"Đây không phải là chuyện có cho phép Ukraine tấn công Nga bằng những vũ khí (tầm xa) hay không. Đây là việc các quốc gia NATO có quyết định liệu trực tiếp tham gia vào một cuộc xung đột quân sự hay không", Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu cảnh báo ngày 12-9.
Ông Putin sẽ tấn công các căn cứ NATO?
Hãng tin Reuters bình luận đây là phát ngôn cứng rắn nhất của ông Putin đối với phương Tây, trước thông tin các nước này có thể bật đèn xanh cho Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa do NATO sản xuất.
"Nếu quyết định này được đưa ra, nó đồng nghĩa với sự tham gia trực tiếp của các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu vào cuộc chiến ở Ukraine. Đây sẽ là sự tham gia trực tiếp của họ, và tất nhiên điều này sẽ thay đổi đáng kể bản chất cuộc xung đột", ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh.
Trước tình huống đó, Nga - theo ông Putin - sẽ buộc phải đưa ra "những biện pháp phù hợp" với các mối đe dọa mới.
Tổng thống Putin không nêu rõ những biện pháp đó có thể là gì, nhưng trước đây ông đã nói về phương án trang bị vũ khí cho những kẻ thù của phương Tây để tổn hại lợi ích của các nước này ở nước ngoài.
Vào tháng 6, ông Putin cũng đã nói về việc triển khai tên lửa thông thường có tầm bắn vươn tới Mỹ và các đồng minh châu Âu của Washington.
Còn cựu cố vấn của Tổng thống Putin, ông Sergei Markov, tin rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ chuẩn bị tấn công các sân bay ở các nước NATO nếu Ukraine sử dụng tên lửa "Storm Shadow".
"Nga sẽ tấn công các sân bay nơi đặt máy bay F-16", ông nói, chỉ vào các máy bay chiến đấu được sử dụng để phóng loại tên lửa này. "Không phải ở Ukraine, mà là ở các sân bay ở Romania và Ba Lan", ông này nhấn mạnh.
Các tín hiệu từ phương Tây
Đáp lại phát biểu của ông Putin, Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố Ukraine có quyền tự vệ và London ủng hộ quyền đó của Kiev. Trên chuyến bay đến Mỹ ngày 12-9, ông nhấn mạnh Nga đã khơi mào xung đột và do đó, "Nga có thể kết thúc cuộc xung đột này ngay lập tức".
Các quan chức châu Âu cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như sắp mở đường cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, miễn là nước này không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp.
Vấn đề này, vốn đã được tranh luận từ lâu trong chính quyền Biden, đang nổi lên và thu hút nhiều chú ý khi Thủ tướng Anh Starmer có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nhà Trắng ngày 13-9.
Anh đã ra hiệu với Mỹ rằng nước này muốn Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa "Storm Shadow" do họ sản xuất để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga cách xa biên giới Ukraine.
Tuy nhiên theo báo New York Times, London muốn có sự cho phép rõ ràng từ Tổng thống Biden để chứng minh quyết định trên là một sự phối hợp chiến lược với Mỹ và Pháp, nơi cũng sản xuất một tên lửa tương tự "Storm Shadow".
Các quan chức Mỹ cho biết ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định, nhưng sẽ nghe trình bày của ông Starmer trong cuộc gặp ngày 13-9.
Ông Biden đã do dự, không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo Nhà Trắng rằng Nga có thể sẽ hỗ trợ Iran nhắm mục tiêu vào các lực lượng Mỹ ở Trung Đông, nếu Washington bật đèn xanh cho Kiev.
Hôm 12-9, các quan chức Nhà Trắng khẳng định sẽ không có quyết định sắp được đưa ra về cách Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất. Nhưng bản thân ông Biden đã ra hiệu rằng sẽ nới lỏng các hạn chế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận