04/01/2019 07:24 GMT+7

Phát hiện loài kiến gây hiệu ứng nhà kính không thua con người

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Thế giới đang ‘đau đầu’ về việc kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát sinh từ các hoạt động của con người. Nhưng không chỉ chúng ta, còn có một 'thủ phạm' khác gây hiệu ứng nhà kính.

Phát hiện loài kiến gây hiệu ứng nhà kính không thua con người - Ảnh 1.

Loài kiến để lại lượng lớn khí thải ngoài môi trường - Ảnh: SCIENCE

Một nhóm nhà khoa học kết luận như vậy sau khi nghiên cứu Atta colombica - một trong 41 loài kiến xén lá - phân bố từ Guatemala đến Colombia hay Costa Rica (Trung - Nam Mỹ).

Những tay trồng nấm chuyên nghiệp

Về đặc điểm, các loài kiến xén lá thường có màu nâu và không có điểm sáng. Kiến xén lá có thể vác vật nặng gấp 20 lần cơ thể, thậm chí có lúc lên đến 50 lần.

Theo trang Science, một đặc điểm nổi bật của loài kiến này là khả năng dùng hàm cắt lá cây hay các bộ phận của thực vật khác như hoa, chồi… mang về tổ nhưng không để ăn mà dùng làm chất dinh dưỡng cho việc… trồng nấm.

Trong dây chuyền lao động, những con kiến thợ trẻ trung, khỏe mạnh thường đảm nhận nhiệm vụ cắt lá cây, sau đó chuyển sang cho những con "già" hơn tỉa gọn thành hình tròn hoặc hình bán nguyệt để thuận tiện vận chuyển.

Cuối cùng, những con kiến yếu nhất trong nhóm sẽ hợp thành tổ đội khuân vác đem lá thành phẩm về tổ.

Phát hiện loài kiến gây hiệu ứng nhà kính không thua con người - Ảnh 2.

Một góc nấm thành phẩm của loài kiến xén lá - Ảnh: SCIENCE

Khi lá về đến nơi, kiến "nông dân" bắt đầu phần việc của mình. Nhiều tổ đội sẽ nghiền lá cây cho nát vụn và tiết nước bọt chứa những chất hóa học đặc biệt rồi trộn đều.

Một tổ đội khác sẽ đảm trách công đoạn cấy những sợi nấm giống đã cất giữ từ lâu và luân phiên nhau chăm sóc cho đến khi nấm trưởng thành.

Không chỉ trồng một cách đơn giản, nhóm kiến "nông dân" còn biết điều chỉnh số lượng và kích thước của nấm, biết cắt bỏ những cá thể không ăn được.

Chúng còn biết cách bón phân, lựa chọn và để lại những giống nấm tốt cho vụ sau.

Thông thường, nấm được giới hạn phát triển bằng đường kính quả trứng là kiến sẽ cắt đứt.

Thành phẩm sau đó được một đội phân phát cho các thành viên trong ổ kiến.

Thải N2O gấp 1.000 lần tiêu chuẩn

Phát hiện loài kiến gây hiệu ứng nhà kính không thua con người - Ảnh 3.

Một phần ổ kiến xén lá - Ảnh: Songs of Praise

Mới đây, các nhà khoa học ở Trường ĐH Nevada (Mỹ) cho biết họ đã phát hiện kiến Atta colombica cùng cách canh tác nấm hiệu quả này là một trong những nguyên nhân làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Để làm giàu đất trồng nắm, những "khu vườn" của loài kiến này không chỉ có lá cây mà còn chứa cả thức ăn thừa, vi khuẩn và xác kiến chết.

Sau khi phân tích 22 "khu vườn" của kiến Atta colombica ở miền tây nam Costa Rica, các nhà khoa học kết luận những khu vực này thường ở trong điều kiện ẩm ướt, thiếu oxy nhưng lại rất giàu methane và đinitơ monoxit (N2O).

Cụ thể, lượng methane thấm qua những lớp đất này cao hơn gấp 20 lần so với lượng methane thải ra từ bề mặt khu vực rừng xung quanh.

Bất ngờ hơn là lượng N2O những ổ kiến này thải ra gấp 1.000 lần so với chuẩn chung của môi trường.

Các nhà khoa học cho biết họ đang nghiên cứu để tìm thêm những bằng chứng chỉ ra tác động đến môi trường xung quanh của những loài kiến này trong những giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.

Tuy nhiên nhìn chung ảnh hưởng này là không hề nhỏ bởi Atta colombica chỉ là 1 trong hơn 40 loài kiến xén lá có thói quen trồng nấm trên toàn cầu. Vả lại, một loài kiến có đến hàng ngàn đến hàng triệu quần thể khác nhau.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B ngay đầu năm 2019.

Nơi trồng nấm đạt chuẩn… con người

trongnhan_dongvat

Kiến "nông dân" trên cánh đồng nấm của mình - Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Kiến xén lá tạo nên một cộng đồng sinh vật lớn và phức tạp nhất chỉ sau con người.

Chỉ trong một vài năm, khoảng 8 triệu "cư dân" kiến đã phát triển và được quy hoạch trật tự trong không gian lớn nhất lên đến khoảng 600m2.

Khoang trung tâm ví như đô thị của ổ kiến có thể đạt chiều ngang 30m. Những khoang nhỏ hơn phân bố trong vòng bán kính 8m.

Nơi trồng nấm của loài kiến này có điều kiện gần như một phòng trồng nấm nhân tạo của con người với nhiệt độ luôn dưới 25 độ C và độ ẩm tương đối luôn nằm quanh 55%.

Ngỡ ngàng ảnh động vật đẹp nhất năm 2018 Ngỡ ngàng ảnh động vật đẹp nhất năm 2018

TTO - Trang National Geographic mới đây chọn những bức ảnh đẹp nhất chụp các động vật trong tự nhiên lẫn trong đời sống thường ngày của con người, ngụ ý muôn loài đều có thể sống hòa hợp cùng nhau.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên