Qua bao "bể dâu", việc sáng thức giấc nhận tin mất việc chẳng còn là chuyện lạ lẫm. Khi đang phải gồng mình trả lãi để nuôi giấc mơ an cư thì nỗi sợ ấy chắc chắn còn khủng khiếp hơn, nhất là với những lao động, người trẻ không có thu nhập quá cao.
Vai trưởng phòng nhưng "nhạc nào cũng nhảy"
"Từ việc thất nghiệp cả năm trời, không đủ tiền đóng nhà trọ, tôi quyết tâm mua nhà", chị T. cười.
Và đúng thật, đùng một hôm cuối tuần hồi tháng 4 rồi, chị nhắn rủ số ít bạn thân sang quận 8 vui bữa cơm tân gia.
Trước sự ngỡ ngàng, chị kể vì quá muốn thoát cảnh ở trọ nên liều ký giấy vay, đặt mua nhà.
Gọi liều là đúng vì giá căn hộ chung cư chị mua gần 2 tỉ (rộng gần 70m2), trong khi toàn bộ gia sản có đúng 40 triệu đồng. Bài toán được giải bằng cách vay gia đình 400 triệu đồng. 1,6 tỉ đồng còn thiếu thì đã có ngân hàng lo, trả lãi suất ưu đãi 6% cho 3 năm đầu, 22 năm sau thay đổi tùy ngân hàng.
Lương của trưởng phòng truyền thông mà chị T. nhận được mỗi tháng khoảng 32 triệu đồng. Phải đóng hơn 21 triệu đồng/tháng cho ngân hàng, số còn lại để tiêu pha chưa chắc đủ.
Một số nơi mời chị T. về làm việc với mức lương cao hơn, nhưng chị từ chối vì sợ. Thời điểm này, có một chỗ làm ổn định vẫn hơn chạy nhảy lung tung.
Nương theo đợt cắt giảm nhân sự của công ty, từ trưởng phòng, chị T. vào vai "thợ đụng". Nghe thì lạ nhưng coi vậy mà rất hiệu quả, với một người đang cần tăng thu nhập như chị thì quá tốt.
Từ truyền thông, chị sang nhóm phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, kế hoạch, pháp lý, thậm chí là tư vấn viên, bán hàng… cũng "nhảy tốt".
"Trưởng phòng cho oách vậy, chứ thời nay thất nghiệp khi nào không biết đâu", chị T. nói.
Ăn rau mỗi ngày, giảm cân lại tiết kiệm
Giây phút đặt bút ký vay khoản tiền hơn 1,2 tỉ đồng để trả bù cho căn chung cư, Văn Trọng (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) xác định sẽ phải nỗ lực hơn, tiết kiệm lại.
Trọng vốn là dân kinh doanh bất động sản, nhưng khi thị trường ảm đạm suốt thời gian qua, thu nhập mỗi tháng từ vài chục triệu đồng nay chỉ còn chưa đầy 8 triệu đồng. Khoản đó chưa đủ để trả ngân hàng, nên anh phải làm nhiều công việc hơn.
Thông qua các hội nhóm tìm - tuyển việc freelancer, bất kỳ công việc gì làm được Trọng đều nhận. Có nhiều việc dù hơi trái tay, nhưng vì "lương" cao nên Trọng cũng liều gật đầu, xem như vừa học vừa làm, vừa có thêm kinh nghiệm vừa có tiền trang trải.
Có nhiều đợt kiếm mãi không ra việc bán thời gian, Trọng còn đăng ký làm tài xế công nghệ. Tranh thủ chạy vài tiếng mỗi đêm cũng giúp anh kiếm thêm vài triệu đồng, phụ thêm tiền ăn uống.
Thùy Ngân (31 tuổi, ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) nói để được sống trong căn nhà chính chủ, thoát cảnh ở trọ thì gần như thay đổi mọi thói quen cũ, nhất là khi tiền lương 14 triệu đồng/tháng chỉ đủ trả ngân hàng.
Thay vì thường xuyên đi cà phê để làm việc, nay Ngân ở nhà. Hạn chế tham gia các cuộc hẹn rất tốn kém như trước, nếu tiện thì cô tự đi chợ, nấu nướng và tổ chức tiệc ở nhà.
Sở thích ăn thịt, các món nướng trước đó cũng được Ngân thay đổi hoàn toàn. Gần như các bữa cơm ở căn nhà mới đa phần đều là các món rau.
Để ngon hơn, Ngân thay đổi cách chế biến liên tục. Từ rau muống xào tỏi, cải thìa xào, rau lang luộc, canh rau "tập tàng" và món canh từ nước luộc rau, thêm một ít chanh, gia vị cũng bắt miệng vô cùng.
"Ăn riết cũng quen đó nha. Dù cũng là rau thôi nhưng tùy loại rau, thay đổi cách nấu liên tục là ngon liền. Mấy lần vội quá thì sửa sạch xà lách, thêm ít cà chua bi, rưới xốt lên lại thành salad '5 sao' ngay, tiện mà ngon, tiết kiệm vô cùng", Ngân hóm hỉnh tiết lộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận