Nữ nghị sĩ Anh Tulip Siddiq - Ảnh: GETTY IMAGE
Theo đài BFMTV, nữ nghị sĩ Tulip Siddiq đã quyết định lùi lại 2 ngày so với thời hạn cần nhập viện để sinh con theo yêu cầu của bác sĩ. Lý do là bà cần thể hiện quan điểm của mình với thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Quốc hội Anh không có cơ chế cho bỏ phiếu theo ủy nhiệm. Trước đây cũng từng có vài trường hợp cá biệt, nhưng cũng rất hiếm hoi, dành cho các nghị sĩ bị bệnh vào dịp bỏ phiếu, như trong lần bỏ phiếu cho hiệp ước Maastricht năm 1992.
Với nữ nghị sĩ Tulip Siddiq, đây là lần mang thai thứ hai nhưng là dạng thai khó. Thoạt tiên bác sĩ yêu cầu cô phải nhập viện sinh mổ dự kiến vào ngày 4-2. Nhưng do tình hình sức khỏe không tốt, bà mẹ tương lai được yêu cầu phải nhập viện sớm hơn, vào ngày 14 hoặc 15-1.
Nhưng do tính chất quan trọng của cuộc bỏ phiếu nên bà mẹ chính trị gia quyết định để con chào đời vào ngày 17-1 tới.
"Nếu con trai tôi chào đời trong một thế giới mà quan hệ giữa Anh và châu Âu tốt hơn, thì dù có làm trái lời bác sĩ thì cũng đáng làm chứ", nữ nghị sĩ Siddiq nói với tờ Evening Standard.
Cuộc bỏ phiếu lần này được đánh giá là rất sít sao và khó đoán định dù hậu quả của nó sẽ rất phức tạp và nặng nề nếu Hạ viện Anh không đồng tình với thỏa thuận rời EU mà Thủ tướng Theresa May và các lãnh đạo EU đã nhất trí trước đó.
Người biểu tình ủng hộ Brexit giương biểu ngữ trước tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London ngày 14-1 - Ảnh: REUTERS
Hiện có hai lựa chọn cho các nghị sĩ: thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit của chính phủ, hoặc chính phủ sẽ quyết định theo phương án rời EU đúng ngày đã định mà không có thỏa thuận.
Kịch bản xấu nhất này sẽ để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế và thương mại với Anh và cũng ảnh hưởng không nhỏ tới EU.
Vì vậy, ngày 14-1, bà May vẫn tìm cách thuyết phục các nghị sĩ lần cuối cùng. Bà đã công bố trước Quốc hội một bức thư mới nhất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Trong thư làm rõ hơn "giá trị pháp lý" của điều khoản "rào chắn" gây tranh cãi. Bà May cũng khẳng định đây là các đảm bảo rõ ràng nhất từ phía EU và đề nghị các nghị sĩ nên ủng hộ thỏa thuận.
Phát biểu trước các nghị sĩ, Thủ tướng May cho biết: "Dù trước đây các ngài đã quyết định thế nào, trong 24 giờ tới, hãy một lần nữa xem lại thỏa thuận này. Đúng là nó chưa thực sự hoàn hảo, nhưng đây là một sự thỏa hiệp".
Bà May cũng cảnh báo các nghị sĩ rằng việc bác bỏ thỏa thuận trên sẽ dẫn tới kịch bản hỗn loạn khi nước Anh ra đi không có thỏa thuận, trong khi kịch bản đảo ngược tiến trình Brexit cũng "sẽ là hủy hoại nền dân chủ Anh".
Trên nhật báo Express hôm 13-1, bà May cũng đã cảnh báo: "Việc từ chối thỏa thuận Brexit sẽ là một thảm họa, phá vỡ niềm tin nghiêm trọng và không thể tha thứ được".
Bà kêu gọi Quốc hội hành động đúng đắn cho đất nước. "Nếu quốc hội không đồng lòng và quay trở lại thỏa thuận này vì lợi ích quốc gia, chúng tôi có nguy cơ rời khỏi ngôi nhà chung mà không có thỏa thuận. Khi đó mọi sự bất trắc đều có thể xảy ra với an ninh và việc làm".
Người biểu tình chống lại Brexit mang theo dù màu cờ châu Âu chờ đến tận tối 14-1 trước tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London - Ảnh: REUTERS
Theo kế hoạch, Hạ viện Anh sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu quan trọng về thỏa thuận Brexit vào khoảng 19h đến 21h tối 15-1 (giờ địa phương), tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của bà May và các liên minh Bắc Ireland phản đối thỏa thuận.
Công đảng đối lập, vốn muốn một liên minh thuế quan với Brussels, lên tiếng bác bỏ các đảm bảo trên của EU.
Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn tố cáo là kể từ khi bất ngờ hoãn kế hoạch đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Hạ viện hồi tháng 12-2018, bà May đã "hoàn toàn thất bại" trong việc buộc EU phải "xuống nước".
Ông Corbyn cũng cảnh báo sẽ kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ nếu thỏa thuận trên không được thông qua trong cuộc bỏ phiếu sắp tới.
Nếu chính phủ của bà May không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhín nhiệm, các đảng trong Hạ viện sẽ có 14 ngày để tìm một giải pháp thay thế nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ, nếu không một cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ phải diễn ra.
Trong khi đó, có tin đồn tại Brussels và London rằng Thủ tướng May sẽ tìm kiếm việc gia hạn tiến tiến trình Brexit quy định trong Điều 50 về "ly hôn" trong Hiệp ước Lisbon, nếu thỏa thuận Brexit không nhận được sự ủng hộ của Hạ viện.
Trong một bức thư gửi tới công dân Anh, hơn 100 nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu (EP) cam kết ủng hộ việc kéo dài thời điểm Brexit để cho phép cử tri nghĩ lại. Tuy nhiên, bà May đã khẳng định "thời điểm Brexit (ngày 29-3 tới) sẽ không thể bị trì hoãn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận