Thanh Thủy, Bình Dương, Huynhthuy28@...)

- Ung thư đại trực tràng phát hiện sớm ở giai đoạn 1-2 điều trị tốt. Nếu điều trị đúng phương pháp, phác đồ có thể sống 5,7 năm hoặc hơn. Tiên lượng sống còn phụ thuộc vào yếu tố khác như chế độ tái khám, dinh dưỡng, tinh thần….

* Thời gian tiến triển bệnh của các giai đonạ bệnh ung thư đại trực tràng là bao lâu? (Nguyễn Thị Yến Phương, TP.HCM, Phuongphuong@... )

- Thời gian tiến triển cụ thể từng gđ bệnh K.đại trực tràng phụ thuộc nhiều yếu tố như : vị trí, thể lọai GPB, tuổi, thể trạng, giới tính, tinh thần…từ 1 vài tháng đên 1 vài năm.

* Nếu phát hiện trễ ung thư đại trực tràng, vậy bệnh nhân có thể sống thêm bao lâu nếu hóa trị tốt? (Nguyễn Hoài Trân, Long An, Traanubeo@... )

- Như bạn đã biết ung thư đại trực tràng tùy vị trí, tùy loại, do giải phẫu bệnh đọc, tùy lọa thuốc hóa trị cho bệnh nhân, rồi thể trạng, sự chăm sóc… nên khó nói cụ thể được.

* Ngoài cắt polyp đại tràng bằng phương pháp phẫu thuật, có phương pháp nào khác không thưa bác sĩ? (Nguyễn Thị Tú, TP.HCM, Nguyenthitu2187@...)

- Có nhiều phương pháp để điều trị, tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể. Nếu quan tâm, bạn nên gặp bác sĩ để tư vấn thêm tình trạng cụ thể.

* Ung thư đại trực tràng khi nào hóa trị, khi nào xạ trị? (Xuân Trường, TP.HCM, truongcaocct@...)

- Một câu hỏi rất rộng, sâu. Tùy vị trí, giai đoạn ,loại tế bào, 1 ổ hay nhiều ổ mà có phương pháp điều trị khác nhau. Hầu hết giai đoạn sớm 1-2 ưu tiên Phẫu Thuật, Hóa Trị. Còn giai đoạn 3-4 không Phẫu Thuật được thì Hóa Trị, Xạ trị trước rồi Phẫu Thuật sau… (5FU/Mitomycine và XT 50-60Gy).

* Người nhà tôi vừa phát hiện bị ung thư hậu môn ở giai đoạn 0. Tôi muốn hỏi có phương pháp nào để điều trị ung thư hậu môn mà không phải loại bỏ cơ vòng hậu môn và phải sử dụng hậu môn giả không, thưa bác sĩ. (Trương Văn Tư, Nghệ An, Truong.four37@... )

- Theo như bạn nói thì trường hợp này chỉ cần phẫu thuật tại chỗ không ảnh hưởng tới cơ vòng hậu môn và không phải làm hậu môn giả.

Cũng cần nói thêm là ung thư hậu môn ống hay rìa hậu môn và loại tế bào nào, vảy, đáy, có biệt hóa hay không nữa.

* Ung thư hậu môn có bị di truyền không thưa bác sĩ? Vì ông nội tôi có bị nên tôi cũng hơi lo lắng. (Ngô Nhật, japan.ngomanh@...)

- Ung thư hậu môn cũng như các trường hợp khác vẫn có tỉ lệ di truyền nhất định nhưng ít thôi. Nên bạn cũng không nên lo lắng quá, nên chú ý chế độ ăn uống, tránh táo bón, viêm nhiễm vùng hậu môn.

* Người thân của tôi bị ung thư hậu môn giai đoạn đầu và có được bs chỉ định mổ. Đến giai đoạn nào thì cần phải hóa trị và xạ trị vậy bác sĩ? (Trần Hoài Tâm, tam.hoaitran98@... )

- Tùy giai đoạn có các phương pháp điều trị khác nhau. Cần khám chuyên khoa để có kết luận chính xác hơn.

* Tôi ở TP.HCM. Tôi muốn hỏi bác sĩ đi khám và chữa u nhú hậu môn ở đâu thì tốt? Tôi sợ u nhú lâu ngày thành ung thư nên rất lo lắng. (Hoàng Anh, anhhungdatkhach.dt@... )

- Nếu cần tầm soát để phòng ngừa ung thư, bạn có thế đến các bệnh viện/phòng khám chuyên khoa ung bướu.

* Bác sĩ ơi, làm sao để hạn chế cơn buồn nôn sau quá trình điều trị hóa chất? Nó hành hạ tôi, khiến tôi gần như không ăn uống được gì và luôn thấy khó chịu. (Trần Hoàng Kim, TP.HCM, Kim_kim@... )

- Tác dụng phụ của một số chất hóa trị thường gây buồn nôn, chán ăn, thay đổi khẩu vị. Vì vậy, về nguyên tắc chung, để hạn chế cảm giác buồn nôn, bạn cần:

Chia nhỏ thành 5-6 bữa/ngày, thay vì 3 bữa lớn

Nên ăn các thực phẩm khô như bánh quy, ngũ cốc khô, bánh mì khi mới thức dây buổi sáng và mỗi vài giờ trong suốt cả ngày

Chế biến bằng các phương pháp ít dậy mùi như luộc, hấp, nấu canh và sử dụng ít gia vị.

Nên dùng thực phẩm nguội, ấm thay vì thức ăn nóng

Tránh các thực phẩm quá ngọt hoặc nhiều dầu mỡ

Không nên nằm ngay trong 1 giờ sau khi ăn, thay vào đó bạn ngồi ghế dựa cao đầu

Uống nước từng ngụm khoảng 15-20 phút/lần, mỗi lần khoảng 50 ml để tránh mất nước.

Bên cạnh đó, bạn cần được đánh giá và tư vấn dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng phù hợp trước khi bị suy mòn vì ăn uống kém.

* Sáng nào bố em cũng bắt cả nhà phải uống một ly lớn nước chanh mật ong pha nhạt, ngay sau khi vệ sinh cá nhân xong. Bố bảo như vậy có thể "rửa sạch" đường ruột, làm giảm nguy cơ bị ung thư đường ruột, như vậy có đúng không ạ? (Duy Biên, 21 tuổi, TP.HCM, Biendevil98@...)

- Hiện nay chỉ có một vài nghiên cứu trên động vật cho thấy lợi ích của mật ong đối các vết loét và tổn thương ở dạ dày, do khả năng chống oxy hóa và bảo vệ tế bào của mật ong. Về phía chanh, là thực phẩm có tính acid nên sẽ là tăng kích thích niêm mạc dạ dày, đặc biệt là khi bụng trống. 

Chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học thể hiện lợi ích của việc uống nước chanh mật ong mỗi ngày đối với ung thư đường ruột, và khái niệm "rửa sạch" đường ruột thì không có trong y văn, ngoài trừ việc dùng thuốc nhuận trường để làm sạch ruột trước khi nội soi hoặc phẫu thuật. 

Vì vậy, để phòng tránh ung thư nói chung và ung thư đường ruột nói riêng, bạn cần có chế độ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm – cân bằng – đa dạng, cùng việc vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.

* Mẹ tôi ăn rất mặn, hậu quả của những ngày đói kém trước kia phải nấu thật mặn để tiết kiệm thức ăn. Tôi biết việc này không tốt, có thể dẫn đến nhiều bệnh về tiêu hóa, kể cả ung thư. Tôi cố gắng tập cho bà ăn nhạt hơn nhưng gần như không thể. Xin bác sĩ tư vấn về tác hại của ăn mặn, cách tập luyện ra sao để người lớn tuổi có thể ăn nhạt hơn. Cảm ơn bác sĩ.(Loan Nguyễn, Nghệ An, 32 tuổi, nguyenthiloanpr@... )

- Khẩu vị của người lớn tuổi kém nhạy cảm hơn người trẻ do các gai vị giác (cơ quan thụ cảm mùi vị trên lưỡi) bị giảm do tuổi tác, vì vậy người lớn tuổi có xu hướng ăn mặn hơn người trẻ.

Tác hại của việc ăn nhiều muối (NaCl) và các gia vị/phụ gia có gốc Na:

Làm tăng thể tích máu và làm tăng huyết áp, nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy chế độ ăn nhiều muối (gốc Natri) thì dễ có nguy cơ bị ung thư dạ dày

Gốc Natri trong muối làm tăng đào thải Calcium qua nước tiểu, vì vậy làm tăng nguy cơ loãng xương

Hạn chế các tác hại trên bằng cách:

Có thể thay thế muối (dạng NaCl thông thường) thành loại muối kết hợp NaCl và KCl chuyên dùng cho người bị tim mạch (hay còn gọi là muối ăn kiêng) nhằm giảm lượng Natri hấp thu vào cơ thể nhưng không thay đổi quá nhiều về khẩu vị

Hạn chế tối đa các thực phẩm có chứa nhiều muối và các gia vị/phụ gia có gốc Na như thịt nguội, mì gói, bánh snack (bim bim), các loại sốt chế biến sẵn, phô mai, cá khô, các loại đậu hạt rang muối

Giảm lượng muối và gia vị nêm nếm từ từ trong mỗi bữa ăn

Tập thói quen không chấm thêm bất kỳ loại nước chấm gì trong bữa ăn

Thay thế nước chấm thông thường bằng loại giảm muối.

Báo Tuổi Trẻ phối hợp Bệnh viện Quốc Tế Mỹ (AIH) tổ chức chương trình tư vấn điều trị ung thư đường tiêu hóa từ ngày 2-4 đến 15-5.

Bạn đọc có thắc mắc về ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn...) hay cách ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa, có thể gửi câu hỏi về email suckhoe@tuoitre.com.vn hoặc điền câu hỏi ở đây.

500 bạn đọc gửi câu hỏi sớm nhất sẽ được tặng thẻ ưu đãi gồm 1 lần khám bệnh miễn phí, trị giá 690.000 đồng và giảm 5% phí dịch vụ lẻ tiếp theo tại Bệnh viện Quốc Tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM).

Bạn đọc gửi câu hỏi vui lòng để lại thông tin họ tên, email, điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ để nhận được quà từ chương trình.

Hỏi về ung thư dạ dày, đại tràng..., được khám bệnh miễn phí Hỏi về ung thư dạ dày, đại tràng..., được khám bệnh miễn phí

TTO - Loại ung thư nào hay gặp ở đường tiêu hóa? Phương pháp điều trị ra sao? Chế độ dinh dưỡng trong điều trị ung thư thế nào? ... sẽ được chuyên gia, bác sĩ giải đáp trên tuoitre.vn.

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên