Vừa qua, câu chuyện cậu bé lớp 6 ở Quảng Bình hứng 231 cái tát từ cô giáo và cả lớp khiến nhiều người giật mình xót xa. Ngày 6-12, tiếp tục liên quan đến cái tát, học sinh nói 'cô giáo cho bạn tát 50 cái', nhà trường phủ nhận vẫn đang gây tranh cãi thực hư tại Hà Nội. Sau những cái tát thể hiện sự bạo lực, bất lực của người lớn đối với trẻ nhỏ ở trong gia đình, đến xã hội.
Đầu tháng 12, Pháp đã thông qua luật cấm bố mẹ dạy con bằng các hình phạt trên thân thể. "Giáo dục thông qua bạo lực chỉ có thể tạo ra thêm bạo lực trong xã hội", nghị sĩ Maud Petit của đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) nêu quan điểm. "Nó cũng sẽ dẫn đến thất bại trong nhà trường, dẫn đến bệnh tật, tự tử, hành vi chống đối xã hội và phạm tội".
Ảnh hưởng tâm lý do thường xuyên bị bố đánh
Ngày 2-12, ghi nhận tại một phòng khám tâm lý ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), một bé trai được gia đình đưa đi khám với nhiều biểu hiện khiến gia đình lo lắng.
N. hoạt bát, thông minh, trí tưởng tượng cao. Nhưng bố đánh giá cậu bé hư, cần phải đánh mới dạy được. Khi gặp bác sĩ, bố N. (38 tuổi, quận 2) cũng thừa nhận mình thường xuyên đánh con. Càng đánh, con càng thách thức. N. không kháng cự mà nói "đánh thì cho đánh, đánh cho chết luôn đi". Con còn nhổ nước bọt vào mặt bố, càng làm bố giận hơn và những trận đòn roi càng nhiều hơn.
N. còn thường xuyên làm ngược lại mọi thứ: viết chữ ngược, nói ngược, đọc ngược, làm ngược lại những gì người lớn yêu cầu, ở nhà và cả ở trường. Bố mẹ N. đều là viên chức nhà nước. Khi tiếp xúc với bác sĩ, bố mẹ N. bày tỏ sự kỳ vọng ở con rất nhiều. Mỗi lần tiếp khách tại nhà, bố mẹ N. cảm thấy xấu hổ về con.
Còn N. nói với bác sĩ tâm lý: "Ai cũng ghét con. Con bị các bạn đánh hội đồng, nhưng cô giáo lại nói là do lỗi của con đầu tiên. Con bị đánh, mà đánh lại cũng bị chửi".
Gia đình khi chứng kiến cảnh bé nhấn chìm con chó con để "mày chết đi, từ nay sẽ không còn ai ôm ấp mày được nữa" đã đưa bé đi gặp bác sĩ tâm lý.
Ben (8 tuổi,Q.Thủ Đức, TP.HCM) về Bình Định sống với bà nội từ khi mới 8 tháng tuổi. Mẹ làm ở ngân hàng, còn ba Ben làm kỹ sư điện, cũng vì đang trong lúc công việc thăng tiến nên không ai nghỉ làm ở nhà chăm con.
Đến năm 4 tuổi, Ben mới về sống lại với bố mẹ. Ngày nào hai cha con Ben cũng gào thét với nhau. Bố đánh một cái, con cũng sẽ đánh lại một cái, qua về vài lần là bố treo ngược chân con lên đánh một trận.
Bà nội thường xuyên từ Bình Định vào thăm cháu, nhưng cũng quen miệng "Ben hư, đánh cho bây giờ". "Con nít không đánh thì không thành người được đâu cô ạ. Nó sống với tui từ nhỏ, phải la mắng vầy hoài nó mới nghe lời, nhưng lúc ở quê chỉ cần thấy bà nội đưa cây lên đã ôm chân khóc là tha rồi, vô ở với bố mẹ nó mới hư như bây giờ, nói gì cũng cãi lại, đập đồ, đánh lại ba nó chứ…" - bà nội Ben phân bua với hàng xóm.
Không ít người lớn vẫn quen miệng đòi đánh con trẻ. Dù đùa, nhưng sau mỗi câu nói của người lớn là một hành động đánh lại kèm theo của trẻ nhỏ.
"Với trường hợp bé còn nhỏ và ảnh hưởng từ gia đình, cần phải được trị liệu hỗ trợ nhóm. Bé được trị liệu và bố mẹ cần hợp tác để thống nhất lại cách tiếp cận con, cách tổ chức lại cuộc sống gia đình và lập kế hoạch lại cho các hoạt động của gia đình cho phù hợp với bé" - bác sĩ cho biết.
"Khi một đứa trẻ sống trong bạo lực, bị dạy dỗ bằng đòn roi sẽ ảnh hưởng đến tâm lý là điều hiển nhiên. Có thể bộc lộ ở hiện tại hoặc đến khi trưởng thành mới bộc phát. Trẻ sẽ có hai biểu hiện chính, hoặc sẽ thu rút mình lại, né tránh mọi người bằng mọi cách; hoặc sẽ mắc hội chứng thách thức bằng hành vi"- bác sĩ chia sẻ.
Hư một mắt do bị tát
Theo lời kể của chị N.N.T.N (35 tuổi, Đồng Nai), chị có 5 chị em cùng mẹ, nhưng có 3 người cha. "Chị em tôi rất sợ mẹ, có chuyện gì tôi cũng giấu biệt đi. Nếu không may để mẹ biết, không cần biết chỗ nào là nguy hiểm, bà lấy chổi đánh từ đầu xuống, quất trúng chỗ nào thì trúng, tôi đỡ chỗ này thì trúng chỗ khác. Thậm chí, tôi bị hàng xóm ức hiếp cũng cắn răng chịu chứ không dám kể cho mẹ tôi nghe" - chị N. kể.
Nhưng nổi ám ảnh cả đời chị là ông hàng xóm cạnh nhà. Một lần, trong lúc đang chơi với con gái ông, xảy ra cự cãi, "ông ở đâu tiến tới xách cổ áo tôi lên, quẳng vào vách tường rồi chửi: "đồ con hoang, chị em tụi mày là đồ không cha, không được dạy dỗ tử tế, mẹ mày là đồ gái hư. Bọn mày được chơi với con tao là đã vinh dự rồi còn không biết điều…". Không thể chịu đựng chị đã lao vào ông đấm đá.
Nhưng một cô bé mới 12 tuổi, có là gì so với thân hình to lớn của một người đàn ông đang tuổi trung niên. "Ông túm được tôi, cứ vậy ông tát vào mặt tôi đến xây xẩm mặt mày, đầu tôi ong ong… cứ ngỡ như tôi sắp chết vậy. Tôi cố vùng vẫy chạy về nhà, chui xuống gầm giường vừa la hét xin ông đừng đánh nữa. Nhưng ông vẫn lôi tôi ra tẩn thêm một trận đến khi tôi không còn sức để la nữa.
Tôi lịm đi, tôi hoảng loạn, cả người đau nhức. Mắt tôi sưng lên không thể nhìn thấy gì. Dù được chạy chữa nhưng tôi đã bị hư một mắt. Những cái tát đó đã thay đổi cuộc đời tôi"- chị N. nhớ lại.
Chị tâm sự luôn mặc cảm không cha, cô đơn vì không được mẹ vỗ về, khi có thêm khuyết tật càng khiến chị tự ti, cảm thấy cuộc đời không đáng sống.
Hệ lụy kéo dài đến khi chị có chồng con. Vì tự ti chị nhắm mắt cưới người không yêu. Người đàn ông có học thức nhưng lại lăng nhăng, hành hạ vợ con, ham mê cờ bạc… Nhưng chị vẫn chịu đựng như từ bé, không chút phản kháng.
Nhưng những đêm ác mộng của chị vẫn là trận đòn năm 12 tuổi chứ không phải những tủi nhục mà đang gánh chịu. "35 tuổi, vốn liếng cả đời tôi chắt chiu và chăm lo giữ gìn nhất là con trai tôi bây giờ. Chưa một lần tôi lớn tiếng, hay một cái đét mông cũng không bao giờ. Tôi nâng niu con mình như chính linh hồn của mình. Hơn ai hết tôi hiểu tuổi thơ đã ảnh hưởng đến tôi bây giờ như thế nào"- chị nghẹn ngào nói.
Còn tiếp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận