Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn vừa có kết luận tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án đường vành đai 3 TP.HCM và dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1.
Nghiên cứu giải pháp bù lại tiến độ đã chậm
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, vành đai 3 TP.HCM dài 76,34km đã được khởi công vào tháng 6-2023. Toàn tuyến có 4 dự án thành phần xây lắp, đến nay mới hoàn thành khoảng 11% giá trị hợp đồng.
Trong đó dự án thành phần 1 qua địa bàn TP.HCM và dự án thành phần 7 qua tỉnh Long An cơ bản hoàn thành phần cao tốc trước 31-12-2025. Còn với dự án thành phần 3 qua Đồng Nai và dự án thành phần 5 qua tỉnh Bình Dương đang chậm.
Vì vậy các chủ đầu tư cần khẩn trương nghiên cứu giải pháp bù lại tiến độ, nhằm bảo đảm hoàn thành dự án theo đúng nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt là dự án thành phần 3 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai cần khẩn trương lựa chọn nhà thầu của gói thầu còn lại để triển khai thi công.
Về nguồn vật liệu, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các chủ đầu tư tập trung làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để đẩy nhanh thủ tục khai thác cát từ các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre theo chỉ đạo của Chính phủ...
Các đơn vị cần có kế hoạch thi công cụ thể từng hạng mục, sớm triển khai xử lý đất yếu cần thời gian gia tải, đẩy mạnh thi công các hạng mục kết cấu trong thời gian nguồn cung cấp cát còn hạn chế.
1.700 tỉ đồng nâng cấp nút phức tạp nhất vành đai 3 TP.HCM
Liên quan đến việc hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đánh giá đây là vị trí quan trọng, lưu lượng xe lớn, tổ chức giao thông phức tạp. Tháng 6-2024, nghị quyết số 140 của Quốc hội cũng đã có ý kiến về việc nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh nút giao này.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Bình Dương phối hợp với TP.HCM rà soát phần vốn dư của dự án để tính toán phương án, thẩm quyền đầu tư hoàn chỉnh nút giao.
Nút giao Tân Vạn kết nối các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 1... Đây là gói thầu thuộc dự án thành phần 5 dự án vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương và đã được khởi công vào tháng 4-2024.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, nút giao Tân Vạn là nút giao cửa ngõ của ba địa phương: Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai. Khu vực này có lượng xe rất lớn nên thường xuyên ùn tắc. Bên dưới nút giao có hệ thống hạ tầng kỹ thuật dày đặc, tương lai đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng chạy qua.
Vì vậy trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, các đơn vị liên quan đã xác định nút giao này cần được xây dựng với quy mô ba tầng cùng 5 nhánh cầu rẽ đi các hướng. Nhưng vì bị khống chế về kinh phí đầu tư nên ở giai đoạn 1, nút giao này triển khai đầu tư trước hai nhánh cầu và tuyến chính cao tốc băng qua với quy mô 4 làn xe.
"Việc đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn lên 8 làn cao tốc cùng các nhánh rẽ, dải dừng khẩn cấp là rất cấp bách và cần thiết. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.700 tỉ đồng bao gồm cầu chính, đường song hành và ba nhánh còn lại của nút giao...", UBND tỉnh Bình Dương đề xuất trong công văn gửi Bộ Giao thông vận tải trước đó.
Hoàn thành cầu Nhơn Trạch trước 30-4-2025
Đối với dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận bám sát mục tiêu tiến độ để đảm bảo hoàn thành gói thầu CW1 (cầu Nhơn Trạch) trước 30-4-2025.
Đồng thời huy động máy móc thiết bị, nhân lực để tổ chức thi công, phấn đấu rút ngắn thời gian hoàn thành gói thầu CW2 (đường dẫn hai đầu cầu) để sớm đưa vào khai thác...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận