30/09/2017 20:45 GMT+7

Những thành phố trôi dạt - Khi con người đánh mất mình trong đô thị

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Tôi muốn chiêm nghiệm về những sự trôi dạt trong đời sống đô thị, bởi các thành phố là sản phẩm của nhân loại, nó phóng chiếu sự quan tâm của con người về chỗ ở, những không gian gắn bó...

Những thành phố trôi dạt - Khi con người đánh mất mình trong đô thị - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đang chia sẻ nguồn cảm hứng khi anh viết tác phẩm hư cấu mới này - Ảnh: L.Điền

Tôi thấy không cần thiết định dạng thể loại cho quyển sách này, bạn đọc có thể xem nó như một tiểu luận, những bài thơ, hay những chuyện rời... Chung quy lại đọc cũng là trôi dạt, trước khi đọc bạn là người khác, sau khi đọc một quyển sách dù hay dở thế nào, bạn cũng sẽ khác

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên tâm sự như thế, mở đầu cho buổi giao lưu ra mắt quyển sách mới nhất của anh - Những thành phố trôi dạt - vào sáng 30-9.

Bản sắc của thành phố

Sau quyển sách khảo cứu về Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên bắt tay làm tiếp một công trình khảo cứu nữa về tiệm ảnh Viễn Kính. 

Những tưởng anh chuyển sang gắn bó với công việc viết lách phi hư cấu, nhưng giữa hai chặng biên khảo, Những thành phố trôi dạt vẫn kịp hoàn thành trong tâm trạng theo anh là đầy cảm hứng. 

"Quyển này đã mang lại nhiều hứng thú cho tôi trong việc viết, kiểu như mỗi ngày mình lại gặp một người lữ khách, nghe chuyện của họ và thú vị cùng với họ".

Toàn bộ tác phẩm được tổ chức bằng hình thức ghi lại 50 câu chuyện rời của 50 lữ khách. Những người này từng sống trong không gian đô thị, từng trôi dạt qua nhiều hoàn cảnh. 

Cảm hứng về sự xê dịch này được tác giả thừa nhận là gợi lên từ tác phẩm của nhà văn Italo Calvino.

"Tuy nhiên chịu ảnh hưởng từ một tác giả nổi tiếng không có nghĩa là mô phỏng tư tưởng của người ta, những lữ khách trong truyện này đến với tôi trong trí tưởng tượng nhưng là do tôi chủ động tổ chức, có những lữ khách đến từ thời rất xưa, thời của Tân ước, Cựu ước chẳng hạn", Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ.

Mặc dù cấu trúc tập sách mang nhiều chiều kích từ không gian đa dạng đến các lớp nghĩa của truyện cũng thật đa tầng bởi mỗi lữ khách là một câu chuyện. 

Tác giả cũng gọi đây là những "chuyện rời", nhưng chỗ tài tình là tác giả đã nối kết được các mảng rời đó bằng những điểm chung trong các câu chuyện. 

Thủ pháp này khó, bởi từ những hàm ý tưởng như mong manh, nhưng sức gợi của nó một khi được hợp thành từ nhiều "cảnh đời lữ khách", nó tạo thành điểm chung cho tác phẩm.

Một trong những điểm chung đáng kể đó là vấn đề bản sắc của những thành phố. Với Nguyễn Vĩnh Nguyên, đây là một vấn đề lớn và là câu chuyện dài. 

"Người ta trong mấy năm nay cũng đang tìm câu trả lời cho Sài Gòn về câu chuyện bản sắc ấy. Có vẻ thị dân đang sống sung túc hơn nhưng ngày càng ít gắn bó với thành phố. Con người đang trôi dạt, đánh mất mình trong đô thị" Nguyễn Vĩnh Nguyên đưa ra nhận định có tính cảnh báo.

Những thành phố trôi dạt - Khi con người đánh mất mình trong đô thị - Ảnh 3.

Lữ khách lướt qua đô thị với cái nhìn không như dân bản địa

Thừa nhận những gì đã chứng kiến tại các thành phố anh từng sống qua có ảnh hưởng đến cấu tứ của 50 câu chuyện lữ khách trong tác phẩm này, Nguyễn Vĩnh Nguyên cho rằng những thành phố của ta có nhiều biến đổ.

"Có cả những lãng quên, cho nên tôi muốn những lữ khách này kể lại các câu chuyện cho tôi nghe. Đây là văn chương hư cấu, nhưng bạn đọc có thể thấy cả sự thú vị của một cuộc chiến, thấy lịch sử qua những thành phố thất thủ trong sách... đó là phần của bạn đọc".

Một bạn đọc dẫn lại câu của Guy Debord mà Nguyễn Vĩnh Nguyên đặt ở đầu sách "Thời điểm hiện tại đã là thời điểm tự hủy của môi trường đô thị" để hỏi Nguyễn Vĩnh Nguyên về cách hiểu chữ "tự hủy" ở đây.

Đây cũng là một mạch nối quan trọng để xâu chuỗi các câu chuyện rời theo cái nhìn của các lữ khách trong sách. 

Và Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ cách hiểu của anh rằng tự hủy chính là vong thân, không còn là chính mình trong các đô thị. "vấn đề tự hủy của đô thị có cả chuyện chúng ta ước mơ gì và đặt ước mơ ấy vào tay ai" tác giả lại cảnh báo.

Lại có bạn đọc đặt vấn đề liệu cái nhìn của lữ khách đối với đô thị thì độ am hiểu ở tầm mức nào? 

Tác giả cho rằng đúng là với lữ khách, cái nhìn của họ lướt qua chứ không nhìn thành phố như người bản địa. 

"Tức là họ không có dự phần, như cách nói của Orhan Pamuk. Tôi chọn cách tiếp cận các vấn đề đô thị thông qua lữ khách cũng chính vì cái sự không dự phần của họ, vì không dự phần nên họ khách quan, và họ thấy được những điều mà dân bản địa không thấy".

Những thành phố trôi dạt - Khi con người đánh mất mình trong đô thị - Ảnh 4.

MC Tuyết Anh (phải) cùng tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên dẫn dắt câu chuyện về đô thị từ trang sách đến những chiêm nghiệm thực tế - Ảnh: L.Điền

Những thành phố trôi dạt - Khi con người đánh mất mình trong đô thị - Ảnh 5.

Nhiều bạn đọc hâm mộ và bạn bè Nguyễn Vĩnh Nguyên đến dự giao lưu ra mắt sách - Ảnh: L.Điền

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên