05/11/2016 09:32 GMT+7

Ô nhiễm môi trường không thể chịu thêm được nữa

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận ô nhiễm “đã đến ngưỡng không chịu thêm được nữa”.

 Và để khắc phục vấn đề này, theo Bộ trưởng là phải gắn bảo vệ môi trường với tái cơ cấu nền kinh tế

Rõ ràng, hóa giải nỗi lo ô nhiễm môi trường như loạt bài đăng trên Tuổi Trẻ từ ngày 2 đến 4-11 là vấn đề bức xúc, cần phải có giải pháp trước mắt và cả lâu dài.

Giải pháp trước mắt, đó là kéo giảm và chấm dứt các nguồn phát tán ô nhiễm đang ngày đêm đầu độc môi trường, về lâu dài là không để phát sinh những dự án, nhà máy... là nguồn gây ô nhiễm.

Cả hai giải pháp đều quan trọng như nhau, bổ trợ cho nhau, và chỉ có thế mới có thể nâng ngưỡng kiểm soát, trả lại môi trường sống trong lành cho cả cộng đồng.

Qua hàng loạt địa danh điển hình về ô nhiễm mà Tuổi Trẻ phản ánh, các cấp chính quyền đều đưa ra hướng xử lý nhưng triển khai cụ thể thì giậm chân tại chỗ vì chờ nhiều thứ, từ vốn, công nghệ..., trong khi người dân vẫn phải sống hằng ngày với khói bụi, nguồn nước ô nhiễm.

Sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, cơ quan quản lý có mạnh tay hơn, nhưng đó chỉ là những dự án lớn, có tên tuổi, còn nhiều nhà máy, công trình quy mô nhỏ vẫn ngày đêm chiếm đoạt môi trường sống trong lành của người dân lại chưa được chính quyền cơ sở xử lý rốt ráo.

Với nhiều người dân, sự cố môi trường không ở đâu xa, đó chính là tiếng ồn, mùi hôi... ở những nhà máy, cơ sở sản xuất gần nhà của họ, trong khu dân cư và mong muốn được quan tâm chấn chỉnh.

Do vậy, trước mắt với những nhà máy đang đầu độc môi trường, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra những ngưỡng cụ thể và hành động dứt khoát hơn để tạm dừng, thậm chí đóng cửa.

Quy định đó cần đơn giản và dễ áp dụng để các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương thấy rõ trách nhiệm, buộc phải thực hiện.

Người dân chia sẻ và ủng hộ các dự án sản xuất kinh doanh nhưng không chấp nhận “sự đã rồi”, cũng không thể phạt rồi cho tiếp tục hoạt động. Có mạnh tay mới nâng ngưỡng kiểm soát môi trường lên mức cao hơn, để không còn phải kêu “ô nhiễm môi trường đã đến ngưỡng chịu đựng”.

Song song đó, phải chặn mọi ngả đường của các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường trong tương lai. Thông điệp đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.

Nhiều địa phương cũng đã xác định chỉ chấp nhận các dự án xanh, sạch, công nghệ cao nhưng đó mới chỉ là chủ trương, quan điểm, thực hiện lại là câu chuyện rất khác. Có tỉnh thành đã từ chối dự án lọc dầu, vì lo ảnh hưởng đến môi trường.

Nhưng nhận thức đó chưa phải đồng đều. Hoàn toàn có khả năng tỉnh này từ chối dự án ô nhiễm, nhưng tỉnh khác lại nhận. Vì vậy, cần gắn trách nhiệm cá nhân lãnh đạo các cấp trong việc phê duyệt cũng như xử lý các dự án gây ô nhiễm môi trường.

Cùng đó, cần siết thêm các quy định thu hút đầu tư cũng như yêu cầu về công nghệ, loại bỏ những dự án chủ yếu tận dụng tài nguyên, tiêu chuẩn môi trường thấp...

“Môi trường đã đến ngưỡng không chịu đựng thêm được nữa” như Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói có nghĩa Việt Nam không thể lùi thêm được nữa.

Chỉ còn cách duy nhất là bước tới, là hành động không chỉ ngăn ô nhiễm vượt ngưỡng mà còn phải kéo giảm ô nhiễm xuống, tiến tới loại bỏ nó trong cuộc sống của cộng đồng.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên