31/01/2020 21:21 GMT+7

Brexit có hiệu lực: kẻ khóc, người cười

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Đúng 23h hôm nay 31-1 (theo giờ GMT), Vương quốc Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử khối này có một nước rời khỏi sân chơi chung. Với nhiều người trên lục địa già, nước Anh giờ đây tuy gần mà xa.

Brexit có hiệu lực: kẻ khóc, người cười - Ảnh 1.

Kẻ khóc, người cười sau phiên bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu ngày 30-1 (giờ VN) - Ảnh: REUTERS

Chuyến tàu Brexit đang sắp sửa rời bến nhưng với những người lạc quan nhất vào lúc này, đó chưa phải là chuyến tàu cuối cùng một đi không trở lại.

“Chúng tôi đánh giá cao mọi công việc mà Anh đã làm trong những năm qua. Các bạn rời khỏi Liên minh châu Âu, song các bạn vẫn là một phần của châu Âu.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu DAVID MARIA SASSOLI

Nghẹn ngào chia tay

Cuộc bỏ phiếu cuối cùng về Brexit tại Nghị viện châu Âu (EP) đã kết thúc với 621 phiếu thuận và 49 phiếu chống vào rạng sáng 30-1 (giờ Việt Nam) trong nhiều cảm xúc trái chiều.

Kết quả này đã được dự báo từ trước nên hoàn toàn không có sự bất ngờ trên gương mặt của các nghị sĩ EU. Sau cuộc bỏ phiếu, ở đó chỉ có những giọt nước mắt, lời ca tiếng hát xen lẫn những nụ cười sướng vui hạnh phúc.

Trong khi các nghị sĩ thuộc Đảng Brexit của Anh vui mừng trước kết quả, nhiều nghị sĩ nước khác đã thể hiện sự buồn bã và miễn cưỡng. Một số người thậm chí đã khóc trong lúc nhiều người khác nắm tay nhau và hát Auld Lang Syne như một bài hát chia tay, tiễn người bạn cũ lâu năm lên đường. Họ khoác lên mình biểu ngữ "Always United" như một lời hứa rằng nước Anh và 27 nước còn lại của EU sẽ mãi đoàn kết như thời chưa biết Brexit là gì.

"Chúng tôi sẽ luôn yêu các bạn. Chúng ta sẽ mãi không bao giờ xa cách" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen không giấu được sự xúc động.

Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Maria Sassoli cho biết các nhà lập pháp EU "rất buồn" khi chứng kiến Anh rời khỏi nhóm.

Giải quyết hậu quả "ly hôn"

Ngày 1-2-2020 sẽ chứng kiến sự khởi đầu một giai đoạn đàm phán mới giữa London và EU, thứ sẽ định hình quan hệ giữa hai bờ eo biển Manche.

Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp dài 11 tháng kể từ ngày mai 1-2. Xứ sở sương mù vẫn được hưởng các lợi ích từ EU nhưng sẽ mất đi tiếng nói và sức nặng của một thành viên đã gia nhập khối 47 năm.

Vẫn còn rất nhiều công việc phía trước sau ngày Anh rời khỏi EU đòi hỏi các cuộc đàm phán giữa hai bên để giải quyết, từ thương mại đến hàng loạt vấn đề khác như an ninh, năng lượng, liên kết giao thông, quyền đánh cá và chia sẻ dữ liệu. Tất cả sẽ gói gọn trong vòng 11 tháng, một khoảng thời gian ngắn ngủi để giải quyết tất cả hậu quả của cuộc "ly hôn" tốn kém.

Thủ tướng Anh Johnson đã nói thẳng 11 tháng là không đủ để đạt được một thỏa thuận thương mại "không thuế, không hạn ngạch" giữa Anh và EU, nhưng tuyên bố không muốn gia hạn đến sau ngày 1-1-2021. Điều đó đồng nghĩa nếu các cuộc đàm phán thương mại tự do giữa hai bên thất bại, hàng hóa trao đổi giữa Anh và 27 nước EU sẽ bị đánh thuế, kiểm soát nhập khẩu theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.

Còn 9 tháng cho mọi nỗ lực

Kinh nghiệm cho thấy các hiệp định thương mại tự do giữa EU với một nước ngoại khối thường mất rất nhiều thời gian để hoàn thành. Theo Hãng tin Reuters, rất ít người ở Brussels (trụ sở EU) tin rằng giai đoạn chuyển tiếp là đủ dài để kết thúc một thỏa thuận thương mại nhiều "xương xẩu" giữa Anh và EU. 

Khối này đã luôn khẳng định họ sẽ không ký một thỏa thuận thương mại với một nước mà hàng hóa của nước đó có nguy cơ đe dọa hàng hóa của các nước thành viên bằng giá cả thấp một cách không công bằng.

Ở chiều ngược lại, mối quan tâm của Anh không phải là họ sẽ nhận được bao nhiêu từ EU, mà là việc tuân thủ các quy định của EU trong thời gian chuyển tiếp sẽ ngăn cản London đạt được các thỏa thuận thương mại với những nước khác ngoài EU, chẳng hạn như Mỹ.

Mặc dù trên giấy tờ là EU và Anh có 11 tháng, các cuộc đàm phán sẽ không chính thức bắt đầu đến khi chính phủ các nước EU đồng ý ủy thác đàm phán vào cuối tháng 2 tới. Hai bên sẽ phải hoàn tất mọi thứ vào tháng 10, bởi để dành thời gian cho việc dịch các hiệp định sang 23 thứ tiếng được sử dụng ở EU và trình lên phê chuẩn tại quốc hội các nước thành viên. Như vậy, thời gian chỉ còn lại tối đa là 9 tháng cho mọi nỗ lực.

Dân Anh "bỏ của chạy lấy người"

Theo tờ The Guardian của Anh, thỏa thuận Brexit giữa London và EU cho phép công dân Anh có thể tới định cư tại bất kỳ quốc gia nào trong 27 nước còn lại và đòi quyền lợi trọn đời với tư cách là "công dân EU" đến hết ngày 31-12-2020.

Lo sợ trước một nước Anh tách biệt, nhiều người đã bán nhà cửa và chuyển tài sản sang lục địa kể từ năm ngoái. "Vợ chồng tôi thức dậy và làm bảng tính lúc 4h sáng. Chúng tôi quyết định không còn lúc nào hợp lý hơn để ra đi" - anh Andy Dutton kể lại việc bán căn nhà ở thành phố Manchester để tới Tây Ban Nha hồi tháng 10 năm ngoái.

Không ít người vẫn chọn giữ lại tài sản ở Anh, nhưng tất cả họ ra đi vì cùng một nỗi lo lắng chưa từng xuất hiện trong vòng nửa thế kỷ qua: điều gì sẽ xảy ra khi Anh rời khỏi EU?

Quan chức EU viết Quan chức EU viết 'thư tình' gửi Anh vụ Brexit

TTO - Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu viết 'thư tình' bày tỏ đau buồn khi Anh quyết định rời khối, nhưng cho biết 'em luôn được chào đón nếu quay lại'.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên