26/03/2021 17:00 GMT+7

Phong trào phản đối đảo chính Myanmar được đề cử Nobel Hòa bình

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Phong trào phản đối đảo chính (CDM) ở Myanmar đã được 6 giáo sư khoa học xã hội thuộc Đại học Oslo (Na Uy) đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2022.

Phong trào phản đối đảo chính Myanmar được đề cử Nobel Hòa bình - Ảnh 1.

Các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế ở Mandalay, Myanmar xuống đường biểu tình ngày 21-3 - Ảnh: AFP

Đại diện nhóm giáo sư, ông Kristian Stokke cho biết mục đích của việc đề cử là để thu hút thêm sự chú ý của thế giới về cách phản đối đảo chính bất bạo động ở Myanmar. Thư đề cử được gửi hồi tuần trước nhưng mới được nhóm ông Stokke tiết lộ ngày 26-3.

Một đại diện của CDM, đề nghị giấu tên, tin rằng việc phong trào được đề cử sẽ tập hợp thêm tiếng nói kêu gọi chính quyền quân sự "kiềm chế bạo lực và chuyển giao hòa bình, ngay lập tức quyền lực cho chính phủ đã được bầu cử dân chủ của Myanmar".

CDM được phát động ngày 3-2, hai ngày sau khi quân đội Myanmar lật đổ chính phủ do Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đứng đầu. Phong trào này ban đầu chỉ có các y bác sĩ và nhân viên y tế tại một số thành phố lớn tham gia, mục đích nhằm gây áp lực lên chính quyền quân sự trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành ở Myanmar.

Phong trào sau đó lan rộng ra nhiều ngành khác như đường sắt, giáo dục, vận tải, cảnh sát và thậm chí cả các quan chức ngoại giao. Theo tờ Irrawaddy của Myanmar, Đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc, ông Kyaw Moe Tun, là một trong những người đã hưởng ứng CDM.

Trong bài phát biểu ngày 26-2 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Kyaw Moe Tun đã thể hiện sự phản đối chính quyền quân sự và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để bảo vệ nhân dân Myanmar. Sau bài phát biểu, ông Kyaw Moe Tun bị chính quyền quân sự tuyên bố sa thải, nhưng lại được phục chức sau khi người được quân đội Myanmar chỉ định thay thế ông nộp đơn từ chức.

Theo truyền thông Myanmar, hàng trăm cảnh sát đã kháng lệnh của chính quyền quân sự, gia nhập CDM và đứng về phía người biểu tình. Hãng tin Reuters trích lời một quan chức Ấn Độ cho biết khoảng 280 cảnh sát Myanmar đã trốn sang nước này để không phải tuân lệnh của chính quyền Myanmar hiện tại.

Nhà chức trách Myanmar đã kêu gọi các bác sĩ không tham gia CDM, viện dẫn điều này có thể khiến các bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc COVID-19 ở Myanmar gặp khó khăn, nguy hiểm tính mạng. Đại diện chính quyền hôm 23-3 khẳng định sẽ không dỡ bỏ các hạn chế mạng Internet do đây là phương tiện để kích động bạo lực trong nước.

Ủy ban Nobel Na Uy chỉ chấp nhận các đề cử nộp trước thời hạn 31-1. Do đó đề cử của nhóm ông Stokke sẽ được xem xét cho giải Nobel Hòa bình năm 2022, Hãng thông tấn AFP giải thích thêm.

Ủy ban Nobel Na Uy chưa bao giờ công bố danh sách người được đề cử và chỉ công bố tên người chiến thắng, thông thường là tháng 10 hàng năm. Nobel Hòa bình năm 2020 thuộc về Chương trình Lương thực Thế giới.

Hàng chục ngàn người, trong số đó có các chính trị gia và những người từng đoạt giải Nobel cùng một số giáo sư đại học, đủ điều kiện để gửi đề cử cho giải Nobel Hòa bình, theo AFP.

Bác sĩ, y tá ở Myanmar xuống đường biểu tình Bác sĩ, y tá ở Myanmar xuống đường biểu tình

TTO - Ngày 21-3, bác sĩ và y tá ở miền trung Myanmar đã xuống đường biểu tình từ lúc bình minh. Họ đội mũ bảo hộ và giơ cao các áp phích in hình Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên