29/11/2018 14:16 GMT+7

Nước ngoài có đánh đòn, tát tai học sinh?

ĐỒNG LỘC
ĐỒNG LỘC

TTO - Hiện nay nhiều nước trên thế giới cấm dùng các hình phạt thể xác và tinh thần đối với học sinh. Nhưng ở nhiều nơi, học sinh vẫn bị phạt đòn.

Nước ngoài có đánh đòn, tát tai học sinh? - Ảnh 1.

Học sinh bị phạt roi ở Thái Lan - Ảnh chụp từ video

Điều khá ngạc nhiên là ngay cả ở Mỹ, Nhật là những nước có nền giáo dục tiên tiến, việc áp dụng hình phạt roi đòn ở bậc mẫu giáo và tiểu học thỉnh thoảng vẫn được áp dụng.

Nhiều kiểu phạt

Ở Mỹ, do luật pháp liên bang không đề cập đến việc cấm đoán hình phạt này nên các trường học có thể vận dụng linh hoạt tùy theo nhận định của ban giám hiệu và giáo viên.

Ở cấp độ tiểu bang, có 31 bang cấm, 19 bang còn lại thì cho phép áp dụng roi đòn với học sinh, nhưng phải có sự đồng thuận của phụ huynh hay người bảo hộ. Tuy vậy, roi đòn chỉ còn áp dụng trong các trường học ở 5 bang miền Nam như Texas, Arkansas, Mississippi, Alabama và Georgia.

Nhưng nếu có đánh đòn thì giáo viên phải dùng loại roi chuyên dùng cho việc này, roi có bề bản lớn giống như cái mái dầm (paddle) để tránh gây thương tích cho học sinh, tuyệt đối cấm việc tát tai, đấm hay các loại nhục hình thể xác và tâm lý khác.

Học sinh ở các nước bị phạt đòn - Video: ĐỒNG LỘC

Trong khi đó tại một số nước châu Á, Trung Đông và châu Phi, hình phạt thể xác vẫn còn khá phổ biến trong các trường.

Nhiều giáo viên ở những nước này đã lạm dụng roi đòn và các hình phạt thể xác và tâm lý nặng nề khác, gây nhiều tổn thương tâm lý cho học sinh. Các giáo viên ở Trung Quốc, Philippines vẫn còn áp dụng những hình phạt khắc nghiệt như bắt học sinh quỳ trên đậu hạt, bắp, gạo sống hàng nhiều giờ liền.

Tại Campuchia , một cuộc điều tra năm 2013 cho thấy giáo viên là nguyên nhân chính của các vụ bạo hành về thể xác và tâm lý mà học sinh phải hứng chịu bên ngoài gia đình.

Các hình phạt mà giáo viên Campuchia thường áp dụng bao gồm: đánh đòn, tát tai học sinh, thậm chí là bóp cổ, nhẹ hơn là nhục mạ và không thèm nói chuyện với các em.

Nước ngoài có đánh đòn, tát tai học sinh? - Ảnh 3.

Chuyện dùng roi đòn trong trường học vẫn còn khá phổ biến ở châu Phi - Ảnh: butaphotojournal

Việc phải hứng chịu những hình phạt thể xác và tâm lý nặng nề sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lâu dài lên sự phát triển thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý và tình cảm của trẻ nhỏ.

Các công trình nghiên cứu về giáo dục cho thấy trong môi trường học tập không có bạo lực, học sinh sẽ phát triển tốt hơn về kỹ năng hòa nhập vào xã hội, khả năng nhận thức, học ngoại ngữ tốt hơn và đạt kết quả học tập cao hơn.

Đồng thời, các em sẽ phát triển hơn về thể chất, trí tuệ, có sự cân bằng tâm sinh lý tốt hơn nhiều so với những học sinh trong môi trường học tập đầy rẫy bạo lực.

Đâu là nguyên nhân?

Nước ngoài có đánh đòn, tát tai học sinh? - Ảnh 4.

Quá quậy, một cậu bé 5 tuổi ở Georgia, Mỹ bị phạt đòn - Ảnh: NBC News

Việc các giáo viên thường áp dụng các hình phạt thể xác nặng nề, đặc biệt là ở các nước châu Á, có thể do nhiều nguyên nhân:

- Do người giáo viên thiếu nhận thức về vai trò quan trọng của một nhà mô phạm gương mẫu, bản thân họ không có nền tảng đạo đức cá nhân tốt, vì khi còn bé họ thiếu sự dạy dỗ đúng mức của gia đình, thời họ đi học thì môi trường học tập nặng về nhồi nhét kiến thức mà xem nhẹ việc rèn luyện đạo đức cho học sinh.

Môi trường học tập của họ lại thường xuyên diễn ra những cảnh bạo lực giữa thầy trò. Những yếu tố này dẫn đến sự phát triển lệch lạc khi trưởng thành: họ có học vấn tốt nhưng nền tảng đạo đức cá nhân yếu kém. Đây là nguyên nhân chủ yếu ở một số quốc gia châu Á, dẫn đến việc giáo viên hay áp dụng dùng nhục hình quá nặng với học sinh.

- Do bối cảnh xã hội. Ở châu Á, những nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa hoặc đạo giáo như Ấn Độ, Pakistan, hoặc chịu ảnh hưởng phong kiến đề cao tôn ti trật tự lỗi thời kiểu "trên bảo, dưới phải nghe" như ở các nước Đông Nam Á, cũng là nguyên do dẫn đến việc áp dụng phổ biến hình phạt thể xác.

- Do các nguyên nhân khác như người giáo viên không kiểm soát được bản thân trong một số hoàn cảnh: sức ép phải đạt kết quả tốt từ phía nhà trường, học sinh vô lễ, quậy phá quá đáng, những lo lắng về kinh tế, suy sụp tâm lý do vấn đề cá nhân, khi say rượu, hoặc có các bệnh liên quan đến tâm lý và thần kinh.

Nhưng, vấn đề làm tất cả các bậc phụ huynh, dù ở đâu trên thế giới, quan tâm nhất vẫn là những vướng mắc, bất ổn trong mối quan hệ giữa học sinh và giào viên ở trường.

Sau nhiều cuộc điều tra sâu rộng về vấn đề này, Hội Phụ huynh và Giáo viên Hoa Kỳ đã hướng dẫn cách thức để các bậc phụ huynh có thể xử lý ổn thỏa những vướng mắc giữa con cái mình và giáo viên ở trường.

Hội đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể để các bậc cha mẹ có thể ứng phó và xử lý tình huống một cách tốt nhất cho các bên.

* Kỳ tới: Làm gì khi con 'có vấn đề' với thầy cô?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì vụ cô giáo phạt tát học sinh 231 cái? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì vụ cô giáo phạt tát học sinh 231 cái?

TTO - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng vụ cô giáo ở Quảng Bình chỉ đạo các học sinh tát bạn của mình 231 cái là hành vi phản giáo dục, vi phạm pháp luật.

ĐỒNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên