Giá xăng tăng kéo mọi thứ tăng theo, từ mớ rau, con cá cho tới chi phí đi lại.
Chị Khánh - một bà nội trợ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM - cho biết trước đây một ổ bánh mì thịt ăn sáng giá chỉ 12.000 đồng nhưng nay đã lên 20.000 - 25.000 đồng, tô phở trước đây tiệm gần nhà bán 30.000 đồng nay treo giá mới 40.000 đồng. Trước cầm 500.000 đồng đi chợ phải hai ngày mới sử dụng hết thì nay đi một buổi chợ đã hết veo.
Trong khi đó, thu nhập của chị trong hai năm qua sụt giảm khá nhiều do dịch COVID-19 nên để thu vén đủ trong số lương đó, chị buộc phải thắt lưng buộc bụng, chất lượng cuộc sống gia đình đi xuống thấy rõ.
Tâm trạng của chị Khánh cũng đại diện cho những người làm công ăn lương khi chứng kiến cơn bão giá thời gian qua khiến thu nhập của họ ngày càng nhỏ nhoi, trong khi mức giảm trừ cho người lao động lẫn người phụ thuộc lại quá lạc hậu, khiến cho người nộp thuế có cảm giác bị vắt kiệt sức lao động.
Thực tế từ năm 2020 đến nay giá cả đã tăng rất nhiều nên mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng cho người lao động và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống hiện nay, nhất là tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Thế nhưng Bộ Tài chính vẫn sợ rằng "nếu giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công thì đối tượng được hưởng chủ yếu sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao, không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch...".
Nhiều chuyên gia nói nếu ngành thuế nói sợ giảm thuế TNCN sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao thì cần làm rõ thế nào là "nhóm có thu nhập cao". Vừa qua dịch giã rất khó khăn, sau dịch lại học online suốt nhiều tháng. Rất nhiều gia đình rơi vào cảnh chỉ còn vợ/chồng đi làm, người kia mất việc hoặc phải ở nhà chăm con.
Thế nên một người "có thu nhập cao" đó trước chỉ phải gồng gánh 1 người thì giờ phải lo cho 4 miệng ăn, chưa kể phát sinh hàng loạt chi phí do dịch COVID-19. Vậy thì người mà ngành thuế mặc định là "thu nhập cao" đó giờ có còn là thu nhập cao nữa hay không?
Chưa kể, người vợ nếu thất nghiệp vẫn không được xem là người phụ thuộc của chồng do chưa hết tuổi lao động, nên việc người chồng vẫn bị thu thuế TNCN triệt để theo biểu thuế lũy tiến từng phần dày đặc hiện nay là quá cứng nhắc và không đúng với tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu.
Dịch bệnh đã quá khó khăn, hơn lúc nào hết ngành thuế cần mau chóng đề xuất sửa đổi ngay các quy định bất hợp lý này trong đợt sửa luật thuế TNCN tới và áp dụng ngay cho kỳ tính thuế năm 2022.
Trong đó, quan trọng nhất mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để mỗi năm khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo, thay vì cột cứng ở mức cố định như hiện nay khiến người lao động thiệt đơn thiệt kép.
Ngoài ra, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động vì mức 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay đã quá lạc hậu.
Nếu làm được như vậy sẽ đúng với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận