23/10/2019 16:43 GMT+7

Nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' của EC đối với hải sản khai thác ở Việt Nam

TRANG TRẦN - K.NAM
TRANG TRẦN - K.NAM

TTO - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ngành nông nghiệp và chính quyền tỉnh Kiên Giang tập trung nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC đối với hoạt động khai thác hải sản.

Nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC đối với hải sản khai thác ở Việt Nam - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ 2, hàng trên, bên trái) kiểm tra việc truy xuất nguồn gốc hải sản tại cảng cá Tắc Cậu - Ảnh: K.NAM

Ngày 23-10, phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác gồm các bộ, ngành liên quan đã đến khảo sát tại cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành) và đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) về hoạt động khai thác hải sản.

Đã 2 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (viết tắt theo tiếng Anh là IUU).

Ông Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho biết hiện tại, địa phương này có tổng cộng 9.858 tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên, trong đó có 3.990 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.

Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng khai thác hải sản của Kiên Giang đạt gần 451.000 tấn. Đội tàu của Kiên Giang hoạt động trên 5 nhóm nghề chính là: lưới kéo, lưới vây, lưới rê, câu (bẫy) và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ông Tâm khẳng định, tỉnh Kiên Giang là tỉnh đầu tiên được EC chọn kiểm tra và đưa ra 4 nội dung khuyến nghị, gồm: khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác.

Nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC đối với hải sản khai thác ở Việt Nam - Ảnh 2.

Tàu cá đánh bắt xa bờ của Kiên Giang chuẩn bị ra khơi-Ảnh: K.NAM

Để khắc phục "thẻ vàng" IUU theo khuyến nghị của EC, tỉnh Kiên Giang đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Từ đầu năm 2019, tỉnh Kiên Giang cũng đã ký kết với 8 tỉnh có biển (gồm: Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) và Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát Biển 4, Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực khai thác thủy sản.

Một trong những giải pháp nhằm khắc phục việc khai thác hải sản IUU là kiểm tra, xử lý, công khai danh sách tàu cá và chủ tàu vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trong năm 2018, tỉnh Kiên Giang có 67 tàu với 664 ngư dân vi phạm khai thác hải sản IUU. Trong 9 tháng đầu năm 2019 tiếp tục có 41 tàu với 440 ngư dân vi phạm.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Kiên Giang cũng đang củng cố hồ sơ để khởi tố xử lý hình sự ít nhất 3 dường dây chuyên môi giới đưa tàu cá ra nước ngoài đánh bắt trái phép, môi giới nộp tiền "chuộc" tàu và ngư dân vi phạm.

Các lực lượng chức năng của Kiên Giang đã tiến hành xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm với số tiền hàng tỉ đồng, tước giấy phép khai thác có thời hạn hàng chục tàu cá, thuyền trưởng. 

Các lỗi vi phạm phổ biến được phát hiện thời gian qua là: vi phạm vùng biển nước ngoài, ngắt thiết bị giám sát hành trình để đối phó, lắp nhiều thiết bị giám sát hành trình trên cùng 1 tàu, khai thác mang tính huỷ diệt (cào điện, cào bay, cào bờ, dùng chất nổ)…

Dự kiến, trong tháng 11 tới, đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề và biển và thuỷ sản thuộc EC sẽ trở lại Kiên Giang để tái kiểm tra việc thực hiện 4 nội dung khuyến nghị liên quan đến khai thác IUU.

Xuất khẩu hải sản sang EU giảm mạnh do thẻ vàng IUU Xuất khẩu hải sản sang EU giảm mạnh do thẻ vàng IUU

TTO - Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỉ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.

TRANG TRẦN - K.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên