16/02/2025 13:49 GMT+7

Phát hiện ô nhiễm không khí gây sinh muộn

Sinh muộn có thể làm tăng nguy cơ băng huyết ở người mẹ cũng như khả năng thai chết lưu hoặc tử vong sau sinh.

Ô nhiễm không khí có thể gây sinh muộn - Ảnh 1.

Trẻ sinh sau tuần 41 hoặc 42 được gọi là sinh "muộn" hoặc "quá muộn" - Ảnh: REUTERS

Theo một nghiên cứu mới, những người mẹ tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao và nhiệt độ khắc nghiệt trong thai kỳ có nguy cơ sinh con muộn hơn so với bình thường.

Thông thường, một thai kỳ kéo dài khoảng 40 tuần. Trẻ sinh sau tuần 41 hoặc 42 được gọi là sinh "muộn" hoặc "quá muộn". Việc sinh muộn có thể làm tăng nguy cơ biến chứng liên quan đến em bé quá to - bao gồm chảy máu âm đạo hoặc băng huyết trong khi sinh - cũng như khả năng thai chết lưu hoặc tử vong sau sinh.

Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã theo dõi mức độ tiếp xúc với ô nhiễm PM2.5 của 393.384 thai phụ hằng tháng, từ ba tháng trước khi thụ thai cho đến khi sinh, dựa trên nơi họ sinh sống.

Đồng thời họ sử dụng Chỉ số khí hậu nhiệt độ phổ quát (UTCI) để ước tính mức độ căng thẳng nhiệt mà cơ thể phải chịu do thời tiết, có tính đến các yếu tố như nhiệt độ không khí và độ ẩm.

Kết quả cho thấy 12% - tương đương 47.380 thai phụ - có thai kỳ kéo dài từ 41 tuần trở lên.

Mức độ tiếp xúc cao hơn với PM2.5 và căng thẳng nhiệt làm tăng khả năng xảy ra tình trạng này, sau khi các nhà nghiên cứu đã xem xét các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến thời gian mang thai như hút thuốc, tình trạng kinh tế - xã hội, chủng tộc và dân tộc, và tuổi của người mẹ.

Những người sinh con đầu lòng, người trên 35 tuổi và người sống ở khu vực đô thị đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động này.

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Urban Climate, là công trình đầu tiên điều tra mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và nguy cơ sinh muộn. Tiến sĩ Sylvester Dodzi Nyadanu, nhà nghiên cứu về sức khỏe môi trường tại Đại học Curtin, Úc, cho biết: "Chúng ta đã biết rõ về những rủi ro sức khỏe khi 'sinh quá sớm' - sinh non, nhưng rất ít người chú ý đến những rủi ro của việc 'sinh quá muộn'".

Rủi ro thai kỳ tăng theo biến đổi khí hậu

Các nhà nghiên cứu cho biết việc tiếp xúc với nhiệt độ cực đoan và ô nhiễm không khí có thể kéo dài thai kỳ theo nhiều cách. Ví dụ, cả hai yếu tố này đều có thể làm tăng sản xuất các phân tử không ổn định gọi là "các loại oxy phản ứng", có thể gây rối loạn chức năng hormone.

Tiến sĩ Nyadanu cảnh báo những rủi ro như vậy có thể trở nên rõ rệt hơn khi biến đổi khí hậu làm tăng số lượng các hiện tượng thời tiết cực đoan và giảm chất lượng không khí.

"Nghiên cứu này cho thấy cần có các chính sách có mục tiêu và biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro sức khỏe liên quan đến khí hậu, bao gồm các quy định về chất lượng không khí tốt hơn và các sáng kiến y tế công cộng nhằm bảo vệ các bà mẹ mang thai và trẻ em khỏi các điều kiện khí hậu khắc nghiệt", ông nhấn mạnh.

Ô nhiễm không khí có thể gây sinh muộn - Ảnh 2.Hít không khí ô nhiễm, phụ nữ có thể bị sẩy thai 'âm thầm'

TTO - Các nhà khoa học cho biết việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ sẩy thai 'âm thầm' ở thai phụ khi phụ nữ bị sẩy thai mà không hề có các triệu chứng đáng chú ý nào.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên