19/11/2019 10:06 GMT+7

Ô nhiễm không khí và món nợ giải pháp

NGUYÊN HẢI
NGUYÊN HẢI

TTO - Nhiều ngày nay, bụi mịn trở lại với mật độ dày đặc hơn. Mức cảnh báo màu tím - cực nguy hiểm - đã xuất hiện ở Hà Nội, còn người dân ở TP.HCM cay mắt, khó chịu hơn khi ra đường. Và chúng ta vẫn nợ nhau quyết tâm thay đổi thực tế này.

Ô nhiễm không khí và món nợ giải pháp - Ảnh 1.

Bụi mù trời tái diễn nhiều ngày qua ở đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1, trung tâm TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo các chuyên gia quan trắc, bụi mịn sẽ trở đi trở lại như triều cường theo gió và nhiệt độ - tức cứ lạnh hơn thì bụi trở nên nặng hơn, bay là đà dưới thấp khiến mật độ dày gây nên nỗi sợ màu tím.

Nghiến răng chịu đựng

Mật độ san sát các nhà máy nằm trong vùng nội thành hay phạm vi gần khu dân cư là một trong những nguyên nhân góp phần tạo nên bụi mịn. Thử hỏi có bao nhiêu nhà máy lắp đặt hệ thống hút bụi tạo ra từ quy trình sản xuất và khói thì thải vào đâu ngoài bầu trời? Các công trình xây dựng mọc lên nhan nhản, từ nhà dân cho đến đô thị công cộng lẫn tư nhân. Việc che chắn, phun nước ở ta chỉ có lệ, không được quy thành chuẩn. Ô nhiễm khói bụi, vụn vữa khắp nơi và người dân phải gánh chịu trong lặng lẽ.

Rồi khói bụi đến từ phương tiện vận chuyển trên đường đều sinh ra bụi mịn. Điện than - các nhà máy sản xuất điện này đã và đang cung ứng một nguồn không thể gọi là nhỏ phế phẩm bụi xỉn độc hại mỗi ngày. Và vấn nạn đốt rác cũng như dùng than tổ ong trong nấu nướng, sinh hoạt theo thói quen từ bao đời nay góp thêm bụi độc vào không khí. 

Từ nhiều năm nay, những dự luật về đăng kiểm chất lượng ôtô, xe cơ giới đã được thảo luận nhiều nhưng việc thực thi chưa nghiêm khắc. Những xe đã quá hạn sử dụng, cũ kỹ gây ra lượng khí thải ô nhiễm (có thể nhìn thấy được bằng mắt thường) bao giờ dẹp được? Hạn chế cho đăng ký ôtô mới và cả xe máy không phải là giải pháp kém hữu hiệu cũng chưa biết khi nào có thể thực hiện? 

Nhiều tranh luận về điều này rồi vẫn đâu hoàn đó, trong khi lượng xe cá nhân chỉ tăng chứ không giảm ở mọi tỉnh thành.

Chủ động ứng phó

Thật buồn khi phải nhìn thẳng vào sự thật, khi chúng ta còn quá thờ ơ với mối nguy từ không khí. Có lo lắng cũng ít hôm rồi lại nhắm mắt làm ngơ. 

Ô nhiễm không khí và món nợ giải pháp - Ảnh 2.

Người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường nhằm chống ô nhiễm không khi - Ảnh: TTO

Bao người đang tự "ru" mình bằng sự chủ quan, không tự phòng bị khi còn có thể. Bệnh tật không tự nhiên đến, cũng chẳng đùng một ngày khiến bạn vào viện, mà là sự tích lũy từng ngày, mỗi giờ. Vậy nên, đừng đặt mình vào tình trạng hiểm nguy với lựa chọn mang tính đối phó nữa.

Hãy cẩn trọng trong việc lựa chọn khẩu trang chuyên dụng cho gia đình mình, trẻ càng nhỏ càng phải được ưu tiên chăm sóc từ khẩu trang, kính mắt để cản bụi vào phổi, mắt. Đừng ỷ y với một chiếc khẩu trang vải chỉ giúp làn da của chị em ít sạm đi vì nắng, còn đàn ông cứ thản nhiên phơi mặt trên đường. Khẩu trang y tế chỉ có thể dùng trong môi trường sát trùng và ngăn dịch, không có tác dụng với các hạt bụi nhỏ hơn sợi tóc nhiều chục lần.

Bụi bẩn sẽ theo bạn về tận nhà. Không chỉ đơn giản là quét nhà hoặc hút bụi mỗi ngày mà cần lau bằng nước vì nước mới giúp gom được lớp bụi siêu nhỏ bám dưới sàn nhà, trên tường, quần áo... Người người kháo nhau mua máy lọc không khí, ừ thì có cũng tốt, nhất là gia đình có trẻ nhỏ. 

Nhưng đừng quên, máy lạnh, máy lọc không khí chính là nơi tích trữ nhiều bụi, vi khuẩn nhất nên cần vệ sinh chúng thường xuyên. Hơn hết, hãy đảm bảo mỗi người có sức đề kháng đủ tốt để chống chọi lại tình trạng ô nhiễm mỗi ngày.

Và giải pháp dài lâu để tự cứu cả cộng đồng là mỗi người chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức vì môi trường chung. Đừng mặc kệ, đừng sống kiểu thân ai nấy lo. Ai cũng ngán bụi độc nhưng ai cũng có thể đốt rác, đốt lò than. 

Công trường nhà máy vẫn cứ xả khói bụi, xe cộ ngày càng nhiều, vẫn hồn nhiên xả khói. Chúng ta đang nợ nhau quyết tâm tìm giải pháp cho lâu dài để cứu vãn tình trạng môi trường đang dần tệ hơn hiện nay.

Giải pháp từ luật

Nếu nhà nước chưa thể khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện chạy bằng năng lượng mới (NEV) thì việc đầu tiên, trong tầm tay là điều chỉnh, phát triển phương tiện công cộng, giờ là xe buýt và tương lai là tàu điện ngày một nhiều hơn. Nhưng hướng đi này cũng hết sức chậm chạp.

o nhiem khong khi

Quá nhiều xe cá nhân không chỉ gây kẹt xe mà còn làm ô nhiễm môi trường - Ảnh: Q.ĐỊNH

Liệu chúng ta có thể học cách kiểm soát ô nhiễm do đốt than bằng cách kiểm tra - thay đổi cách làm than tổ ong hàm lượng lưu huỳnh thấp, rồi bỏ than chuyển sang sử dụng khí tự nhiên, điện và các loại năng lượng sạch, chất lượng cao thay thế như các nước khác đang làm?

Đối với các nguồn xả thải công nghiệp, các biện pháp cải thiện kiểm soát ô nhiễm đầu cuối, siết chặt tiêu chuẩn xả thải địa phương và tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp đã được triển khai. Còn bụi từ các công trình xây dựng có thể được giải quyết bằng các công nghệ kiểm soát bụi.

Quan trọng hơn, hãy cho người dân được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng về thực trạng và nguy cơ, cùng nhận thức đúng để cùng thay đổi, không phải kiểu "một người làm ngàn người chịu". Luật đi kèm với vận động, luật song song với giải pháp, hỗ trợ thì chẳng ai không thuận theo.

Tác hại khôn lường từ ô nhiễm không khí đến sức khỏe Tác hại khôn lường từ ô nhiễm không khí đến sức khỏe

Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đã đến mức báo động, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân không nên ra ngoài nếu không có việc gấp vào những ngày ô nhiễm tăng cao để tránh ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là đường hô hấp.

NGUYÊN HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên