Luật sư Phan Đăng Thanh: Nhiều lúc tôi đã không nén được cảm xúc của mình khi biên soạn sách - Ảnh: Mai Thụy |
Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa là hai nhà nghiên cứu luật nổi tiếng nhưng đồng thời là hai nhà báo lâu năm. Cuốn sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam (tập 1 - Trước Cách mạng Tháng Tám 1945 - NXB Tổng Hợp) là sự kết hợp đặc biệt giữa kiến thức luật pháp và báo chí của hai tác giả.
Giữa không gian đường sách, luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ về ý tưởng hình thành nên những trang viết của mình.
Bà Hòa cho rằng viết về lịch sử báo chí Việt Nam có rất nhiều nhà nghiên cứu (như Đỗ Quang Hưng, Hồng Chương…) đã phân chia báo chí theo các giai đoạn lịch sử. Thế nhưng, cách phân kỳ này không rõ ràng, mỗi người chia theo một giai đoạn khác nhau, rất khó để các nhà nghiên cứu đi sau tìm hiểu.
“Để giải quyết phần nào vấn đề này, tôi và luật sư Phan Đăng Thanh đã chia từng giai đoạn báo chí theo các chính sách cai trị và những quy định pháp luật được ban hành trong lịch sử nước ta” - luật sư Trương Thị Hòa nói.
Luật sư Trương Thị Hòa bày tỏ cảm xúc của mình khi đọc lại những trang báo xưa - Ảnh: Mai Thụy |
Mở rộng ý kiến của bà Hòa, luật sư Phan Đăng Thanh cho biết các chế độ cai trị luôn sử dụng pháp luật để điều chỉnh báo chí phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Vì vậy, luật sư Thanh cho rằng tìm hiểu về mặt luật pháp sẽ "giúp chúng ta hiểu được tính tốt - xấu của báo chí trong một giai đoạn nhất định".
Với hơn 400 trang viết, Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam đã khảo sát các văn bản, quy định pháp luật về báo chí trong suốt 150 năm (1858 - 1945).
Trong một giai đoạn lịch sử dài và nhiều biến động như vậy, bà Trương Thị Hòa chia sẻ về những khó khăn:
“Có thời kỳ chúng tôi phát hiện có đến 357 tờ báo đang hoạt động nên việc chọn tờ báo nào điển hình để đưa vào cuốn sách là một vấn đề chúng tôi luôn trăn trở, bởi nếu chọn không cẩn thận sẽ khó diễn tả được không gian báo chí mà chúng tôi khảo sát”.
Bên cạnh đó, rất nhiều tư liệu báo chí bị thất lạc trong chiến tranh đã khiến hai tác giả gặp trở ngại trong việc tiếp cận và nghiên cứu.
Luật sư Phan Đăng Thanh bày tỏ đây là một cuốn sách nghiên cứu, đòi hỏi tính khách quan của người viết, thế nhưng trong lúc biên soạn nhiều lúc ông không nén được cảm xúc khi cầm trên tay các trang báo xưa.
“Báo chí Việt Nam đi sau báo chí phương Tây đến hơn 200 năm nhưng các nhà báo của chúng ta luôn cố gắng rút ngắn khoảng cách và nỗ lực bảo vệ văn hóa truyền thống của Việt Nam dù họ đứng ở phía nào của thể chế” |
Hai tác giả ký tặng sách cho bạn đọc - Ảnh: Mai Thụy |
Theo tác giả Phan Đăng Thanh, Luật tự do báo chí do Pháp ban hành năm 1881 đã đặt các nhà báo Việt Nam vào tình thế khó khăn vì báo tiếng Pháp không bị kiểm duyệt trong khi báo được in bằng chữ quốc ngữ lại bị kiểm soát gắt gao.
Trong tình huống ấy, nhiều nhà báo đã chọn viết bằng tiếng Pháp để có cơ hội đả kích chính người Pháp và đòi độc lập, dân chủ. Luật sư Thanh cho rằng điều này đã chứng minh cho lòng yêu nước của các nhà báo Việt Nam.
Nhớ về cảm giác lần giở từng trang viết của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của in trên tờ Gia Định Báo đã cũ, bà Trương Thị Hòa đọc hai câu thơ của Vũ Đình Liên: “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ…” như để tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân thuở đầu của làng báo.
Trong buổi ra mắt sách, các độc giả còn được lắng nghe bức thư của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu gửi luật sư Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa. Dù đang trên giường bệnh, ông vẫn đóng góp ý kiến cho cuốn sách để hai tác giả có thể mở rộng nghiên cứu của mình. |
Bìa sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam - Ảnh: Mai Thụy |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận