07/09/2023 09:49 GMT+7

Nổi hạch dưới cằm suốt 4 năm, liệu có mắc bệnh?

Em năm nay 17 tuổi, có khoảng 2 cục hạch tầm 1cm mọc ở dưới cằm. Những hạch này xuất hiện đã khoảng tầm 4 năm, liệu việc nổi hạch này có nguy cơ mắc bệnh gì không ạ?

Tổng cộng có trên 600 hạch bạch huyết trong cơ thể - Ảnh minh họa

Tổng cộng có trên 600 hạch bạch huyết trong cơ thể - Ảnh minh họa

Hạch di động được, không đau, không phát triển to ra, em từ lâu đã không thể tăng cân được dù ăn nhiều đến đâu vẫn vậy. Cho em hỏi loại hạch này là gì và có sao không ạ?

Đây là câu hỏi của bạn đọc L.X. gửi đến chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc của Tuổi Trẻ Online.

Về tình trạng mà bạn X. chia sẻ, tiến sĩ Nguyễn Văn Lợi - phó trưởng khoa ngoại lồng ngực, Bệnh viện K - nhận định nếu như trong suốt thời gian nổi hạch mà sức khỏe bạn bình thường, không bị sụt cân thì có thể là viêm hạch phản ứng. Bên cạnh đó, bạn cũng mắc viêm tai ngoài nên có thể gây nên tình trạng này.

Theo bác sĩ Lợi, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám, làm các xét nghiệm để được chẩn đoán và tư vấn.

Về tình trạng sưng hạch, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, khoa khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Nhi trung ương, cho hay hạch (còn gọi là hạch bạch huyết hay hạch lympho) là một bộ phận của hệ bạch huyết trong cơ thể.

Hệ bạch huyết gồm có dịch bạch huyết, mạch bạch huyết, amidal, tuyến ức, lá lách và các hạch lympho. Tổng cộng có trên 600 hạch bạch huyết trong cơ thể. Theo đó, một phần trong số đó nằm bên dưới bề mặt của da, một số khác lại nằm sâu trong khoang ngực, khoang bụng.

Trong dịch bạch huyết có chứa các tế bào bạch cầu và các thứ khác giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng. Khi chất dịch này di chuyển qua mạch bạch huyết (một mạng lưới tĩnh mạch chạy song song với hệ thống tuần hoàn máu), được lọc bởi các hạch bạch huyết. Bất kỳ một điều gì bất thường, ví dụ như các tác nhân truyền nhiễm hay tế bào ung thư sẽ bị bắt giữ để trung hòa.

Ngoài ra, hạch bạch huyết cũng có thể đáp ứng với hiện tượng dị ứng xảy ra trên da hoặc gần mũi, họng và tai. Vì vậy, hạch bạch huyết có thể bị sưng nếu bị côn trùng cắn hoặc bị sốt. Đây là một phản ứng bình thường của cơ thể.

Theo đó, một số vị trí hạch có thể xuất hiện phía ngoài cơ thể sát da như: chẩm (phía sau đầu), phía trước và sau tai; dưới hàm và dưới cằm, mặt, phía trên xương đòn; cổ tử cung trước và sau; phía trên xương đòn, nách, dưới khuỷu tay; khoeo chân; bẹn (ở vùng háng).

Bệnh hạch bạch huyết có thể khu trú hoặc lan rộng. Bệnh hạch bạch huyết toàn thân thường nghiêm trọng hơn và có thể liên quan đến nhiễm vi rút, rối loạn tự miễn dịch hoặc các bệnh ít phổ biến như ung thư hoặc bệnh lao.

"Trên thực tế, hạch vùng cổ của trẻ có thể sờ thấy, thậm chí ngay cả khi trẻ khỏe mạnh. Nếu hạch có kích thước nhỏ hơn 2cm, không đau, di động, không sưng nóng, có thể thấy 1 hoặc vài hạch liên tiếp nhau nhưng không dính vào nhau. Bên cạch đó, hạch không có biểu hiện gì khác thì phần lớn là hạch bình thường, có thể có một số hạch đặc biệt là ở vùng cổ, nách và bẹn.

Nếu phát hiện trẻ có hạch kèm theo một số triệu chứng khác như sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, bị sụt cân, mệt mỏi và đổ mồ hôi về đêm có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó cần được bác sĩ khám và tư vấn", bác sĩ Hằng cho hay.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Thường bị sốt nổi hạch hàm, tiêu chảy, liệu có dính HIV?Thường bị sốt nổi hạch hàm, tiêu chảy, liệu có dính HIV?

Khi bị các triệu chứng này liệu có bị HIV?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên