25/03/2021 20:57 GMT+7

Anh, Mỹ cùng đánh vào túi tiền của quân đội Myanmar

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Mỹ và Anh ngày 25-3 đã cùng phối hợp để trừng phạt 2 tập đoàn thuộc quản lý của quân đội Myanmar, phản ứng lại với sự kiện thay đổi chính quyền ngày 1-2 và chuỗi sự kiện sau đó tại Myanmar.

Anh, Mỹ cùng đánh vào túi tiền của quân đội Myanmar - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab - Ảnh: REUTERS

Theo tuyên bố trên trang của Bộ Tài chính Mỹ, Washington áp lệnh trừng phạt đối với hai tập đoàn thuộc sở hữu của quân đội Myanmar là Myanma Economic Holdings Public Company (MEHL) và Tập đoàn Kinh tế Myanmar (MEC).

Lệnh trừng phạt này sẽ đóng băng mọi tài sản tại Mỹ của các doanh nghiệp trên. Đây là động thái mới nhất trong chuỗi trừng phạt nhằm vào quân đội Myanmar. Trước đó, phương Tây đã áp các lệnh trừng phạt lên Ngân hàng trung ương và các lãnh đạo quân đội của Myanmar.

Động thái ngày 25-3 cùng là lệnh trừng phạt đầu tiên đánh vào hoạt động kinh doanh của quân đội Myanmar. Cơ quan này đang kiểm soát một phần lớn trong nền kinh tế Myanmar với lĩnh vực hoạt động bao trùm từ bia, thuốc lá cho đến viễn thông, khai mỏ và bất động sản.

Phối hợp cùng Mỹ, Anh cũng ra tuyên bố áp lệnh trừng phạt đối với hoạt động kinh doanh của quân đội Myanmar để đáp trả việc quân đội này giành lại chính quyền hôm 1-2 mà các nước phương Tây gọi là đảo chính.

Bộ Ngoại giao Anh thông báo London sẽ nhắm vào MEHL vì vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Rohingya và quan hệ cùng các quan chức cấp cao trong quân đội Myanmar.

“Các lệnh trừng phạt hôm nay nhắm vào lợi ích tài chính của quân đội này, cắt nguồn cung tiền giúp họ thực hiện các chiến dịch đàn áp dân thường”, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố.

Cũng trong ngày 25-3, nhà điều tra nhân quyền Thomas Andrews của Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi mở hội nghị khẩn cấp về vấn đề Myanmar. Ông Andrews tuyên bố các phản ứng ngoại giao trước sự kiện ngày 1-2 và cuộc trấn áp biểu tình tại Myanmar “chưa cân xứng với quy mô của cuộc khủng hoảng”.

Việt Nam sẵn sàng xử lý yêu cầu liên quan Myanmar khi làm chủ tịch Hội đồng Bảo an Việt Nam sẵn sàng xử lý yêu cầu liên quan Myanmar khi làm chủ tịch Hội đồng Bảo an

TTO - Với tư cách là chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ từ tháng 4-2021, Việt Nam sẽ xử lý các yêu cầu nếu có liên quan đến vấn đề Myanmar - Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định chiều 25-3 tại Hà Nội.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên