Nhưng nhiều người đã bất bình khi câu hỏi “Kiểm nghiệm nước mắm: có bị nhà tài trợ tác động?” chưa được VINASTAS trả lời thỏa đáng.
Sự bất bình xuất hiện trong cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất nước mắm truyền thống, khi nhiều chuyên gia chỉ ra rằng VINASTAS vô tình hay cố ý “đánh lận con đen” trong công bố thông tin về hàm lượng asen “tổng”, bao gồm cả asen hữu cơ và asen vô cơ, thay vì công bố hàm lượng của từng loại này.
Thực tế asen hữu cơ được khoa học chứng minh gần như không gây tác hại với con người vì nó có trong nước biển, cá biển... và bao đời nay mọi người vẫn hấp thụ asen hữu cơ khi ăn cá, nước mắm... mà đâu gặp vấn đề gì.
Dù VINASTAS thanh minh rằng các loại nước mắm được kiểm nghiệm “không đạt nhưng vẫn an toàn”, thông tin về chất asen vẫn gieo sự lo lắng và nghi ngờ nơi người tiêu dùng với các sản phẩm nước mắm truyền thống.
Việc giải thích của VINASTAS cũng bộc lộ nhiều mâu thuẫn. Bởi nếu sản phẩm có hàm lượng asen vượt chỉ tiêu nhưng vẫn an toàn thì tại sao VINASTAS lại công bố thông tin này và việc công bố nhằm mục đích gì? Người tiêu dùng vốn nhạy cảm với thực phẩm bẩn nên không cần biết asen hữu cơ hay vô cơ, chỉ nghe đến “thạch tín” là đã hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của mình và người thân, đồng thời có phản ứng gây bất lợi cho nhà sản xuất.
VINASTAS cũng khẳng định việc kiểm nghiệm “không nhằm mục đích hạ uy tín của sản phẩm nào”, nhưng dư luận không thể không nghi ngờ sự “vô tư” của thông tin được công bố. Chưa hết, danh sách các doanh nghiệp có sản phẩm nước mắm chứa hàm lượng asen vượt chỉ tiêu không rõ thật hay giả, vô tình hay cố ý bị “rò rỉ”, trong khi VINASTAS khẳng định giữ bí mật danh sách này.
Đặc biệt, cuộc khảo sát được tài trợ bởi một tổ chức được giấu tên, nhưng liệu tổ chức này có rót tiền để VINASTAS thực hiện theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp nước mắm nào đó?
Trước những nghi vấn của dư luận, chỉ VINASTAS và những người trong cuộc mới có thể trả lời được và phải sớm trả lời. Bởi thông tin nhạy cảm đối với sức khỏe người tiêu dùng lại được công bố thiếu thận trọng như vậy có thể giết chết ngành nước mắm truyền thống.
Không chỉ người tiêu dùng trong nước, như bà Hồ Kim Liên - chủ tịch Hiệp hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc - nhận định “thông tin không chuẩn xác về asen như phân tích của VINASTAS có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu nước mắm của VN”, bởi nhiều sản phẩm nước mắm truyền thống VN đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc...
Người tiêu dùng không chấp nhận sản phẩm bẩn, có hại cho sức khỏe, nhưng cũng cần sự minh bạch, công tâm trong khảo sát, kiểm tra và công bố thông tin về chất lượng sản phẩm. Việc cần làm ngay lúc này là Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT sớm lập hội đồng đánh giá lại cơ sở khoa học và pháp lý kết quả khảo sát của VINASTAS, như đề nghị của Hiệp hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, để trả lời dư luận cũng như người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận