Xét nghiệm cho công nhân của Công ty TNHH VEXOS Việt Nam trước khi vào cách ly theo mô hình "3 tại chỗ" để sản xuất - Ảnh: CHÂU PHẠM
Hàng loạt doanh nghiệp tại tỉnh này đã hưởng ứng. Tương tự, các doanh nghiệp tại TP.HCM cũng nhanh chóng triển khai thực hiện "3 tại chỗ" theo yêu cầu của TP.
Đồng Tháp áp dụng yêu cầu từ ngày 14-7, Tiền Giang từ ngày 15-7.
"Chống dịch là ưu tiên số 1"
Tại Long An, nhiều đoàn do lãnh đạo tỉnh dẫn đầu đã đến các khu công nghiệp tập trung số lượng lớn người lao động để đối thoại, kêu gọi doanh nghiệp cùng hợp tác.
Đối thoại với doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, ông Nguyễn Văn Được - bí thư Tỉnh ủy Long An - đã nhắc lại tinh thần "chống dịch như chống giặc", đồng thời yêu cầu các đoàn giám sát cũng như doanh nghiệp phải tuyệt đối thực hiện các phương án đúng theo yêu cầu vừa cách ly, vừa sản xuất mà tỉnh này đã gửi văn bản hướng dẫn.
Theo hướng dẫn mà Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An đưa ra, việc tổ chức "3 tại chỗ" phải đảm bảo các điều kiện như địa điểm bố trí nơi ở tập trung phải đáp ứng các tiêu chí cần thiết cho hoạt động phòng chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sinh hoạt tại doanh nghiệp.
Trên hết, việc sản xuất hiện nay phải có sự đồng thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động khi thực hiện phương án "3 tại chỗ", người lao động lưu trú tại nơi tập trung phải được xét nghiệm và có kết quả âm tính với COVID-19 trước khi vào lưu trú.
Doanh nghiệp đã thực hiện "3 tại chỗ" phải ký bản cam kết đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch và đăng ký với các đơn vị quản lý, địa phương để thẩm định.
Sau khi làm cam kết, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây lan dịch trong quá trình hoạt động.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Thành Thanh - trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An - cho biết nơi ở tập trung mà doanh nghiệp bố trí có thể thành lập ngay tại doanh nghiệp, dựa trên việc chuyển đổi công năng từ văn phòng, nhà xưởng...
"Có thể bố trí nơi ở dã chiến trong các nhà nghỉ, khách sạn, nhưng phải đảm bảo tuyệt đối một nơi tập trung chỉ bố trí cho người lao động của một doanh nghiệp, không chấp nhận việc người lao động của nhiều công ty khác nhau tập trung ở một chỗ" - ông Thanh nói thêm.
Khu vực lưu trú tập trung phải kiểm soát được các lối vào bằng hệ thống camera có kết nối với hệ thống thông tin của địa phương để phối hợp giám sát, có biển báo "không phận sự cấm vào", được cung ứng đầy đủ thực phẩm, các đồ dùng thiết yếu, điểm khử khuẩn, dung dịch sát khuẩn...
Các nơi ở dã chiến cũng phải đáp ứng được việc phân chia thành các khu vực khử khuẩn, khu vực lưu trú, khu vực bếp ăn, khu vực vệ sinh chung, khu vực phơi quần áo, khu vực tập kết rác... và các phòng phải có cửa đi, cửa sổ thông thoáng mang ánh sáng tự nhiên.
Diện tích sử dụng bình quân mỗi phòng lưu trú không được nhỏ hơn 10m2 và phải đảm bảo diện tích sử dụng bình quân tối thiểu 5m2 mỗi người...
Công ty cổ phần dệt Đông Quang đã giảm 2/3 người lao động tại cơ sở ở xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An để đảm bảo bố trí đầy đủ các chỉ tiêu lưu trú cho công nhân, tiếp tục được duy trì sản xuất - Ảnh: SƠN LÂM
Doanh nghiệp cố gắng hết mình
Ngay trong hai ngày đầu tiên thực hiện, đã có đến 362 doanh nghiệp gửi phương án bố trí "3 tại chỗ" để các đoàn tỉnh Long An đến thẩm định. Ông Nguyễn Thành Thanh cho biết nhìn chung, trong phương án của các doanh nghiệp đều giảm từ 50-60% nhân sự để có thể bố trí được các phương án "3 tại chỗ".
Ví dụ tại cơ sở 1 của Công ty cổ phần dệt Đông Quang tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, công ty đã chủ động giảm 1/3 người lao động, từ hơn 600 công nhân xuống chỉ còn khoảng 200 công nhân.
Để thực hiện "3 tại chỗ", công ty này đã trưng dụng một xưởng làm việc để bố trí làm nơi ở cho các nam công nhân và một văn phòng làm nơi ở cho các nữ công nhân. Mỗi công nhân đều được cấp chiếu, mền, gối, mùng cá nhân và quạt máy để nghỉ ngơi và ngủ lại.
Ngoài khu vực ăn uống đã được xây dựng thêm các vách ngăn trên bàn để đảm bảo ngăn cách giữa người và người khi ăn, công ty này còn xây dựng một dãy phòng tắm giặt dã chiến, bố trí màn che, vòi nước riêng đến từng phòng để tránh việc sinh hoạt giữa các công nhân tiếp xúc nhau.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng - giám đốc nhân sự tại cơ sở này - cho biết: "Mô hình mùng mền, chiếu cá nhân này một phần học tập qua các hình ảnh từ Bắc Giang. Cắt giảm nhân sự là việc cần phải làm để bảo vệ công ty trong lúc này nên chúng tôi cũng đã thỏa thuận sớm và đảm bảo quyền lợi cho những công nhân bị cắt giảm".
Doanh nghiệp TP.HCM: không chờ đến "tối hậu thư"
Tại TP.HCM, không chờ đến khi UBND TP ra "tối hậu thư" siết các biện pháp phòng dịch trong sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động áp dụng "3 tại chỗ" từ những ngày qua.
Nhiều doanh nghiệp khác trong ngày 14-7 cũng đã ráo riết chuẩn bị để lập khu lưu trú tập trung và đưa đón công nhân với phương án "1 cung đường 2 địa điểm" để có thể duy trì sản xuất dù quy mô bị thu hẹp.
Công ty TNHH VEXOS Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) đã đưa vào vận hành quy trình sản xuất, sinh hoạt của công nhân khép kín trong nhà xưởng từ 8-7 với 112/230 người. Đây là các công nhân đã test COVID-19, phân nửa đã tiêm một mũi vắc xin và đồng thuận thực hiện "3 tại chỗ".
Công ty đã cấp toàn bộ các vật dụng sinh hoạt thiết yếu của công nhân từ gối, mền, khăn tắm, xà bông, lều trại và ai đau lưng sẽ được cấp luôn nệm...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cải tạo khu vực vệ sinh để làm thành các nhà tắm, lắp bình nóng lạnh, trang bị các vị trí sạc điện thoại, lắp máy bán nước tự động.
Bà Phạm Thị Châu - trưởng phòng hành chính nhân sự công ty - còn cho biết đã trang bị các mặt nạ chống giọt bắn, vitamin C, bố trí bàn vẽ tranh, thức ăn vặt... để người lao động giải trí, nghỉ ngơi sau giờ làm việc.
Theo bà Châu, công ty này có lợi thế là có diện tích rộng, tách biệt nên có thể bố trí nơi ăn nghỉ cho công nhân, có điều hòa duy trì 24-25oC ở khu nghỉ ngơi, chăm lo mỗi ngày 3 bữa ăn và có đối tác giặt áo quần nên công nhân được đảm bảo về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Bên cạnh đó, công ty còn đưa ra mức lương gấp đôi cho những công nhân vào cách ly tại nhà xưởng và được hưởng mức thu nhập cao nếu tăng ca, làm ca đêm.
Tương tự, Công ty TNHH Lập Phúc (Q.7) đã áp dụng mô hình "3 tại chỗ" từ ngày 10-7 khi 2/3 lao động của nhà máy đã tự nguyện vào nhà xưởng cách ly. Ông Nguyễn Văn Trí - tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc - cho biết đây là các lao động kỹ sư, công nhân kỹ thuật có tay nghề nên việc áp dụng mô hình cách ly tập trung thuận lợi, đảm bảo được các đơn hàng xuất khẩu.
Dữ liệu: LAN ANH - Đồ họa: TUẤN ANH
Sản xuất ít đi cũng hài lòng
Sau buổi làm việc với Bộ Y tế mới đây, PGS.TS Nguyễn Anh Thi - trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - chia sẻ hiện các doanh nghiệp được định hướng 2 phương án, đó là triển khai khu lưu trú dã chiến ngay tại doanh nghiệp, hoặc thực hiện theo mô hình "một con đường hai điểm đến" (doanh nghiệp tổ chức cách ly tập trung người lao động tại khu lưu trú bên ngoài và có phương tiện vận chuyển người lao động đến phân xưởng). Đối với cả 2 phương án này, doanh nghiệp phải kiểm soát chặt người lao động, lập danh sách người lao động, thực hiện test nhanh định kỳ.
Còn ông Chen Meng Yu - giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Paiho (Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân) - cho biết từ việc phát hiện một công nhân dương tính, công ty đã chủ động cho 500 công nhân liên quan tạm nghỉ. "Quan điểm của chúng tôi là có thể sản xuất ít một chút nhưng phải đảm bảo an toàn cho công nhân" - ông Chen Meng Yu chia sẻ thêm.
H.LỘC
An toàn từng việc nhỏ nhất
Tại Long An, không phải doanh nghiệp nào cũng bố trí "3 tại chỗ" đủ đảm bảo phòng chống dịch. Trong hai ngày vừa qua, Ban quản lý khu kinh tế đã kiểm tra hơn 40 doanh nghiệp và đã không chấp nhận cách bố trí, phương án của nhiều doanh nghiệp khi đoàn kiểm tra đến. Cụ thể, có doanh nghiệp chỉ bố trí một phòng chưa đến 10m2 nhưng trải các tấm đệm cá nhân san sát cho khoảng 20 công nhân ở lại. Có doanh nghiệp chưa đảm bảo được các tiêu chí bố trí thực phẩm, nơi ăn uống đảm bảo cho công nhân, hoặc chưa xây dựng được tiêu chí mỗi nơi vệ sinh riêng chỉ phục vụ được tối đa 12 người.
Khẩn trương áp dụng "3 tại chỗ"
Bên cạnh các doanh nghiệp (DN) đã áp dụng mô hình, nhiều DN cũng cấp tốc xây dựng các khu lưu trú tập trung bằng cách tận dụng mặt bằng có sẵn để duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Công ty TNHH SXTM Tân Quang Minh (Bidrico) - cho biết DN này đang tốc lực sắp xếp để chiều 14-7 hoàn thành cơ sở vật chất, đảm bảo phương án sản xuất theo quy định của TP. Theo ông Hiến, DN đã chuẩn bị vật dụng cá nhân cho công nhân, bố trí 7-10 phòng tắm, chia vị trí ăn ngủ giãn cách, lối đi riêng tách biệt với khu sản xuất cũng như dự trữ thức ăn cả tháng.
Ngay trong chiều 14-7, công ty tiếp tục thuê bệnh viện đến xét nghiệm COVID-19 cho 328 công nhân lần thứ 5, sau khi có kết quả sẽ để công nhân vào cách ly trong nhà xưởng. Theo ông Hiến, công ty không ép buộc mà vận động công nhân thực hiện "3 tại chỗ".
"Hiện nay chi phí sản xuất đội lên rất nhiều, giao hàng khó khăn, chi phí xét nghiệm rất lớn nên việc duy trì sản xuất cũng là một sự nỗ lực của DN để công nhân có việc làm, có thu nhập. Còn nếu chúng tôi quyết định đóng cửa, sẽ khó cho hàng trăm lao động trong thời gian này" - ông Hiến nói.
Tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM đã thực hiện cấm toàn bộ xe hai bánh vào (ảnh chụp chiều 14-7) - Ảnh: TỰ TRUNG
Tương tự, Nhà máy SEHC của Samsung đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM hôm 14-7 vẫn hoạt động bình thường và phía Samsung cho biết đang sắp xếp khu vực lưu trú tại nhà máy để đảm bảo an toàn và yêu cầu phòng dịch.
Ông Đỗ Thành Hải - giám đốc an toàn, sức khỏe môi trường của Công ty TNHH điện tử Samsung - cho biết Nhà máy SEHC có 7.000 lao động ở 16 phân xưởng. Sau khi phát hiện 46 ca mắc COVID-19 và 300 công nhân là F1, 3 phân xưởng liên quan đã ngừng hoạt động. Công ty hiện giảm một phần lao động và đang xây dựng phương án tổ chức công nhân ăn nghỉ tại chỗ để giữ mạch sản xuất.
Ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - cho biết nhiều DN ngành gỗ đã tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" từ nhiều ngày qua, còn với những DN cần phải vận chuyển công nhân nay có yêu cầu "1 cung đường 2 địa điểm" các DN sẽ phải sắp xếp lại quy trình vận hành của mình. Theo ông Phương, nhiều DN đã thực hiện mô hình này, song cũng có những DN mới áp dụng, còn bỡ ngỡ nhưng khi tổ chức lại quy củ sẽ vận hành tốt.
TP có thể hỗ trợ gì?
Ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ hiện vẫn còn những cái khó như với những DN quy mô hàng ngàn nhân công thì việc cắm lều trại hay đưa đón công nhân trong thời gian ngắn sẽ chưa trơn tru. Vì thế, TP có thể đồng hành với DN bằng cách hỗ trợ thêm các giải pháp, ví dụ trong vận tải - hiện nhiều xe buýt của TP không chạy có thể hỗ trợ DN để đưa đón công nhân. Các địa phương cần tạo thuận lợi hơn trong giao thông để vận chuyển vật tư, không đứt gãy chuỗi liên kết để tránh tình trạng tập trung ăn ở nhà máy nhưng không có vật tư sản xuất, trong khi đơn hàng xuất khẩu lại dồi dào.
NGỌC HIỂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận