20/03/2023 07:56 GMT+7

Ông Tập Cận Bình mang kỳ vọng gì đến Nga?

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ chủ tịch nước lần thứ ba liên tiếp đang bị phủ bóng bởi diễn biến bất ngờ liên quan người mà ông sắp gặp tại Điện Kremlin: Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện trước cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan vào giữa tháng 9-2022 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện trước cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan vào giữa tháng 9-2022 - Ảnh: REUTERS

Hôm 17-3, vài giờ sau khi Nga và Trung Quốc xác nhận Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Nga từ ngày 20 đến 22-3, Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Putin vì những vấn đề gây tranh cãi trong xung đột Ukraine.

Tình huống mới khiến chuyến công du của ông Tập, vốn đã nhận được sự chú ý lớn, giờ lại càng thành tâm điểm của tâm điểm.

Quan hệ quốc tế kiểu mới

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết ông Putin và ông Tập sẽ gặp mặt trực tiếp vào ngày 20-3, sau đó là bữa trưa thân mật. Các cuộc thảo luận quan trọng giữa Trung Quốc và Nga sẽ được tổ chức vào ngày 21-3.

Trên mặt công khai, Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Putin và ông Tập sẽ thảo luận các cách để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ ký kết các văn kiện song phương "quan trọng".

Matxcơva đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm lần này, dù có hay không có lệnh bắt của ICC, bởi nó cho thấy nước Nga vẫn có bạn và không hề bị cô lập trên trường quốc tế vì xung đột ở Ukraine. Thời báo Hoàn Cầu thì giải thích kể cả không có xung đột thì ông Tập vẫn sẽ đến thăm Nga vì đó là thông lệ và vì tình cảm tốt đẹp giữa hai nước, hai nhà lãnh đạo.

Theo giới quan sát, sau khi củng cố quyền lực trong nước, giờ là lúc nhà lãnh đạo Trung Quốc thúc đẩy một kiểu quan hệ quốc tế mới. Chuyến thăm Nga sẽ được sử dụng để làm minh chứng trong việc Trung Quốc triển khai ý tưởng mới, là cơ sở để Bắc Kinh lập luận về sự hợp tác có trách nhiệm và sự chân thành, thủy chung trong quan hệ quốc tế.

Tầm nhìn của ông Tập được gói gọn trong "Sáng kiến văn minh toàn cầu" vừa mới được công bố trong một hội nghị cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng thế giới vào hôm 15-3.

Trong đó bao gồm các nguyên tắc như "an ninh không thể chia cắt", được Trung Quốc giải thích rằng an ninh của một quốc gia không thể đánh đổi bằng an ninh của một quốc gia khác. Những nguyên tắc khác là các quốc gia không cần chọn phe, Trung Quốc thúc đẩy đa cực và dân chủ trong quan hệ quốc tế.

Tất cả những quyết định và thông tin từ Bắc Kinh không nên được hiểu là chỉ nhắm tới châu Âu, Nga hay phương Tây mà là toàn bộ các quốc gia ở phía Nam bán cầu.
Bà Alicja Bachulska (nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng đối ngoại châu Âu)

Xây dựng hình ảnh mới

Vấn đề xung đột Ukraine được xác nhận là một trong các chủ đề thảo luận chính của hai nhà lãnh đạo. Do có quan hệ gần gũi với Nga, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các giải pháp đàm phán và hòa giải giữa Matxcơva với Kiev.

Song theo giới phân tích, rất khó để đạt được một kết quả cụ thể lần này. Thứ nhất là bởi Trung Quốc chỉ mới nêu ra các lập trường chung chung về xung đột, và trong số đó có những điểm bị nói có lợi cho Nga. Thứ hai là sự thiếu cân bằng giữa các tương tác của Bắc Kinh - Matxcơva và Bắc Kinh - Kiev.

Một số nguồn thạo tin tại Bắc Kinh tiết lộ ông Tập có thể sẽ hội đàm trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau khi về nước. Trong vài tuần gần đây, Trung Quốc cũng đã thúc đẩy một số cuộc gặp cấp bộ trưởng với Ukraine. Mục đích nhằm cho thấy Bắc Kinh có quan hệ cân bằng với hai bên do đó có thể trở thành trung gian hòa giải.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine sẽ phức tạp hơn nhiều bởi vì Trung Quốc không thực sự "vô tư" như khi hóa giải thành công hiềm khích ở Trung Đông cho Iran và Saudi Arabia như vừa qua.

Phó giáo sư Chong Ja Ian thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định chính sách ngoại giao gần đây của Trung Quốc xung quanh cuộc chiến ở Ukraine chỉ là một phần nhằm làm nổi bật "Sáng kiến văn minh toàn cầu".

Mục tiêu bao trùm của Bắc Kinh không phải là đem lại hòa bình cho Ukraine hay Trung Đông mà là "tạo động lực cho chính sách đối ngoại và tái can dự với thế giới" của Trung Quốc, giống như một lời hiệu triệu các quốc gia khác đang cảm thấy bị gạt ra ngoài hệ thống quan hệ quốc tế do phương Tây chi phối.

"Điều mà Trung Quốc đang cố gắng phát đi là thế giới không phụ thuộc vào Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ. Trung Quốc đang cố gắng trở thành một nhân tố toàn cầu và chứng minh rằng họ cũng có thể cung cấp các lợi ích đại chúng", phó giáo sư Chong Ja Ian nhận xét trên tờ Washington Post.

Tin tức thế giới 20-3: Đức tuyên bố sẽ bắt ông Putin; Ông Tập đến Nga, phương Tây theo sátTin tức thế giới 20-3: Đức tuyên bố sẽ bắt ông Putin; Ông Tập đến Nga, phương Tây theo sát

Triều Tiên sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân tấn công Mỹ, Hàn Quốc?; Ông Putin viết bài cảm ơn Trung Quốc; 9 người Trung Quốc bị sát hại tại Cộng hòa Trung Phi... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 20-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên