02/12/2021 13:36 GMT+7

Nông dân băn khoăn cách đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - 'Chúng tôi muốn được đào tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số từ cách chụp ảnh, bán hàng, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử thì sẽ học ở đâu?', nông dân ở Bắc Ninh đặt câu hỏi tại diễn đàn Nông dân chuyển đổi số.

Nông dân băn khoăn cách đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 6 - Ảnh: CHÍ TUỆ

Sáng 2-12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 6 chủ đề Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp.

Nông dân Hoàng Quang Đông (ở Hưng Yên) cho biết anh đang sản xuất, chế biến sản phẩm nghệ như bột nghệ, nghệ khô, tinh bột nghệ để phục vụ thị trường xuất khẩu.

"Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều mặt hàng phụ trợ, đầu vào tăng cao như cước vận tải, giá xăng dầu... khiến cước container lô hàng chúng tôi chuẩn bị xuất khẩu đi châu Âu lên tới 350 triệu đồng làm cho chúng tôi rất khó khăn.

Chúng tôi rất mong có được dự báo giá cước vận tải, giá xăng dầu... để các doanh nghiệp, người dân trong cả nước có thể ứng phó kịp thời", anh Đông đề nghị.

Trả lời câu hỏi của anh Đông, ông Nguyễn Quốc Toản - cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - cho hay nghệ và các sản phẩm từ nghệ đang có nhiều tiềm năng tại các thị trường xuất khẩu như Nhật Bản, Ấn Độ...

Tuy nhiên, để xuất khẩu nhiều và an toàn, hiệu quả, bà con cần lưu ý đến chất lượng và các lô hàng phải đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, tránh tình trạng hàng xuất đi bị trả về vì kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn.

Ông Toản cho biết cục luôn sẵn sàng hỗ trợ và phối hợp với các đại sứ quán, các cơ quan phía đối tác xuất khẩu để kết nối, phục vụ bà con xuất khẩu thuận lợi, hiệu quả.

Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch nên chuỗi logistics đứt gãy, giá cước vận tải tăng cao và khó dự đoán. Đây là vấn đề lớn rất cần nhiều đơn vị, cơ quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương.... vào cuộc để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

"Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục vào cuộc quyết liệt và phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn và có dự báo về thị trường cũng như giá cả các mặt hàng..., giúp bà con cân đối sản xuất và xuất khẩu", ông Toản nói.

Nông dân băn khoăn cách đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Nông dân Lê Văn Quyết đặt câu hỏi

Nông dân Nguyễn Thị Trâm (Bắc Ninh) cho biết Bắc Ninh là một trong những thủ phủ cà rốt ở miền Bắc, tuy nhiên nông dân chủ yếu xuất bán cà rốt thô, chưa có dây chuyền chế biến sâu, nâng cao giá trị cà rốt. 

"Chúng tôi muốn được đào tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số từ cách chụp ảnh, bán hàng, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử thì sẽ học ở đâu?", chị Trâm đặt câu hỏi.

Ông Chu Quang Hào - tổng giám đốc Công ty Bưu điện Việt Nam - cho hay trong năm 2021 này, đơn vị đã hỗ trợ 2,5 triệu hộ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Qua đó, nông sản, đặc sản của bà con nông dân sản xuất ra có cơ hội tiếp cận được đa dạng và đông đảo khách hàng.

"Hiện nay chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn", ông Hào nói.

Để hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực chuyển đổi số, ông Hào cho biết hiện hệ thống bưu điện Việt Nam đang phối hợp rất chặt chẽ với chính quyền địa phương và các sở, ngành lập danh sách, lựa chọn những sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lượng cao của từng hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

"Song song đó, nhân viên bưu điện sẽ tư vấn, hướng dẫn từng hộ gia đình không chỉ là cách đăng ký tài khoản, thiết lập gian hàng, đăng bán sản phẩm trên sàn, quy trình vận chuyển, thanh toán mà còn chia sẻ những kinh nghiệm để tăng tương tác, thu hút sự chú ý khách hàng", ông Hào nói thêm.

Nông dân băn khoăn cách đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 3.
Nông dân còn yếu thế, phải tìm giải pháp giảm khoảng cách đô thị - nông thôn Nông dân còn yếu thế, phải tìm giải pháp giảm khoảng cách đô thị - nông thôn

TTO - Đây là nhiệm vụ được Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đặt ra tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình hình thực hiện nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiều 1-12.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên