18/02/2025 08:00 GMT+7

Ô nhiễm không khí làm thay đổi cấu trúc não bộ

Các hạt bụi mịn (PM) trong không khí ô nhiễm có thể đi thẳng vào não, gây viêm nhiễm và thay đổi cấu trúc não bộ, cảnh báo của các nhà nghiên cứu Úc.

Ô nhiễm không khí làm thay đổi cấu trúc não bộ - Ảnh 1.

Tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể gây bệnh tim mạch, mất trí nhớ và đột quỵ, theo các nhà khoa học - Ảnh: REUTERS

Dù được đánh giá là một trong những quốc gia có chất lượng không khí tốt nhất thế giới, Úc đang đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng từ tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các đợt cháy rừng kéo dài.

Các chuyên gia cảnh báo ngay cả mức độ ô nhiễm thấp cũng có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe não bộ của người dân.

Ông Rachel Tham, nghiên cứu sinh về dịch tễ học môi trường tại Đại học Melbourne, cho biết ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến khả năng tư duy cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đặc biệt nguy hiểm là các hạt bụi mịn (PM) trong không khí có khả năng xâm nhập sâu vào phổi và thậm chí đi thẳng vào não, gây viêm nhiễm và thay đổi cấu trúc não bộ theo thời gian.

Nhiều nghiên cứu cũng đang được thực hiện để hiểu về sự liên hệ của việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí với những bệnh liên quan như Parkinson hay Alzheimer.

Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, tác động kết hợp của ô nhiễm môi trường và ô nhiễm không khí trong nhà đang gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu.

Bà Elaine Luthi, trưởng phòng truyền thông khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nhấn mạnh rằng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ vấn nạn này.

Báo cáo Chất lượng không khí thế giới năm 2023 xếp Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ vào nhóm quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất. Mặc dù Úc đứng ở vị trí 128/134 quốc gia được khảo sát, các chuyên gia khẳng định "xứ sở chuột túi" không thể "miễn nhiễm" với tác động của ô nhiễm không khí.

Tiến sĩ Fay Johnston từ Trung tâm Không khí an toàn cảnh báo về tác động lâu dài của việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm, bao gồm các bệnh lý tim mạch, mất trí nhớ và đột quỵ. Các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất bao gồm người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ em.

Để giảm thiểu tác động, các chuyên gia khuyến nghị sử dụng khẩu trang, bộ lọc không khí HEPA và lựa chọn phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn là việc thực hiện các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, bao gồm việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và phát triển giao thông công cộng.

Ô nhiễm không khí làm thay đổi cấu trúc não bộ - Ảnh 2.Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.HCM: Lo sợ trước 'tử thần' vô hình

Nhiều người lo lắng khi ô nhiễm không khí như 'tử thần' vô hình cứ âm thầm gây hại trực tiếp mỗi ngày.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên