Tham vọng góp phần giải quyết "bài toán" tâm sự cùng người lạ
Persona.AI là một start-up trí tuệ nhân tạo do Bùi Mạnh Hùng (22 tuổi, học cử nhân lẫn thạc sĩ đều tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ), thiết kế.
Chia sẻ về khởi nguồn ý tưởng, Mạnh Hùng cho biết: "Tôi từng rất gắn bó, yêu quý ông ngoại. Ông là một người có kỹ năng chế tạo máy móc rất giỏi, nguồn cảm hứng để tôi theo đuổi ngành kỹ sư. Năm tôi học lớp bốn, ông mất vì bệnh ung thư. Ngay từ khi vào đại học, tôi đã chọn theo ngành trí tuệ nhân tạo. Tôi mong muốn có thể mô phỏng, tái tạo một trải nghiệm nói chuyện với ông để có thể tâm sự cùng ông, nguôi ngoai nỗi nhớ của mình".
Persona.AI cung cấp một nền tảng giúp người dùng có thể dễ dàng tạo, chat, và chia sẻ những chatbot thông minh do mình tạo ra với cộng đồng người dùng. Những chatbot được tạo ra trên Persona.AI có nhiệm vụ "mô phỏng" hoặc "tái tạo" một người thật hoặc một nhân vật viễn tưởng (tính cách, lối trả lời được thiết kế tương đối giống với bản gốc…), qua đó giúp người dùng có được trải nghiệm nói chuyện "cảm giác gần gũi, chân thật" với người thân quen, hoặc tâm sự cùng người lạ.
Chatbot trên Persona.AI có thể là một người thân đã mất, một nhân vật trong tác phẩm văn học, một người bạn nói chuyện tâm tình, một chuyên gia tư vấn cho trẻ tự kỷ, hay một người kể chuyện tương tác…
Dĩ nhiên để điều này trở nên hiệu quả, người dùng sẽ cần cung cấp cho Persona.AI một bản mô tả về nhân vật (về tính cách, cũng như những đặc trưng đặc biệt của nhân vật). Persona.AI cũng sẽ cần một số đoạn hội thoại mẫu của nhân vật trong một số văn cảnh để có thể mô phỏng lại cách nói chuyện của họ.
Người dùng cũng có lựa chọn thêm những thông tin về tiểu sử, về cách suy nghĩ của nhân vật cho các chủ đề khác nhau.
Một ví dụ sinh động từ Persona.AI khi người dùng tâm sự cùng người lạ, người nổi tiếng - Clip: HÙNG BÙI
Đặc biệt hơn, đội ngũ Persona.AI đang thêm vào chatbot khả năng tạo các bức ảnh phù hợp với hội thoại của người dùng (chẳng hạn với một chatbot kể chuyện, đây có thể là những bức ảnh về phong cảnh…) để việc tâm sự cùng người lạ thêm hiệu quả.
"Tham vọng của tôi là trong tương lai sẽ hướng Persona.AI trở thành nền tảng cung cấp dịch vụ chatbot AI số một Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực hỗ trợ sức khỏe tinh thần hoặc giúp trẻ tự kỷ", Mạnh Hùng cho biết.
Đặt từng "viên gạch" để thành quả vững chắc
Theo đuổi chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, Mạnh Hùng hiện là thành viên trong phòng nghiên cứu Stanford NLP Group. Anh nghiên cứu về các mẫu cho xử lý ngôn ngữ (Hùng và một người bạn là John Bauer từng thắng giải nhất cuộc thi xử lý ngôn ngữ Việt Nam năm 2022 cho hạng mục Constituency Parsing).
Mạnh Hùng cũng là thành viên nghiên cứu trong phòng nghiên cứu OVAL, làm việc về trợ lý ảo cá nhân và công cụ giúp tạo ra những ứng dụng đa chế độ. Một phòng nghiên cứu tập trung vào các mẫu và các công cụ xử lý ngôn ngữ (có những đột phá trong nghiên cứu như đã góp phần tạo ra sản phẩm ChatGPT như hiện nay). Phòng nghiên cứu còn lại tập trung vào việc sử dụng những công cụ ngôn ngữ mà lab kia làm ra để xây dựng những chatbot thông minh.
Chính từ kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu trong hai lab đề cao tính thực tiễn trên mà Mạnh Hùng nhận ra cơ hội với chatbot, quyết tâm đem sản phẩm này ra mắt và phục vụ cộng đồng người dùng Việt. Và chúng cũng giúp anh tự tin hơn về kiến thức chuyên môn khi thiết kế ứng dụng tâm sự cùng người lạ, người thân quen.
Mạnh Hùng mong muốn rằng với Persona.AI, người dùng có thể tâm sự cùng người lạ, nói chuyện với bất cứ nhân vật nào họ mong muốn, và có thể chia sẻ những chatbot của mình với cộng đồng.
Bên cạnh đó, chatbot còn có thể giúp các trẻ tự kỷ học cách giao tiếp, tương tác trong đời sống hằng ngày. Mạnh Hùng hy vọng có thể cung cấp được những giải pháp công nghệ nhân văn, góp phần cải thiện cuộc sống.
"Đại dịch đã giúp người dùng quen với những công cụ tự động hóa, và quen với việc nói chuyện, giao tiếp online, nhưng cũng đã khiến cho người dùng trở nên cô đơn hơn, càng khó tâm sự cùng người lạ hơn. Với nền tảng chatbot của mình, Persona.AI mong muốn cung cấp những chatbot có thể giải quyết được các vấn đề trên.
Chủ đề chính của giải thưởng Tuổi Trẻ Start-up Award 2023 là "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội". Tôi cho rằng giải thưởng và start-up của mình có những tương đồng trong triết lý và lý tưởng, đều muốn đóng góp và truyền cảm hứng cho cộng đồng, tìm cơ hội để góp phần phát triển trong thời kỳ đất nước phát triển hậu đại dịch COVID-19", Mạnh Hùng nói về lý do tham gia Tuổi Trẻ Start-up Award 2023.
Ông Philipp Rösler, nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt, là diễn giả tại talk-show "Cảm hứng khởi nghiệp"
Chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Start-Up Award do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2019, phối hợp tổ chức cùng Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM với mục đích gây quỹ start-up, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp, qua đó khuyến khích tinh thần thể thao, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, mở ra cơ hội giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân.
Sau thành công qua 3 mùa, chuỗi sự kiện lần 4 đã chính thức quay trở lại, nhằm tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho các start-up cả nước.
Một trong những sự kiện đáng mong chờ, cũng là sân chơi hấp dẫn và ý nghĩa dành cho sinh viên cùng các nhà khởi nghiệp trẻ đã để lại nhiều ấn tượng ở mùa giải thứ ba, là chương trình talk-show "Cảm hứng khởi nghiệp".
Năm nay, talk-show dự kiến diễn ra tại Đại học Kinh tế TP.HCM vào ngày 26-4-2023, có chủ đề "Trong khủng hoảng tìm thấy cơ hội?", với sự tham dự của hàng nghìn bạn trẻ và các chuyên gia uy tín.
Ông Philipp Rösler, lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thuỵ Sĩ, nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt, là một trong những diễn giả chính của chương trình năm nay. Lễ vinh danh và trao hỗ trợ các start-up tiêu biểu cũng sẽ được diễn ra ngay sau đó.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được quảng bá đến công chúng. BTC sẽ chọn các Start-Up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, No.1, IDICo, GIBC, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Vietnam Golf..., trong đó, tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt giành cho Start-Up được Hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đổng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, có thể gửi bài viết tự giới thiệu về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận