17/09/2023 13:55 GMT+7

Nữ sinh xóm chài 'vượt sóng' vào đại học

Ngày nhận được thông báo trúng tuyển đại học, cô học trò nghèo Lê Thị Thúy Hằng (ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đượm nỗi lo âu, bởi chặng đường phía trước còn quá chông chênh.

Lê Thị Thúy Hằng - tân sinh viên ngành tài chính - ngân hàng Trường đại học Nha Trang - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Lê Thị Thúy Hằng - tân sinh viên ngành tài chính - ngân hàng Trường đại học Nha Trang - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Những ngày nắng bỏng rát, người dân xóm chài ai ai cũng tất bật với thuyền lưới mưu sinh. Trong căn nhà lụp xụp nằm cuối con hẻm cát nối ra bãi biển, Hằng đang nấu cơm, chiên trứng làm bữa trưa cho gia đình.

Cô nữ sinh xóm chài vừa học vừa làm để đỡ đần người cha khuyết tật

Cha quên bệnh tật nuôi hai con học giỏi

Hằng cho hay hôm trước cô vào TP Nha Trang tìm chỗ trọ để chuẩn bị vào nhập học ngành tài chính - ngân hàng Trường đại học Nha Trang. Nhưng trọ gần trường giá khá cao, thuê xa trường thì không có xe đi lại khiến Hằng băn khoăn, lo lắng.

Cách đây 6 năm, ba mẹ Hằng ly hôn. Hằng và em gái tên Hoài (hiện đang học lớp 11) sống với ba là ông Lê Đức Hoàng, một người đàn ông khuyết tật bẩm sinh, chân trái teo nhỏ, bàn chân rút co quắp, lại mắc bệnh tiểu đường nên đau ốm triền miên. Vậy mà người đàn ông ấy lại là chỗ dựa, là nguồn sống của cả gia đình.

Hằng ngày, ông Hoàng đi lặn vệ sinh lồng bè nuôi hải sản thuê, thu nhập 150.000 - 200.000 đồng.

Những ngày không ai thuê mướn, ông lặn bắt ốc, sò bán kiếm thêm, cộng với 600.000 đồng tiền hỗ trợ hằng tháng cho người khuyết tật cũng được hơn 2 triệu.

Với số tiền ít ỏi này, ông chi tiêu tiết kiệm, vừa lo cho cuộc sống ba cha con, lo chuyện học hành của hai con, phần ít dành dụm mua thuốc men.

Hơn 6 tháng nay, sức khỏe ông Hoàng giảm sút, có những ngày người ta thuê lặn vệ sinh lồng bè mà ông không đi làm được. Thu nhập sụt giảm, cuộc sống ba cha con vốn đã khó lại càng thêm khó.

Bệnh tiểu đường của ông Hoàng ngày càng trở nặng nhưng ông vẫn luôn cố gắng vì tương lai con - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Bệnh tiểu đường của ông Hoàng ngày càng trở nặng nhưng ông vẫn luôn cố gắng vì tương lai con - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Thương cha, Hằng quyết tâm phải học giỏi. Suốt 12 năm, bạn luôn đạt học sinh giỏi. Tuổi ăn tuổi học, chưa làm được những việc nặng để đỡ đần cha, kiếm thêm thu nhập, Hằng đảm đương mọi việc nhà.

Thi tốt nghiệp THPT xong, Hằng đi kiếm việc làm thêm tại một quán trà sữa ở quê. Mấy tháng rồi bạn cũng có thu nhập được 3 triệu đồng, bớt một phần gánh nặng trên vai cha.

"Từ ngày mẹ bỏ đi, ba quên cả bệnh tật và tuổi tác, một mình gồng gánh cuộc sống của ba cha con. Giờ tôi vào đại học, chi phí cho học kỳ đầu đã thấy khá lớn rồi, không biết tìm đâu ra, còn cả mấy năm trời nữa mới tôi mới học xong. Rồi em gái nữa, năm sau lại vào đại học.

Một mình ba không biết có kham nổi không. Tôi cũng có một số dự định, khi vào nhập học ổn ổn là cố gắng kiếm việc làm thêm ngoài giờ để tự lo phần nào chi phí của bản thân mình" - Hằng thổ lộ.

Để có tiền lo cho hai người con gái ăn học, ông Hoàng đã vay 30 triệu theo diện xóa đói giảm nghèo rồi mua bò gửi người chị nuôi giúp. Đến nay, Hằng đã đỗ đại học, khoản vay đó vẫn chưa trả hết.

Ông nói dự tính vay thêm cho Hằng trang trải những khoản chi phí ban đầu, còn hai con bò để phòng khi kẹt quá không xoay xở được mới bán.

Ông Lê Đức Hoàng
Các con mà nghỉ học giữa chừng vì khó khăn là đời tôi toàn thất bại, nên tôi vừa động viên con, vừa động viên mình, phải nỗ lực gấp đôi gấp ba khả năng để đạt mục tiêu mong muốn.

Con đường đại học và những vun vén

Hai chị em Hằng thường xuyên bảo ban nhau cố gắng học để không phụ lòng ba nuôi dưỡng - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Hai chị em Hằng thường xuyên bảo ban nhau cố gắng học để không phụ lòng ba nuôi dưỡng - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Chỗ học tập của hai chị em Hằng ở nhà là cái bàn xếp rộng vài gang tay đặt gọn bên gian bếp. Còn sách vở được sắp ngay ngắn vào góc tủ quần áo. Hằng nhìn về phía tấm màn cũ mốc, nói vì phòng ngủ chật quá nên đưa ra ngoài học, vừa sáng lại rộng rãi thoải mái hơn.

Nhờ sự chăm chỉ, cần mẫn và chịu khó suốt nhiều năm qua, xét tuyển học bạ Hằng đã đậu nhiều trường đại học ở Đà Nẵng và TP.HCM. Nhưng vì hoàn cảnh không cho phép, bạn đành bỏ ý định vào trường lớn, chọn ngành tài chính - ngân hàng Trường đại học Nha Trang.

"Đó là lựa chọn phù hợp nhất đối với tôi lúc này. Chi phí sinh hoạt ở Nha Trang thấp hơn các thành phố lớn, lại không xa nhà lắm nên sẽ tiện về thăm ba và em gái những lúc rảnh" - Hằng chia sẻ.

Tiếp bước gương chị, cô em gái Thúy Hoài cũng chăm chỉ không kém. Ngoài thời gian học và phụ giúp việc nhà, bạn còn xin làm thêm ở shop quần áo. Mỗi tháng lương được hơn 3 triệu đồng, Hoài đưa ba số tiền này để lo chi phí cho chị gái vào đại học.

"Em sẽ vừa học vừa làm thêm phụ ba, dành thời gian rảnh phụ ba làm việc nhà và chăm sóc ba để chị yên tâm học hơn. Em cũng đặt mục tiêu đậu đại học như chị" - Hoài bộc bạch.

Hằng xúc động ôm em gái vào lòng. Cô tân sinh viên nghèo thổ lộ: "Hình ảnh ba và em gái vất vả đã thôi thúc tôi phải cố gắng nhiều hơn, học giỏi hơn".

Thúy Hằng đang làm bữa cơm cho gia đình - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Thúy Hằng đang làm bữa cơm cho gia đình - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Cô Nguyễn Thị Nga - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1, Trường THPT Lê Hồng Phong - cho biết Hằng là một học sinh chăm ngoan, yêu thương em và hòa đồng với mọi người. Thành tích học tập của Hằng cũng nổi bật hơn so với các bạn trong lớp.

Theo cô Nga, khi ba mẹ ly hôn, tâm lý các học sinh sẽ rơi vào nhiều trạng thái khác nhau, buồn chán hoặc trở nên cá biệt… Nhưng Hằng lại khác, rất điềm tĩnh, dũng cảm biến khó khăn thành động lực học tập, môn nào cũng đạt điểm cao.

"Để động viên Hằng, nhà trường luôn hỗ trợ như trao các suất học bổng của trường, của nhà hảo tâm, hay xem xét miễn giảm chi phí ôn thi THPT cho em ấy. Điều khiến tôi rất nể phục là mặc dù sức khỏe không cho phép nhưng ba của Hằng rất quan tâm, chăm sóc con cái. Tôi mong xã hội cùng tiếp sức để Hằng có cơ hội viết tiếp ước mơ học tập của mình" - cô Nga nói.

Hộ nghèo nhiều năm

Gia đình ông Hoàng thuộc diện hộ nghèo của xã Vạn Hưng nhiều năm nay - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Gia đình ông Hoàng thuộc diện hộ nghèo của xã Vạn Hưng nhiều năm nay - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Ông Huỳnh Ngọc Sang - phó chủ tịch UBND xã Vạn Hưng - cho biết gia đình ông Hoàng thuộc diện hộ nghèo của xã nhiều năm nay. Ông Hoàng là người khuyết tật, thường xuyên đau ốm lại "gà trống" nuôi hai con đang độ tuổi ăn học rất vất vả.

"Nhiều năm nay xã luôn quan tâm, giới thiệu hộ này đến các tổ chức nhân đạo, nhà hảo tâm hỗ trợ. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương đều đến thăm, tặng quà và động viên mỗi dịp Tết đến, ủng hộ sách vở vào năm học mới... nhưng không thấm vào đâu" - ông Sang cho hay.

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Cách thức đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023Cách thức đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023

Trong hồ sơ gửi về chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, ngoài thông tin cá nhân, gia đình, các tân sinh viên cần chia sẻ thêm về những dự định tương lai.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên