Vẫn giữ nguyên truyền thống mọi năm, những chủ nhân mới của giải thưởng Nobel 2021 sẽ lần lượt được công bố trong tuần này, trong đó sớm nhất là Nobel y học (chiều 4-10), tiếp theo đó là các giải Nobel vật lý, hóa học, văn học và hòa bình. Giải Nobel kinh tế được công bố cuối cùng, vào chiều 11-10.
Theo Hãng tin AFP, những người tiên phong trong công nghệ mRNA dùng để tạo ra các loại vắc xin COVID-19 của các hãng dược phẩm Moderna và Pfizer/BioNTech là ứng viên sáng giá cho giải thưởng y học hoặc hóa học năm nay.
Những vắc xin được tạo ra bằng công nghệ mRNA đã được tiêm cho hơn 1 tỉ người trên khắp thế giới, trong cuộc chiến chống lại căn bệnh đã cướp đi mạng sống của hơn 4,8 triệu người.
Nhà báo chuyên viết về khoa học người Thụy Điển Ulrika Bjorksten đánh giá: "Sẽ là sai lầm nếu Ủy ban Nobel không trao giải cho công nghệ mRNA".
Nhà báo này cho rằng Katalin Kariko từ Hungary và Drew Weissman của Mỹ - hai nhà khoa học tiên phong trong công nghệ vắc xin mRNA - hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này.
Kariko và Weissman đã nhận được nhiều giải thưởng chuyên ngành, như giải Lasker cho nghiên cứu y học cơ bản, một giải được coi như "giải Nobel của Mỹ".
Mặc dù vậy, ông David Pendlebury - nhà phân tích thuộc Viện khoa học thông tin thuộc Công ty nghiên cứu Clarivate, nổi tiếng với những dự báo về giải Nobel thường niên - cho rằng còn quá sớm để các nghiên cứu về vắc xin COVID-19 được ghi nhận tại giải Nobel.
Theo ông, Hội đồng Nobel có xu hướng bảo thủ và luôn chờ ít nhất 10 năm trước khi vinh danh nhà khoa học. Ông Pendlebury dự đoán Hội đồng Nobel có thể trao giải thưởng cho nhà nghiên cứu Jacques Miller (người Pháp - Úc), với khám phá về tổ chức và chức năng của hệ miễn dịch vào thập niên 60 của thế kỷ trước, đặc biệt là tế bào B và tế bào T, có nhiều ý nghĩa đối với nghiên cứu về vắc xin.
Theo ông Pendlebury, không hiếm nữ học giả có tiềm năng đoạt giải Nobel năm nay. Jocelyn Bell Burnell, nhà vật lý đến từ Bắc Ireland, có khả năng cao đoạt giải nhờ nghiên cứu về sao xung - một trong những phát hiện thiên văn quan trọng nhất thế kỷ 20.
Trong khi đó, giải Nobel y học cũng có thể sẽ xướng tên nhà di truyền học người Mỹ Mary-Claire King - người đã phát hiện đột biến BRCA và mối liên quan với nguy cơ ung thư vú năm 1990, giúp xác nhận nguy cơ ung thư di truyền.
Một nhà khoa học khác được ông Pendlebury đánh giá cao trong năm nay là giáo sư Ho Wang Lee thuộc Đại học Hàn Quốc tại Seoul với công trình xác định và cô lập virus Hanta - họ virus lây lan qua chuột và gây ra nhiều bệnh trên khắp thế giới.
Tính đến nay, chưa có học giả Nobel người da màu nào trong lĩnh vực vật lý, hóa học và y học. Một ứng viên tiềm năng người da màu ở lĩnh vực y học là bác sĩ và nhà nghiên cứu người Mỹ Marilyn Hughes Gaston cùng công trình về bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, hội chứng di truyền trong đó cơ thể không thể sản sinh hồng cầu bình thường.
Đài CNN dẫn số liệu thống kê trên các trang dự đoán kết quả giải Nobel 2021, cho thấy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là ứng viên tiềm năng cho giải Nobel hòa bình năm nay, sau 18 tháng dẫn dắt thế giới ứng phó đại dịch COVID-19. WHO là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành COVAX - sáng kiến phân phối công bằng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu.
Theo ông Henrik Urdal - giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (Na Uy), đại dịch COVID-19 là một bối cảnh quan trọng cho giải thưởng Nobel năm nay. Mặc dù vậy, ông cho rằng khúc mắc chính còn nằm ở chỗ công tác triển khai vắc xin tới các nước nghèo còn quá chậm chạp.
Năm ngoái, WHO cũng được đề cử giải Nobel hòa bình. Tuy nhiên, giải thưởng này cuối cùng được trao cho Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc, với thành tích giúp đỡ gần 100 triệu người ở 88 quốc gia khác nhau.
Một cái tên đáng chú ý khác trong danh sách các ứng cử viên cho giải Nobel hòa bình 2021 là phong trào Black Lives Matter - vốn nổ ra trên toàn thế giới sau cái chết của George Floyd (một người Mỹ gốc Phi) vào năm 2020.
Nhà lập pháp Na Uy Petter Eide cho biết ông đã đề cử Black Lives Matters để kêu gọi sự nhận thức của toàn cầu về vấn đề công bằng chủng tộc.
Trong bối cảnh Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26 sẽ diễn ra tại Glasgow (Anh) vào tháng 11, mọi sự chú ý cũng dồn về "chiến binh vì khí hậu" người Thụy Điển Greta Thunberg.
Đối với giải thưởng Nobel văn học, trong số những cái tên được giới quan sát nhắc đến có nhà văn Peter Nadas của Hungary, Margaret Atwood của Canada, nhà thơ Adonis của Syria và tác giả Nuruddin Farah (người Somalia).
Một số gương mặt mới nổi cũng được đánh giá cao về khả năng đoạt giải, như Vikram Seth của Ấn Độ và nhà văn người Mozambique - Mia Couto. Năm ngoái, vinh dự này đã thuộc về nhà thơ Mỹ Louise Gluck.
Có 329 cá nhân được đề cử cho các hạng mục của giải Nobel 2021. Tuy nhiên, như đã thành thông lệ từ 50 năm qua, danh sách đầy đủ của các ứng cử viên không được ban tổ chức công bố.
Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 theo di chúc của Alfred Nobel, nhà phát minh - nhà từ thiện người Thụy Điển, để lại năm 1895.
Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực y học, hóa học, vật lý, văn học, hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel kinh tế.
Năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm (Thụy Điển) sẽ không thể diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo thông báo ngày 23-9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ.
Nếu như không có đại dịch COVID-19, những người đoạt các giải thưởng danh giá này sẽ đến Stockholm để trực tiếp nhận huy chương và bằng khen từ tay nhà vua Thụy Điển trong một buổi lễ trang trọng được tổ chức vào tháng 12 hằng năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận