22/10/2015 09:59 GMT+7

Phải “offline” mới xong

XUÂN TOÀN (xuantoan@tuoitre.com.vn)
XUÂN TOÀN (xuantoan@tuoitre.com.vn)

TT - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư sẽ tạo điều kiện thông thoáng nhất, cởi trói, giảm chi phí tiếp cận thị trường một cách thấp nhất cho doanh nghiệp. Thế nhưng, thực tế ra sao?

Thành viên của Công ty Thái Dương và “đoạn trường” điều chỉnh giấy phép kinh doanh - Ảnh: Đ.Dân
Thành viên của Công ty Thái Dương và “đoạn trường” điều chỉnh giấy phép kinh doanh - Ảnh: Đ.Dân

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ vào đầu năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã dùng bốn chữ “khát vọng đổi mới” khi đề cập đến Luật doanh nghiệp sửa đổi và Luật đầu tư, nhằm khẳng định một điều: sẽ tạo điều kiện thông thoáng nhất, cởi trói, giảm chi phí tiếp cận thị trường một cách thấp nhất cho doanh nghiệp.

Chủ trương của người đứng đầu ngành này và thủ tục cũng được “cởi trói” như vậy, thế nhưng câu chuyện làm thủ tục xin thay đổi người đại diện pháp luật của Công ty Thái Dương phải kéo dài ba tháng, với 11 lần bổ sung, đi lại (Tuổi Trẻ 21-10) đã khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Điều chua xót hơn là nó lại xảy ra ở Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, một nơi luôn tự hào áp dụng công nghệ thông tin trong việc phục vụ doanh nghiệp. Đặc biệt là thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng được áp dụng từ nhiều năm trước.

Nhìn lại “đoạn trường” làm thủ tục của Công ty Thái Dương sẽ thấy rất nhiều yêu cầu phi lý buộc doanh nghiệp phải thực hiện mà có lẽ chỉ có sự vô cảm của cán bộ làm thủ tục mới có thể “nghĩ” ra được.

Xu hướng chung của thế giới và trong nước đối với việc cải cách thủ tục hành chính là hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ làm thủ tục với doanh nghiệp, người dân, thông qua việc tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin.

Từ đó mới có các chương trình đăng ký kinh doanh qua mạng, đăng ký nộp thuế qua mạng, thủ tục hải quan điện tử... Có thế mới minh bạch, mới đúng là cải cách thủ tục hành chính, là chống tiêu cực, dẹp nhũng nhiễu.

Tuy nhiên, từ câu chuyện của Công ty Thái Dương cho thấy tư duy “xin - cho”, “ban - phát” vẫn còn rơi rớt trong khá nhiều cán bộ thực thi công quyền hiện nay. Sao có thể thuyết phục được người dân và doanh nghiệp khi mà thủ tục từ “online” vẫn phải chuyển sang “offline”, phải gặp trực tiếp mới giải quyết được?

Khoan nói động cơ phía sau của một vài cá nhân trong sở này khi để kéo thời gian “đẻ” thêm thủ tục cho doanh nghiệp, song có thể thấy dù luật có thông thoáng hơn nữa, công nghệ thông tin có áp dụng hiện đại bao nhiêu nhưng tư duy của cán bộ cấp dưới, cấp cơ sở không thay đổi thì tất cả đều trở nên vô nghĩa.

Với doanh nghiệp, thời gian chính là cơ hội vàng, để họ mất hơn 100 ngày cho loại thủ tục đơn giản như trên ai sẽ chịu trách nhiệm? Ai đền bù cho họ nếu những tổn thất này được tính toán một cách chi tiết cụ thể hơn? Đó là chưa kể những tổn thất về mặt tinh thần.

Dù sau cùng Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cũng có văn bản xin lỗi gửi (qua email) cho doanh nghiệp, sau gần một tháng có công văn “nhắc” của Sở Tư pháp, nhưng chắc chắn qua vụ việc trên, niềm tin của doanh nghiệp này với cơ quan quản lý sẽ bị xói mòn đáng kể.

Đây chính là điều đáng tiếc nhất trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính và kêu gọi mọi cán bộ công chức chuyển đổi từ tư duy “xin - cho” sang tư duy “phục vụ”.

Câu chuyện này có thể nhỏ đối với một vài người nhưng nếu không sớm thay đổi nó sẽ trở thành vấn đề lớn kéo theo sự trì trệ của cả chuỗi quy trình thủ tục hành chính. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, mà rộng ra hơn là năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng.

XUÂN TOÀN (xuantoan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên