10/07/2011 09:36 GMT+7

Ông Linh giữ rừng

ĐOÀN TỪ DUY - ĐÌNH ĐỐI
ĐOÀN TỪ DUY - ĐÌNH ĐỐI

TT - Nhiều người gọi vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) là “rừng của ông Linh”. Còn ông họ gọi là “ông Linh giữ rừng”. Hai cách gọi đó khắc họa lên hình ảnh của một ông giám đốc sống chết với rừng, giúp Chư Yang Sin có một hệ sinh thái và đa dạng sinh học được xếp vào loại phong phú bậc nhất Tây nguyên.

f7Y3gnJd.jpgPhóng to
Giám đốc Lương Vĩnh Linh bên một cây cổ thụ giữa vườn quốc gia Chư Yang SinẢnh: Đ.T.D.

Giám đốc vườn quốc gia Chư Yang Sin Lương Vĩnh Linh luôn bảo rằng: “Tôi là người “giàu có” nhất, nhưng cũng là người cơ khổ nhất”. Vâng, ông “giàu” vì quản lý một tài sản vô giá của quốc gia, nhưng khổ nhất là vì luôn canh cánh nỗi lo mất rừng.

Chiến đấu với thủy điện

Câu chuyện về nghiệp giữ rừng, bảo vệ động, thực vật rừng ở Đắk Lắk gắn liền với cái tên Lương Vĩnh Linh khá nhiều. Ông giám đốc giàu tâm huyết đến mức đồng nghiệp và nhiều người ngồi ở “ghế trên” cho là kẻ gàn, thậm chí bị điên. “Điên” nhất là khi ông một mình chống... thủy điện - một cuộc chiến xưa nay ít ai thắng, nhưng may mắn thay, có một lần ông đã thắng.

Còn nhớ những năm 2004-2005, ông được mời lên tỉnh họp nhiều lần để bàn về vấn đề “đổi rừng để lấy thủy điện”. Lần nào ông cũng cực lực phản đối về việc phải “gọt trụi” 110ha rừng nguyên sinh trong lõi vườn Chư Yang Sin để làm một công trình thủy điện có công suất 12MW. Lý do ông đưa ra: xây dựng thủy điện mà hi sinh rừng thì không công bằng về mặt chia sẻ lợi ích từ tài nguyên thiên nhiên. Khi đó, một quan chức trong ngành điện lực “vỗ về”: “Anh đừng lo, chúng tôi phá đi một hecta sẽ trồng cho anh mười hecta...”.

Ông đùng đùng mắng luôn: “Một hecta các anh trồng chẳng nổi chứ đừng nói đến mười hecta! Anh có biết thế nào là rừng nguyên sinh không? Đó là cả một hệ sinh thái hoàn chỉnh, được hình thành cả trăm nghìn năm, là môi trường sống của muôn loài động, thực vật hoang dã quý hiếm không dễ gì có được!”. Nói rồi ông bỏ về với nỗi bực dọc xen lẫn nỗi buồn trong lòng.

Cuối cùng mọi sự vẫn không thay đổi. Ông tâm sự: khi công trình thủy điện Krông Kma được bấm nút khởi công vào cuối năm 2005 cũng là lúc trong lòng ông cùng anh em bảo vệ rừng Chư Yang Sin quặn thắt vì biết rằng số phận hơn 110ha rừng nguyên sinh ở đây đã được định đoạt.

Sau vụ thủy điện Krông Kma làm ông mất ăn mất ngủ, tỉnh Đắk Lắk lại chỉ đạo nhường rừng để làm thêm một công trình thủy điện nữa ở Đắk Tua (huyện Krông Bông). Thế là thêm một lần ông đương đầu phản đối cực lực dự án này. Rất may, vụ này ông Linh thắng. Dự án xây dựng thủy điện Đắk Tua được UBND tỉnh Đắk Lắk dừng lại vĩnh viễn.

Mất rừng là mất tất cả

Chúng tôi mượn lời nhiều người có tâm huyết với rừng, nhất là với rừng Tây nguyên, nói rằng rừng của ông được đánh giá là được bảo vệ tốt nhất Tây nguyên, như một câu mở chuyện. Nhưng ông khiêm tốn kể về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà chẳng nói gì về mình. Tóm tắt vấn đề chỉ có: khi thành lập vườn quốc gia, tất cả “bộ sậu” đều là người mới nên xây dựng được nề nếp cơ bản, địa hình Chư Yang Sin phức tạp nên lâm tặc cũng e dè và cuối cùng là anh em đồng lòng.

"Chẳng có cớ gì cây bị cưa cách đồn kiểm lâm 50m mà... không biết. Với những người không trách nhiệm như thế chẳng dùng lâu được"

LƯƠNG VĨNH LINH

Hiện nay vườn quốc gia Chư Yang Sin đang được quản lý, bảo vệ khá hiệu quả. Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây, ông quyết liệt và thẳng thắn với anh em cán bộ trong vườn: ai không yêu rừng thì đừng vào đây, ngại khó, lương thấp thì chuyển công tác.

“Tôi đang nằm ngủ trong nhà mà muốn đưa đơn xin nghỉ, tôi mở cửa sổ ký ngay cho” - ông nói. Nếu có dấu hiệu “bắt tay” với lâm tặc thì buộc phải thôi việc, bất cứ ai dù có quan hệ thân thiết với “ông này, bà nọ” cũng vậy. Mà có khi cũng chẳng cần dấu hiệu nào, cán bộ được phân công nhiệm vụ, chẳng có cớ gì “cây bị cưa cách đồn 50m mà... không biết” như ở một số nơi. “Người không trách nhiệm như thế cũng chẳng dùng lâu được” - ông nói thêm.

Nhờ thái độ dứt khoát đó của ông mà trong công việc, khu rừng cấm này hầu như chưa xảy ra tai tiếng nào. Hỏi vì sao, ông trả lời: đó là sứ mạng của mình, để mất rừng có nghĩa là để mất tất cả - lòng tin, trách nhiệm, lòng tự trọng và cả vinh dự nữa. “Có thể có cấp dưới bảo tôi khó, nhưng đó là công việc. Tôi nghĩ trong mười người, chỉ cần bảy người thương và ủng hộ, một người đứng ở ngã ba đường cũng là đủ rồi” - ông nói.

Nhưng với tình hình hiện tại, trong câu chuyện xung quanh vấn đề giữ rừng, ông luôn tha thiết một điều làm sao phải có chính sách, pháp luật bảo vệ cho người giữ rừng một cách thiết thực, hữu hiệu hơn. Những thông tin đâu đó phản ánh thực tế cán bộ giữ rừng, nhất là lực lượng kiểm lâm, bị lâm tặc tấn công, thậm chí án mạng xảy ra - theo ông - cũng vì chính sách, pháp luật của ta chưa nghiêm lắm. Muốn giữ được rừng trước tiên phải bảo vệ được người giữ rừng.

Nghiệp giữ rừng

Nhắc đến cái tên Lương Vĩnh Linh, phó giám đốc phụ trách lâm nghiệp (Sở NN&PTNT Đắk Lắk) Nguyễn Văn Xuân tuôn một tràng dài: Áp lực dồn lên vai người giữ vườn quốc gia là rất lớn. Đó là tình trạng di dân tự do đổ vào sinh sống trong vùng đệm, nạn săn bắn thú rừng có thời điểm hết sức sôi động, phức tạp với những “phường săn” chuyên nghiệp, có cả đàn chó vài chục con cùng hàng trăm khẩu súng kíp tự chế luôn rình rập và chực chờ xâm hại tài nguyên rừng.

Trước thực trạng đó, ông Linh tỏ ra rất khôn khéo - một mặt ông động viên anh em tăng cường công tác tuần tra, giữ vững an ninh rừng, mặt khác ông chạy lên sở xin chủ trương trích một phần ngân sách từ dự án “Lồng ghép quản lý nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học Chư Yang Sin” (do Quỹ Môi trường toàn cầu - GEF tài trợ) để hỗ trợ cho hơn 3.000 hộ dân sống gần rừng phát triển kinh tế vườn kết hợp với chăn nuôi. Theo đó, ông yêu cầu các hộ này ký cam kết bảo vệ rừng cho vườn, đồng thời vận động bà con dân tộc Mông giải tán các “phường săn”, giao nộp gần 100 khẩu súng kíp cho cơ quan chức năng tiêu hủy.

Cũng chính từ những hộ dân được ông “cảm hóa” này đã cùng lực lượng kiểm lâm của vườn đi tháo dỡ trên 30.000 dây bẫy thú các loại được họ bí mật cài đặt trong những cánh rừng Chư Yang Sin từ đời nào. Nhờ vậy, sức ép và mối lo xâm hại rừng ở đây dần được cởi bỏ. Anh em ở vườn còn nhớ như in ngày ông vào bìa rừng nói chuyện với một người đàn ông chuyên vào rừng chặt trộm le. Đó là lần nói chuyện “giữa hai người đàn ông”.

“Ông có đất mà không trồng tỉa, cứ vào rừng chặt le qua ngày kiểu này thì đời ông nghèo, chẳng có gì để lại cho con cái nên đời con ông cũng nghèo thôi”. Người đàn ông chặt le nghe thế rồi ôm mặt khóc, từ đó chuyển sang chăm chút vườn rẫy chứ không tính chuyện chặt le bữa đực bữa cái nữa.

Bây giờ đã bước sang tuổi 53, tình yêu rừng trong ông càng đầy lên, trách nhiệm theo đó càng lớn thêm. Ông Linh tâm tình: dù ở đâu, trên cương vị nào - từ lúc còn là sinh viên đại học lâm nghiệp, ra trường từ quê hương Thái Bình lên Tây nguyên làm cán bộ điều tra rừng, rồi làm giám đốc lâm trường, giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên và bây giờ là vườn quốc gia Chư Yang Sin. Rừng theo ông như cái nghiệp, khó dứt ra được với bao kỷ niệm vui buồn. Bây giờ cũng nhờ đám rẫy cà phê ấy mà nuôi ba người con ăn học.

Ông tâm sự: hai người con lớn đã tốt nghiệp đại học ra trường, nhưng chẳng ai theo “nghiệp” của bố cả. Con út năm nay vào cấp III, ông có ý hướng theo ngành lâm nghiệp nhưng con bảo không bao giờ, vì theo bố thì cứ biền biệt gia đình suốt năm suốt tháng. Nghĩ ra cũng đúng thế thật, nhà ở Buôn Ma Thuột mà đôi ba tháng mới về nhà thăm vợ con một lần... Nói rồi ông cười lạc quan như thể mọi chuyện đã được sắp đặt trước.

Nghĩ táo bạo

Ông Hồ Viết Sắc, nguyên giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn (nay đã nghỉ hưu), nhớ về sự táo bạo của người đồng nghiệp đàn em: hồi đó khoảng năm 1985-1986, khi ông Linh còn là cán bộ điều tra rừng (Sở Lâm nghiệp Đắk Lắk) đã đề đạt với giám đốc sở ý tưởng xây dựng một vườn thú tại Buôn Ma Thuột để vừa bảo tồn, vừa phục vụ nhu cầu tham quan cho du khách (giống như Thảo cầm viên ở TP.HCM).

Ý tưởng táo bạo, thú vị này khiến nhiều người bất ngờ, nhưng cũng không ít ý kiến bảo rằng điên rồ! Trong một buổi họp, giám đốc Sở Lâm nghiệp Nguyễn Thống bấy giờ hỏi: “Chú Linh, việc xây dựng sở thú đó có làm được không?”. Ông Linh trả lời: “Dứt khoát là được, nếu tỉnh có chủ trương, lộ trình thực hiện cụ thể”. Tiếc là sau đó không thấy ai nhắc đến “ý tưởng điên rồ” ấy nữa. Tiếc thật, nếu các vị lãnh đạo quyết tâm thì bây giờ sở thú ấy là điểm đến lý tưởng nhất rồi còn gì - ông Sắc tỏ ra tiếc nuối.

Nhắc lại chuyện này, ông Linh cười buồn: “Lúc đó tôi thấy mình hoàn toàn bình thường, không hề điên chút nào. Giá như hồi ấy ý tưởng của tôi được thực hiện, bây giờ con cháu mình khỏi phải thiệt thòi rồi. Không phải tốn công, tốn của về TP.HCM để xem sở thú, trong khi ở Tây nguyên này không thiếu...”.

ĐOÀN TỪ DUY - ĐÌNH ĐỐI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên