15/07/2012 09:29 GMT+7

Nở "còm" và hành trình vươn tới ước mơ

PGS-TS NGUYỄN VĂN NỞ
PGS-TS NGUYỄN VĂN NỞ

TT - Câu chuyện về một ông phó giáo sư - tiến sĩ có một tuổi thơ dữ dội là bài học về nghị lực cho tất cả mọi người.

X2llsFzd.jpgPhóng to

PGS-TS Nguyễn Văn Nở - Ảnh: Tấn Đức

Cậu bé Nguyễn Văn Nở có một tuổi thơ đi bán bánh, bán khoai, kem, rồi đạp xích lô, ba gác để phụ ba má nuôi tám người em. Làm việc quá sức, Nở như lớn không nổi nên bạn bè gọi là Nở “còm”! Vậy mà Nở đã từng bước vượt qua những khó khăn, cản trở để trở thành giảng viên đại học khi vừa tròn 25 tuổi. Giờ đây với vai trò phó trưởng khoa sư phạm ĐH Cần Thơ, PGS-TS Nguyễn Văn Nở vẫn đang miệt mài truyền “lửa nghề” cho các thế hệ sinh viên...

Ngủ chợ

"Làm nghề giáo, ngoài kiến thức chuyên môn còn cần phải có cái tâm và cái tình. Tài yếu, tâm thiếu thì chỉ có thể bám nghề mà không làm trọn nghiệp"

PGS-TS Nguyễn Văn Nở sinh năm 1960, tại thị xã Gò Công (Tiền Giang). Trước năm 1975 ba ông có nghề thợ mộc, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nghề không nuôi nổi gia đình. Má ông vừa chăm đàn con chín đứa san sát tuổi nhau, vừa quẩy gánh đi mua ve chai lông vịt phụ chồng lo sinh kế. Thương ba má cực khổ, từ năm học lớp 6, ngoài thời gian đến trường cậu bé Nở đội sề bánh cam, bánh cồng, bánh ít, bánh ú, khoai lang, khoai mì đi bán...

Ban đầu chỉ bán quanh khu vực bến xe, trường học, khi đã quen tay quen chân thì mở rộng địa bàn ra tới bãi biển Tân Thành - Vàm Láng, cách nhà khoảng 20km. Hồi ấy đi lại chủ yếu bằng xe ngựa và xe lam nên nhiều bận cố nán lại bán cho hết bánh đặng khỏi bị thâm vốn, Nở đã bị lỡ chuyến xe phải ở lại qua đêm. Không tìm được chỗ nghỉ, cậu bé mới hơn chục tuổi đầu đành chờ tới nửa đêm đội bánh vô chợ, leo lên kệ thịt người ta để lại nằm chờ trời sáng, má đem bánh mới xuống bán tiếp.

Bán bánh vài năm, Nở chuyển qua bán kem. Mỗi ngày chạy mấy chục cây số, khắp các đường ngang ngõ tắt vùng Tân Thành, Vàm Láng vậy mà lắm lúc thùng kem không chịu vơi. Nhiều lúc lo kem để lâu tan không ai mua, cậu bé Nở luýnh quýnh đạp xe qua cầu, mất thăng bằng té nhào, cả thùng kem tung tóe xuống kênh. Ký ức tuổi thơ với mối lo sinh kế đè nặng lên vai cậu bé đến đỗi mãi tới bây giờ, những chuyến hàng ế ẩm hay tiêu thụ dễ dàng vẫn còn đong đầy ký ức vị PGS-TS ngôn ngữ.

Ông kể: “Một buổi chiều hè đạp xe mỏi nhừ cả chân mà chỉ bán được vài que kem. Lo quá, tôi vội vàng cắm đầu đạp xe lạc vào một con đường vắng hoe. Đi mãi, chợt thấy phía trước một ngôi chùa hoang. Dừng xe trước cổng chùa tự dưng muốn bật khóc vì buồn tủi cho phận mình. Bỗng có một chiếc xe bộ đội đằng xa lù lù chạy tới, rồi đỗ trước mặt tôi. Mấy chục anh thanh niên xung phong trên xe túa xuống phát hoang, sửa đường. Thấy tôi tần ngần đứng ngó, họ vẫy tay lại, người trước người sau mua sạch thùng kem”.

Từ cặp nến... sưởi sách

Trong mắt mọi người

* Ông NGUYỄN VĂN TƯ (giảng viên khoa sư phạm ĐH Cần Thơ):

“Chữ tâm trong con người thầy Nở sáng lắm. Việc gì có lợi cho sinh viên thì anh hết lòng hết sức làm, làm không vụ lợi. Là đồng nghiệp gần 30 năm qua, tôi thấy anh như con ong cần mẫn góp mật cho đời, cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo”.

* Thạc sĩ LÊ THỊ HỒNG THANH (giáo viên Trường THPT Lưu Hữu Phước - Q.Ô Môn, TP Cần Thơ):

“Tôi có may mắn được thầy Nở hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ. Qua tiếp xúc tôi thấy thầy rất chân thành và chân tình. Thầy vừa là thầy mà cũng như người bạn lớn, luôn gợi mở, định hướng, giúp mình phát huy sáng tạo. Đó là điều cực kỳ quý giá trong việc nghiên cứu và giảng dạy môn văn hiện nay”.

* Kỹ sư PHAN THANH KHIẾT (giám đốc Công ty Công trình đô thị thị xã Gò Công, Tiền Giang):

“Tôi với anh Nở cùng quê, đi thanh niên xung phong cùng một lúc, lại cùng thi vào Đại học Cần Thơ. Có dịp tiếp xúc nhiều, hiểu nhiều về Nở, lại càng thêm yêu quý đức tính cần mẫn, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người xung quanh, luôn sống vì mọi người ở anh”.

“Sau ngày đất nước thống nhất, nhu cầu đi lại của mọi người càng lớn, ba tôi bỏ nghề mộc, mướn một chiếc xích lô đạp để chạy. Vì là xe thuê, trả tiền theo ngày nên phải tận dụng tối đa. Thấy ba làm quần quật cả ngày, tối về đau nhức khắp người, tôi quyết định bỏ nghề bán kem, chuyển qua chạy xích lô với ba” - TS Nở kể tiếp.

Nở đi học thì ba chạy. Tan học, Nở vội vàng về nhà ăn cơm rồi ra thay ba. Chạy vài tháng, cha con ông đã dành dụm được ít tiền, nhờ bà cô cho mượn thêm để sắm chiếc xe ba gác. Lần đầu tiên trong đời làm chủ được tài sản lớn, Nở mừng quá ngày đêm cùng ba rảo khắp nơi tìm mối chở hàng để thu hồi vốn.

Dạo đó còn ngăn sông cấm chợ, nông sản người dân làm ra không được mang khỏi địa bàn. Để đối phó, nông dân đợi lúc nửa đêm, nhờ cha con ông chở đi đường tắt qua các trạm gác, đưa hàng ra huyện giao cho thương lái. Thường mỗi chuyến đi từ 11g khuya đến 3-4g sáng cha con ông nhận được tiền công bằng một ngày ngược xuôi chở hàng. Dù rất ham học, nhưng việc chạy ngày chạy đêm khiến Nở mệt mỏi, nhiều lúc ngủ vùi tới sáng hôm sau, bài vở không kịp chuẩn bị, cộng thêm mặc cảm cho hoàn cảnh gia đình nên quyết định nghỉ học. Ba má Nở biết chuyện rất buồn nhưng vì cảnh nghèo, nặng lo chuyện áo cơm nên cũng xuôi theo.

Nở nghỉ học được một tuần thì cô giáo chủ nhiệm đến nhà động viên. Nhớ lại chuyện cũ, TS Nở xúc động: “Đã mấy chục năm trôi qua nhưng tôi không thể quên hình ảnh cô giáo chủ nhiệm, vào một đêm tối tăm, canh lúc tôi vừa đạp xe chở hàng về tới nhà thì cô đến. Mà lần này là lần thứ hai, cô mang theo một cặp nến tặng tôi và bảo muốn tôi dùng nó để sưởi ấm lại chồng sách bỏ phế cả tuần qua. Cầm cặp nến trên tay, nhìn bóng cô liêu xiêu dẫn chiếc xe đạp ra khỏi con hẻm lầy lội, tôi đã bật khóc. Vậy là hôm sau tôi trở lại lớp...”.

Đến chiếc mùng ám khói

Sau khi tốt nghiệp THPT, chưa có điều kiện học tiếp ngay lên đại học, Nở tình nguyện đi thanh niên xung phong tại Nông trường Phú Đông (Tiền Giang). Đó là một vùng đất hoang vu, rộng lớn nằm giữa cửa Đại và cửa Tiểu, nơi con sông Tiền đổ ra biển cả. Hằng ngày Nở cùng đồng đội đối mặt với bao gian khó để cải tạo vùng đất ngập mặn này. Chỉ tiêu giao khoán hằng ngày cho từng người là đào đắp 5m3 đất hoặc khai phá 250m2 rừng. Hôm nào không đào đất, khai hoang thì đi cắt lác, đốn củi chở về để dành dệt chiếu, đun nấu.

Công việc không hề đơn giản bởi điều kiện khắc nghiệt nơi đây: không điện, không nước ngọt, không đường giao thông. Vào mùa mưa hoặc thi thoảng có tàu từ trong bờ ra mới có nước ngọt để nấu ăn, rửa mặt. Còn tắm giặt kể như dùng nước mặn triền miên. Ban ngày đi làm vắt, đỉa, rắn chàm quạp, cạp nong, cạp nia lổn ngổn khắp nơi, lỡ bị đớp một miếng là tính mạng khó bảo toàn. Đêm xuống muỗi như vãi trấu. Sau một ngày lao động vất vả anh em trong nông trường lăn ra ngủ lấy sức, nhưng hình ảnh cô giáo chủ nhiệm với hai ngọn nến ngày nào vẫn cháy lung linh trong ký ức Nở. Vậy là đêm đêm anh miệt mài bên ngọn đèn tự chế, đặt trong mùng chống muỗi để gạo bài cho kỳ thi đại học.

Thời ấy, không phải ai muốn học cũng thoải mái mà học. Vậy nên Nở phải học lén. Ngọn đèn dầu tù mù tỏa khói làm chiếc mùng đen xỉn nhưng ông không dám giặt, phần vì lo ánh sáng lọt ra ngoài ảnh hưởng tới giấc ngủ của người khác, phần sợ lãnh đạo nông trường phát hiện. Rồi ông tìm cách bắn tin cho người nhà làm giúp cho mình hồ sơ thi vào khoa ngữ văn Trường đại học Cần Thơ. Tới ngày đi thi, Nở giả bộ xin phép về nhà dự lễ giỗ ông bà. Chừng trúng tuyển, nhận giấy gọi nhập học, năn nỉ mãi, lãnh đạo nông trường mới duyệt cho đi. Sang tới nơi đã trễ mất hai tháng, may là trường thông cảm vẫn tiếp nhận.

Bằng sự cố gắng không mệt mỏi, Nở đã vượt qua bao thử thách của cuộc đời, chạm một tay vào ước mơ làm thầy giáo. Bốn năm sau (1985) ông tốt nghiệp và được giữ lại trường làm việc đến nay.

Tài yếu, tâm thiếu khó mà trọn nghiệp

TS Nguyễn Văn Nở - phó trưởng khoa sư phạm Đại học Cần Thơ - là một trong những người đầu tiên ở ĐBSCL được phong hàm phó giáo sư ngôn ngữ học (vào tháng 11-2011). Qua gần 30 năm làm công tác giảng dạy và quản lý tại khoa ngữ văn và sau này là khoa sư phạm Đại học Cần Thơ, ông đã trực tiếp biên soạn và đồng tác giả của cả chục đầu sách, giáo trình được giới nghiên cứu văn học và đồng nghiệp đánh giá cao.

Riêng quyển Biểu trưng trong tục ngữ người Việt, cũng là công trình luận án tiến sĩ của ông đã đoạt giải B (không có giải A) của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2007. Tâm sự về nghề, ông nói: “Làm nghề giáo không phải dễ. Kiến thức chuyên môn chưa đủ, còn cần phải có cái tâm và cái tình. Phải gần gũi, nắm bắt tâm trạng, hoàn cảnh của từng học trò để kịp thời động viên, chia sẻ giúp các em có thêm nghị lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống. Tài yếu, tâm thiếu thì chỉ có thể bám nghề mà không làm trọn nghiệp”.

PGS-TS NGUYỄN VĂN NỞ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên