20/02/2024 21:13 GMT+7

Nông dân Ba Lan lại biểu tình, phong tỏa biên giới Ukraine

Cuộc biểu tình của nông dân diễn ra khắp Ba Lan với đỉnh điểm lần này là đổ ngũ cốc Ukraine xuống đường ray khiến Kiev tức giận.

Ngũ cốc của Ukraine bị đổ xuống đường ray trong cuộc biểu tình ở Ba Lan - Ảnh: Pravda.com.ua

Ngũ cốc của Ukraine bị đổ xuống đường ray trong cuộc biểu tình ở Ba Lan - Ảnh: Pravda.com.ua

Theo Hãng tin Reuters, các nông dân Ba Lan biểu tình trên toàn quốc ngày 20-2, phong tỏa gần như hoàn toàn biên giới với Ukraine và làm gián đoạn giao thông. Họ mang theo các biểu ngữ viết: "Ngũ cốc từ Ukraine sẽ làm nông dân Ba Lan phá sản".

Ông Adrian Wawrzyniak, người phát ngôn Hiệp hội Nông dân đoàn kết của Ba Lan, cho biết dù viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ được phép đi qua, nhưng toàn bộ xe vận tải hành khách và hàng hóa qua biên giới sẽ bị chặn. Các bến cảng và đường cao tốc cũng sẽ bị phong tỏa.

Một video đăng trên mạng xã hội Telegram cho thấy người biểu tình ở cửa khẩu Medyka đang mở toa tàu để đổ ngũ cốc xuống đường ray.

Phản ứng sau đó, Phó thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov đã chỉ trích "hành động khiêu khích chính trị khác nhằm chia rẽ các quốc gia". Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng cảnh báo tình hình ở biên giới Ba Lan là "sự xói mòn tình đoàn kết".

Ba Lan là một trong những đồng minh trung thành nhất của Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine đầu năm 2022. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ở biên giới đã khiến quan hệ căng thẳng.

Tức giận trước các cuộc biểu tình ở Ba Lan, các công nhân vận tải Ukraine cũng bắt đầu cuộc biểu tình phản đối suốt ngày đêm tại ba cửa khẩu. Cuộc biểu tình của họ dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 15-3 với các thông điệp như "Ukraine thua, Ba Lan cũng thua".

Ukraine cảnh báo các cuộc biểu tình đang ảnh hưởng đến năng lực phòng thủ của nước này, trong khi có lợi cho Nga.

Việc xuất khẩu ngũ cốc qua hành lang Ba Lan là vấn đề sống còn của Ukraine do chiến sự làm gián đoạn các tuyến vận chuyển ở Biển Đen. 

Kiev cũng khẳng định xuất khẩu nông sản của nước này qua Đông Âu không gây thiệt hại cho thị trường EU.

Tuy nhiên, sự đổ bộ của nông sản Ukraine đã khiến các công ty hậu cần và nông dân Ba Lan tức giận, cho rằng các đối thủ Ukraine đang bán rẻ hơn.

Ukraine đang đàm phán với nước láng giềng về thỏa thuận hạn chế nhập khẩu có thể đạt được vào cuối tháng 3-2024.

Trên khắp châu Âu, những người nông dân giận dữ đã xuống đường phản đối chi phí tăng, giá nhiên liệu cao, nạn quan liêu, các đòi hỏi về vấn đề môi trường cũng như Thỏa thuận xanh về giảm khí thải nhà kính.

Biểu tình khắp châu Âu vì Ukraine và biến đổi khí hậuBiểu tình khắp châu Âu vì Ukraine và biến đổi khí hậu

Nông dân tại nhiều nước châu Âu tiếp tục biểu tình phản đối chính sách chống biến đổi khí hậu, cũng như ảnh hưởng từ việc cho phép nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên