Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023.
Theo đó, Việt Nam được tiếp tục đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019 - 2023 là 102%.
Cụ thể, năm 2019 giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được định giá là 247 tỉ USD, thì năm 2023 đã đạt 498,13 tỉ USD, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về phần trăm giá trị thương hiệu hai con số.
Trên cơ sở báo cáo của Brand Finance năm 2023, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các ngành viễn thông, ngân hàng, thực phẩm.
Trong đó, các thương hiệu viễn thông đóng góp nhiều nhất vào bảng xếp hạng TOP 100, chiếm khoảng 31% tổng giá trị của tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Tổng giá trị thương hiệu lĩnh vực này là 13,2 tỉ USD, tăng 1% so với năm 2022.
Trong số 5 thương hiệu viễn thông giá trị nhất Việt Nam, có 3 thương hiệu quốc gia là Viettel với 8,9 tỉ USD, VinaPhone là 800 triệu USD, MobiFone là 800 triệu USD, chiếm 79% tổng giá trị trong TOP 5 thương hiệu viễn thông.
Đóng góp thứ hai trong bảng xếp hạng TOP 100 là thương hiệu ngân hàng, chiếm 30% tổng giá trị. Với tổng giá trị thương hiệu là 12,5 tỉ USD, so với năm 2022 ngành giá trị thương hiệu ngành ngân hàng tăng 47%.
Trong số 5 thương hiệu ngân hàng có giá trị nhất Việt Nam (đạt 7,4 tỉ USD), có 4 thương hiệu quốc gia là Vietcombank với 1,9 tỉ USD; Agribank là 1,4 tỉ USD; BIDV là 1,4 tỉ USD; Vietinbank là 1,3 tỉ USD, chiếm 81% tổng giá trị của TOP 5 thương hiệu ngân hàng.
Chiếm vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng TOP 100 là các thương hiệu ngành thực phẩm và đồ uống, chiếm khoảng 14% tổng giá trị của tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng.
Theo đó, tổng giá trị thương hiệu của ngành này là 6 tỉ USD, tăng 12,7% so với năm 2022. Trong số 5 thương hiệu thực phẩm và đồ uống có giá trị nhất Việt Nam đạt 4,9 tỉ USD, có 2 thương hiệu quốc gia là Vinamilk với 3 tỉ USD và Habeco là 200 triệu USD, chiếm 65% tổng giá trị của TOP 5 thương hiệu thực phẩm và đồ uống.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kết quả trên thể hiện tốc độ phát triển của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam khi đã có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, từ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng.
Các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu, đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp, tiêu biểu là giá trị thương hiệu để từ đó góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận