23/06/2014 08:05 GMT+7

Phải phòng ngừa từ xa

LAN ANH
LAN ANH

TT - Từ nửa tháng nay, chị Loan, chủ cửa hàng tiện ích ở khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, bán sữa chạy hơn hẳn so với bình thường.

Theo chị Loan, sau khi có tin Nhà nước áp trần giá sữa, tại cửa hàng chị hiện đã có bảy nhãn sữa của ba nhãn hiệu Vinamilk, Abbott và Enfa được công ty “hỗ trợ giá” từ 25.000-50.000 đồng/hộp sữa, khách hàng là các bà mẹ có con nhỏ trong khu đô thị biết tin đã đến mua sữa nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm.

“Chúng tôi đã sắp hết sữa trong cửa hàng và đang đợi công ty cung cấp hàng mới. Khách đến mua sữa rất nhiều và đều phấn chấn trước chuyện giá sữa giảm vì trước đây giá sữa chỉ tăng chứ không bao giờ giảm” - chị Loan hồ hởi cho biết.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Giang, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết có thể có hai hình thức đối phó với chuyện áp trần giá sữa. Đó là hạ bớt trọng lượng sữa trong lon và thay đổi tên sản phẩm, dù thành phần sản phẩm không thay đổi. Ngay trước khi giá sữa bị áp trần, thị trường chứng kiến một hãng sữa tên tuổi thay đổi hình thức một sản phẩm sữa bột đang bán chạy sang tên mới, mặc dù thành phần sản phẩm không thay đổi. Sản phẩm mới đồng nghĩa với mức giá mới, nên ông Giang cho biết Cục An toàn thực phẩm phải thành lập hẳn một tổ thẩm định nhằm xem xét rất chặt các sản phẩm sữa có dấu hiệu thay đổi “bình mới rượu cũ” nhằm qua mặt quy định áp trần giá sữa của cơ quan chức năng. “Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Y tế để hai bên phối hợp trong việc kiểm soát giá sữa. Chúng tôi dự định ngày 25 hằng tháng sẽ có danh mục sữa cho trẻ dưới 6 tuổi mới công bố hợp chuẩn hợp quy gửi Bộ Tài chính” - ông Giang cho biết.

Từ tình hình thị trường cho thấy nếu cơ quan chức năng tích cực thì giá sữa sẽ được kiểm soát. Việc mỗi lon sữa giảm giá được 25.000-50.000 đồng và giữ ổn định rõ ràng sẽ mang lại lợi ích rất đáng kể cho những gia đình đang nuôi trẻ nhỏ. Giá sữa ổn định cũng giúp trẻ em VN được uống sữa nhiều hơn và từ đó có cơ hội phát triển chiều cao, sức bền hơn.

Tất nhiên, các nhà kinh doanh không bao giờ chịu đứng yên. Việc họ liên tục tăng giá sữa bất chấp quyền lợi của người tiêu dùng và bất chấp cơ quan chức năng đưa sữa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước quản lý giá nhiều năm qua minh chứng cho điều đó. Nhiều mặt hàng sữa đã và sẽ thay tên đổi họ, thay đổi hình thức để có thể nâng mặt bằng giá trần (có thể thấp hơn mong đợi của nhà kinh doanh ở các sản phẩm cũ) là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì thế đòi hỏi cơ quan chức năng phải năng động, phối hợp rà soát, xác minh về sản phẩm và thành phần sản phẩm, có mức giá trần phù hợp để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Cách đây chín tháng, Bộ Y tế và Bộ Tài chính suýt xảy ra trận tranh cãi kịch liệt xung quanh chuyện các hãng sữa né quản lý giá sữa bằng cách đồng loạt đổi tên sản phẩm là “thực phẩm chức năng bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ”. Trận tranh cãi cuối cùng đã được giải quyết dù không phân định được thắng thua, nhưng giúp trả lại tên cho sữa và giúp việc quản lý giá sữa đi vào được đường hướng như hôm nay.

Kết quả giá sữa giảm gần đây cho thấy việc quản lý giá sữa là hoàn toàn có thể thực hiện được (trong khi trước đây cơ quan chức năng coi là việc không tưởng, hiệu quả thấp), nhưng muốn quy định này có hiệu quả thật sự và lâu bền cần phải có biện pháp phòng ngừa từ xa, đảm bảo tất cả sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi phải được áp giá trần phù hợp. Để trẻ được uống đủ sữa để cao hơn và mạnh khỏe hơn như các bạn bè trong khu vực và trên thế giới, bây giờ bên cạnh nỗ lực của cha mẹ các cháu còn là quyết tâm của liên bộ Tài chính - Y tế.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên