05/10/2017 15:05 GMT+7

'Nỗi nhục Sputnik' của Mỹ đã thay đổi nhân loại ra sao?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Cách đây đúng 60 năm, Liên Xô phóng lên quỹ đạo vệ tinh đầu tiên của nhân loại - Sputnik. Sự kiện được mô tả là "cú sốc cho người Mỹ" cũng chính thức khơi mào cuộc chạy đua không gian kéo dài đến tậnn ngày nay.

Nỗi nhục Sputnik của Mỹ đã thay đổi nhân loại ra sao? - Ảnh 1.

Cách đây 60 năm, vệ tinh đầu tiên của nhân loại đã thay đổi hoàn toàn bức tranh khoa học - kỹ thuật của thế giới và nước Mỹ - Ảnh: AFP

Lúc 20g07 tối thứ sáu ngày 4-10-1957, trạm liên lạc của Tập đoàn Phát thanh Hoa Kỳ (RCA) tại thị trấn Riverhead, Long Island (Mỹ) bắt được một tín hiệu chưa từng được nghe thấy trên trái đất. Một tiếng "beep" cao và kéo dài xuất hiện trên các kênh vô tuyến sóng ngắn, báo hiệu nhân loại đã chuyển thành công một vật thể ra khỏi bầu khí quyển.

Chỉ trong vài giờ sau thông báo, giới thiên văn nghiệp dư tại Mỹ đổ ra quan sát bầu trời và chứng kiến một vật thể có ánh sáng le lói bay vòng quanh trái đất với vận tốc gần 29.000 km/h theo hướng tây sang đông.

Sự kiện đó đã gây ra "một cơn bấn loạn" ở Mỹ: Người Nga đã vượt mặt họ để đưa vệ tinh đầu tiên lên vũ trụ! Sputnik là tên của vệ tinh Liên Xô, trong tiếng Nga cũng có nghĩa là "vệ tinh" hoặc "người đồng hành".

Ngẩn ngơ, ông G. Mennen Williams - thống đốc bang Michigan lúc đó còn làm một bài thơ tặng Tổng thống Dwight D. Eisenhower, đại ý như sau: "Ôi Sputnik bé nhỏ/ Bay cao với một tiếng beep "Made in Moscow"/ Em nói với thế giới đây là bầu trời Cộng sản/ Còn chú Sam thì đang ngủ say".

Được yêu cầu "phát biểu cảm nghĩ" bởi báo chí, đô đốc hải quân Rawson Bennett, người phụ trách chương trình vệ tinh của Mỹ thời đó "giả ngơ": "Chúng tôi đâu có đua với Liên Xô đưa vệ tinh lên không gian".

Nỗi nhục Sputnik của Mỹ đã thay đổi nhân loại ra sao? - Ảnh 2.

Phi hành gia Buzz Aldrin của Mỹ đặt chân lên Mặt trăng năm 1969 - Ảnh: NASA

Cuộc đua bắt đầu

Có lẽ những người duy nhất không bị sốc bởi vụ phóng thành công của Sputnik là các nhà khoa học. Cả Liên Xô và Mỹ trước đó đều tuyên bố sẽ đưa vệ tinh lên quỹ đạo trong khuôn khổ chương trình hành động kéo dài 18 tháng gọi là "Năm vật lý địa cầu quốc tế" (IGY).

Tổng cộng có 67 quốc gia và 4.000 viện nghiên cứu khắp thế giới tham gia IGY. Không chỉ khám phá không gian, chương trình này còn bao gồm các chuyến thám hiểm đến các ngóc ngách của quả địa cầu, những nơi con người còn ít sự hiểu biết.

Cho đến ngày 4-10-1957, công chúng không mấy người biết IGY là gì. Nhưng tiếng "beep" sau đó của Sputnik đã thông báo cho cả thế giới. 

Sputnik đã tạo ra một hiệu ứng Trân Châu Cảng trong dư luận tại Mỹ. Đó là một cú sốc giới thiệu công chúng với kỷ nguyên không gian, nhưng lại trong một bối cảnh khủng hoảng (chiến tranh lạnh - pv).

Nhà sử học NASA Roger Launius.

Sputnik trở thành một động lực ghê gớm đối với nước Mỹ. Không chịu được nỗi nhục ở vị trí số 2, xứ cờ hoa bắt đầu đào tạo hàng loạt sinh viên các ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học với để đuổi theo Liên Xô. 

Chưa đầy 1 năm sau khi vệ tinh Sputnik bay lên trời, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Phòng vệ và giáo dục quốc gia, vung hàng núi tiền cho công tác nghiên cứu khoa học của các trường đại học và thành lập chương trình cho vay sinh viên cấp liên bang đầu tiên.

Và trong dư âm của Sputnik, Mỹ lập ra Cơ quan Hàng không và vũ trụ quốc gia (NASA), chính thức đặt chương trình không gian dưới lớp vỏ bọc dân sự, không còn lệ thuộc vào quân đội.

Những bước tiến thần tốc

Cuộc cạnh tranh khoa học giữa Liên Xô - Mỹ nóng lên chủ yếu do cao trào của Chiến tranh lạnh. Hai cường quốc không gian tiếp tục ganh đua nhau trong nhiều năm sau ngày chinh phục thành công Mặt trăng (từ 1959 - 1969), mãi cho đến tận sứ mệnh Apollo - Soyuz năm 1975 mới tạm hạ nhiệt.

Ngày 15-7-1975, tàu không gian Soyuz của Liên Xô và Apollo của Mỹ được phóng thành công lên không gian chỉ cách nhau vài giờ. Hai ngày sau, hai tàu kết nối thành công trong vũ trụ khi đang bay ngang Đại Tây Dương. Cả thế giới được chứng kiến cảnh tượng các phi hành gia của hai nước chào nhau nồng nhiệt.

Nỗi nhục Sputnik của Mỹ đã thay đổi nhân loại ra sao? - Ảnh 4.

Tàu Apollo của của Mỹ được phóng lên không gian ngày 15-7-1975 - Ảnh: NASA

Cái ngày lịch sử đó đã trôi qua được 42 năm.

Cùng nhìn lại, các nhà sử học cho rằng cả Liên Xô và Mỹ tiến bộ thần tốc cũng là nhờ cạnh tranh lẫn nhau, nếu chỉ một thân một mình chưa chắc một trong hai nước đã đạt được tất cả những thành quả đó. Cuộc đua đã thúc đẩy họ liên tục sáng tạo, thách thức giới hạn kỹ thuật và mở rộng ranh giới khả năng con người.

Người chiến thắng trong cuộc đua không gian không phải Mỹ hay Liên Xô. Đó là tất cả chúng ta. Không có nó, nhân loại sẽ không có vệ tinh thời tiết, viễn thông, GPS. Chúng ta thậm chí không thấy được Mặt trăng chứ đừng nói gì những thế giới khác.

Nguyệt san Popular Science của Mỹ

Cuộc đua chinh phục không gian thật ra không có người chiến thắng tuyệt đối, vì đích đến cứ mỗi ngày lại dịch ra xa hơn. Năm 2003, Trung quốc chính thức đã gia nhập câu lạc bộ không gian của Mỹ và Nga khi trở thành nước thứ ba trên thế giới đưa người lên vũ trụ.

Hiện tại, Trung Quốc và Nga là hai nước duy nhất có khả năng thực hiện các sứ mệnh có người lái do chương trình tàu không gian của Mỹ đã kết thúc hồi năm 2011.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng đang lục tục nhìn lên bầu trời. Thế giới hiện có 71 quốc gia và tổ chức quốc tế sở hữu cơ quan không gian riêng. Các công ty vũ trụ tư nhân, chẳng hạn SpaceX của Mỹ, thường xuyên phóng tàu chở hàng lên không gian và không giấu giếm tham vọng sẽ đưa người lên sao Hỏa.

Rất nhiều thứ đã thay đổi trong 60 năm qua - và mọi thứ bắt đầu với tiếng "beep" của Sputnik.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên