Liên tục những vụ ngộ độc botulinum sau khi ăn cá muối ủ chua ở huyện Phước Sơn, chính quyền và ngành y tế tìm nguyên nhân tại sao món truyền thống bao đời nay lại bị mang tiếng.
Món truyền thống bao đời
"Món ăn truyền thống, đặc sản vùng cao" - nhiều người dân nhủ vậy khi nhắc đến món cá muối ủ chua.
Thôn 2, xã Phước Đức, nơi xảy ra vụ ngộ độc đầu tiên ở huyện Phước Sơn, một người chết, bốn người nhập viện cấp cứu sau khi ăn cá chép muối ủ chua do một hộ dân tổ chức.
Những căn nhà gỗ thấp lè tè cũ kỹ, người Giẻ Triêng ngồi tụm năm tụm bảy, đến giờ vẫn chưa hiểu sao lâu nay họ vẫn ăn món truyền thống đó mà đến nay bị ngộ độc.
"Đó là món gì?". Ông Hồ Văn Vế (59 tuổi) kéo tôi bảo: "Về nhà, còn một hũ, gia đình sáng nay vẫn còn ăn". Rồi ông đem một hũ ủ chua với những con cá rô phi bé chừng một, hai ngón tay, trộn lẫn trong thứ bột gạo đã ngã màu vàng sền sệch, có vị chua chua, mặn mặn, cay cay.
"Tui ăn từ khi còn nhỏ", ông Vế nói.
Theo bà Hồ Thị Thân (vợ ông Vế), món này làm đơn giản. Cá rửa sạch, bỏ ruột, ướp với muối, sau đó dùng cơm nguội, bột gạo hay ngô, ớt tẩm ướp, bỏ vào hũ đậy kín, sau 10 ngày là ăn được. Gia đình bà thường lấy cá suối, rô phi, cá niên để làm.
Có những nhà trong thôn làm rất nhiều hũ để ăn dần và để nguyên vậy ăn chứ không nấu chín.
"Ở thôn có mấy người ngộ độc, mình không sợ à?". Bà Thân nói: "Sợ, nhưng cá này nhà tôi nuôi trong ao bắt lên, còn cá chép mà mấy người trong thôn ăn là mua từ những người chở đi bán dạo. Gia đình tôi ăn hai hũ rồi có sao đâu".
Anh Hồ Văn Đang (31 tuổi) nói rằng đây là món truyền thống, đặc sản dân trong thôn, có mặt trong các lễ hội. Thường người dân hay dùng cá bắt dưới suối, ao lên rất tươi để ủ chua chứ ít khi dùng cá mua từ người bán dạo.
Còn ông Hồ Văn Điền, chủ tịch UBND xã Phước Đức, nói cá muối ủ chua người dân tự làm là món đặc sản từ xưa đến giờ. Tùy theo cách ăn, có người để nguyên vậy ăn hoặc sẽ hâm nóng, nấu chín.
Ngộ độc bất ngờ
Những người bị ngộ độc ở thôn 2 bắt nguồn từ món cá chép muối ủ chua ở lễ đâm trâu do gia đình bà Hồ Thị Nhương tổ chức vào đầu tháng 3. Oái ăm thay, bà tổ chức lễ đâm trâu để cúng vì con trai bà, anh Hồ Văn Hát (29 tuổi) bị ốm, thực chất là anh cũng bị ngộ độc từ món cá chép muối ủ chua do bà mua từ người chở đi bán dạo.
Chữa trị ở Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn một ngày, Hát tự về nhà khiến bệnh nặng hơn, phải cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
Ngoài các món thịt trâu, tiệc của bà Nhương còn có món cá chép muối ủ chua. Sau khi ăn, bốn người bị ngộ độc, trong đó bà Nguyễn Thị Thông tử vong.
"Thấy bà con bị ngộ độc giờ mình sợ luôn, không dám ăn món đó nữa", bà Nhương lắc đầu.
Căn nhà của ông Hồ Văn Đức đượm cảnh đìu hiu, vợ ông bị ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua đã qua đời, bàn thờ còn nghi ngút khói hương, bỏ lại ba đứa con nhỏ dại còn tuổi ăn tuổi học.
"Vợ mình sau khi ăn về bị nôn, đưa vào trạm y tế rồi bệnh viện, nhưng nặng quá phải mất", ông Đức nghẹn giọng.
Vụ ngộ độc khiến nhiều người dân trong thôn thấp thỏm. "Món này tôi vẫn ăn từ xưa đến giờ, không biết nay tại sao ăn lại bị ngộ độc, chúng tôi đang đợi ngành y tế trả lời thắc mắc này", bà Hồ Thị Nền (70 tuổi) nói.
Vận động bà con tạm dừng ăn
"Đi từng ngõ, gõ từng nhà", đó là giải pháp chính quyền đang ráo riết thực hiện nhằm tuyên truyền cho bà con về an toàn vệ sinh thực phẩm sau những vụ ngộ độc. Chính quyền huyện Phước Sơn có công văn khẩn tăng cường tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các xã đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về kiến thức an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống ngộ độc nhằm nâng cao nhận thức, thói quen ăn uống không đảm bảo an toàn, nhất là những thức ăn truyền thống của địa phương như gỏi sống, cá muối ủ chua, mua thực phẩm bán dạo không rõ nguồn gốc.
Sử dụng thực phẩm phải hợp vệ sinh "ăn chín, uống sôi" để phòng chống ngộ độc.
Ông Đỗ Hoài Xoan, phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết đối với món cá muối ủ chua, ở huyện lâu nay hay sử dụng món truyền thống là cá suối, nhất là cá niên ủ chua, thường dùng cá tươi, không biết sao người dân sử dụng cá chép để làm món đó.
Mới đây đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang cũng lấy mẫu cá muối ủ chua ở Phước Sơn nhằm tìm nguyên nhân. Đây là những mẫu cá muối ủ chua người dân vẫn sử dụng bình thường để kiểm tra, đối chiếu với mẫu bị ngộ độc botulinum type E trước đó, nhằm có những đính chính về trường hợp ngộ độc cá muối ủ chua.
Tuy nhiên hầu hết người dân đã tiêu hủy sau khi xuất hiện hàng loạt ca ngộ độc, chỉ còn một số ít là đang cất giữ. Theo người dân, đây là những con cá được đánh bắt từ sông suối, khác hoàn toàn với mẫu cá muối ủ chua bị ngộ độc do mua từ thương lái.
Ông Lưu Huyền Thoại, chủ tịch UBND xã Phước Lộc, kể rằng sau khi huyện có công văn khẩn, địa phương này đã cử người đến tận nhà người dân vận động bà con ngưng sử dụng món cá muối ủ chua để đợi cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân xảy ra ngộ độc.
"Chúng tôi đã vận động bà con tự tiêu hủy gần 20kg cá muối ủ chua", ông Thoại nói. Và đang dở câu chuyện với ông Thoại, tôi nghe tin ở huyện Phước Sơn vừa có thêm hai người nhập viện điều trị do ngộ độc sau khi ăn cá muối ủ chua.
3 chùm ca bệnh ở huyện Phước Sơn với 10 người nhập viện, trong đó có 1 người tử vong. Sau khi được điều trị bằng thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), 3 bệnh nhân ngộ độc nặng đã cai máy thở, tự thở được, 6 người còn lại đã ổn định.
Sở Y tế Quảng Nam cho hay độc tố clostridium botulinum mà các bệnh nhân mắc phải là hết sức nguy hiểm.
Theo bác sĩ Lê Minh Dũng - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, cả 3 chùm ca bệnh ở huyện Phước Sơn cùng ăn một loại thức ăn là cá chép muối ủ chua.
Trong quá trình chế biến loại thức ăn này, cá được bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2 - 3 tuần mới lấy ra ăn, đây là yếu tố tạo điều kiện cho vi khuẩn clostridium botulinum phát triển. Người bệnh khi ăn phải loại vi khuẩn này sẽ gây ra tình trạng ngộ độc rất nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Mai Văn Mười, giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho hay mặc dù ngành y tế cũng như chính quyền tuyên truyền, vận động người dân, tuy nhiên món cá muối ủ chua là món ăn truyền thống của họ nên vẫn có trường hợp ăn và nhập viện. Hiện vẫn chưa lý giải được tại sao lâu nay người dân vẫn dùng món đó mà đến nay lại bị ngộ độc.
"Có khi do quá trình chế biến không đảm bảo, mua nguyên liệu đông lạnh không đảm bảo để làm món ủ chua, vi khuẩn phát triển trong môi trường kỵ khí, sinh hơi", ông Mười nói và cho biết thêm đã mời Viện Pasteur Nha Trang đến huyện Phước Sơn truy vết, lấy mẫu cá muối ủ chua tìm hiểu nguyên nhân để có hướng xử lý, phòng ngừa tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận