10/02/2022 11:40 GMT+7

Những ông chủ trẻ hướng nhân viên đọc sách

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Hiện nay có rất nhiều giải pháp được các doanh nghiệp trẻ áp dụng để lan tỏa văn hóa đọc. Những giải pháp thiết thực này phần nào đã tạo ra hứng khởi cho người trẻ...

Những ông chủ trẻ hướng nhân viên đọc sách - Ảnh 1.

Khu vực đọc sách của Công ty Sequence Business System (SBS) tạo sự thoải mái, thư giãn cho các nhân viên - Ảnh: Lexie Dao

Nếu như trước đây, niềm vui đến từ việc đọc sách chỉ được chia sẻ trong các hội, nhóm nội bộ trên mạng xã hội thì hiện nay, giá trị này đã được nhiều doanh nghiệp do người trẻ sáng lập đặc biệt quan tâm, trở thành một phần trong chiến lược phát triển.

Những không gian được thiết kế khéo léo nhằm tạo hứng thú đọc sách, những tủ sách được thay mới, cập nhật đầu sách liên tục, các phong trào, chương trình khuyến khích nhân viên đọc sách... trở thành nhiều giải pháp được doanh nghiệp trẻ áp dụng để lan tỏa văn hóa đọc.


Doanh nghiệp có thể đưa ra chỉ tiêu cụ thể, phù hợp để duy trì, chẳng hạn như mỗi năm từng nhân sự cần đọc 3 quyển sách. Trong đó, phương pháp giúp thu lượm 80% "công lực" sách chính là việc tóm tắt sách và chia sẻ.

LÊ HOÀNG

Một phần của văn hóa doanh nghiệp

Theo anh Nguyễn Anh Dũng, người sáng lập 8X của Công ty cổ phần Sbooks, việc hình thành thói quen đọc sách cần phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố, giúp tạo động lực để nhân viên bắt đầu hành động.

Văn hóa đọc trở thành một phần trong văn hóa doanh nghiệp của Sbooks và được chia sẻ thông qua các hoạt động truyền thông trong nội bộ công ty. Ngoài các chương trình mua sách giảm giá, nhân viên đã được tặng sách, khuyến khích tham gia các phong trào lan tỏa văn hóa đọc do công ty phát động.

"Tại thư viện, chúng tôi liên tục thay đổi, bổ sung và cập nhật các đầu sách mới, hay, để kệ sách luôn hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu phát triển của nhân viên", anh Dũng chia sẻ.

Nhiều phong trào được phát động nội bộ trong những năm qua như "21 ngày đọc sách", "Mỗi ngày một quyển sách", "Review sách", trong đó những người đứng đầu công ty luôn trở thành tấm gương tham gia tích cực nhất, trở thành hình mẫu cho nhân viên học hỏi.

"Đối với phong trào "21 ngày đọc sách", tôi tham gia suốt 3 tháng liền. Dù là ngày lễ, Tết hay khi áp lực công việc căng thẳng nhất, tôi cũng không bỏ sót ngày nào", anh nói.

Trong khi đó, tại Sequence Business System (SBS), công ty đầu tư và phát triển các dự án startup, hỗ trợ doanh nghiệp gọi vốn và hoạt động hiệu quả hơn, tủ sách được đặt ở vị trí đắc địa trong văn phòng. Mỗi ngày, nhân viên đều đi ngang khu vực này ít nhất 5, 6 lần. Các đầu sách trên kệ được sắp xếp ngẫu nhiên và thay đổi hằng tuần để tạo sự mới mẻ, hứng thú. 90% đầu sách do công ty mua, và 10% còn lại do chính các bạn nhân viên đóng góp, với các sách đa dạng chủ đề như sách ngoại văn, self-help, ẩm thực, kinh doanh...

"Đội ngũ nhân viên của chúng tôi rất trẻ. Vì vậy, chúng tôi muốn tạo ra môi trường làm việc thật tốt, ủng hộ việc các bạn luôn tìm hiểu và trau dồi tri thức, trong đó sách trở thành công cụ học tập có sẵn để các bạn vừa làm vừa học.

Chúng tôi mong sách là một trong những nền tảng giúp người trẻ tại SBS hiểu hơn về bản thân mình, đồng thời phát triển toàn diện hơn" - chị Lexie Dao, người sáng lập 9X của công ty, chia sẻ.

Ở Voiz FM, startup công nghệ, kinh doanh mảng sách nói và podcast, văn hóa đọc càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của công ty.

"Chúng tôi tin rằng bản thân những thành viên tại Voiz FM phải là người thích đọc, hiểu thế nào là một quyển sách hay mới có thể lan tỏa những nội dung tốt nhất đến khách hàng. Ngoài ra, với đặc thù là doanh nghiệp khởi nghiệp, nếu từng cá nhân không tự trau dồi kiến thức và kỹ năng liên tục thì rất dễ bị tụt lại phía sau" - anh Lê Hoàng Thạch, thành viên trong nhóm sáng lập công ty, nhấn mạnh.

Tại Voiz FM, bên cạnh những buổi huấn luyện, chia sẻ, khuyến khích văn hóa đọc là một trong những yếu tố đặc biệt được chú trọng. Bên cạnh tủ sách văn phòng, Voiz FM còn tặng gói nghe sách nói miễn phí cho nhân viên, đồng thời giảm giá dành cho người thân, bạn bè của họ.

Mắt xích để phát triển doanh nghiệp

Theo ông Lê Hoàng, phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, tại hội thảo mang chủ đề "Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp" diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua tại TP.HCM, nhiều tham luận từ các chuyên gia và doanh nhân đã khẳng định tầm quan trọng và lợi ích của việc lan tỏa văn hóa đọc trong doanh nghiệp, góp phần cho sự phát triển bền vững của mỗi đơn vị.

Ông Hoàng nhấn mạnh, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp do người trẻ sáng lập đang ngày càng lớn mạnh, trở thành tầng lớp tinh hoa đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, do phát triển nhanh trong thời gian ngắn nên một bộ phận doanh nhân chưa được đào tạo bài bản, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, kiến thức pháp lý, năng lực quản trị kinh doanh, bị động trong cạnh tranh và hội nhập. Nhìn kỹ, có thể thấy nguồn nhân lực doanh nghiệp còn yếu kém. Một trong những lý do là người lao động, chủ doanh nghiệp chưa tự nâng cao năng lực của mình để phù hợp với nhu cầu của sự cạnh tranh và phát triển.

"Trong các con đường để hình thành đội ngũ doanh nhân có năng lực lãnh đạo toàn diện, sách là một trong những phương tiện, là quan trọng, thậm chí quan trọng hàng đầu. Việc đọc rất quan trọng với đại đa số cán bộ công nhân viên ở các cấp để cập nhật kiến thức, hiểu biết để trước hết là phục vụ cho công việc và sau đó là phát triển bản thân, đồng thời tìm lại sự cân bằng trong công việc và cuộc sống", phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ.

Một số khó khăn còn tồn đọng trong việc khuyến khích văn hóa đọc tại doanh nghiệp, theo ông Lê Hoàng, bao gồm các hạn chế như hình thức giới thiệu, quảng bá, dùng sách như một phương tiện giáo dục, nâng cao năng lực cho đội ngũ trong tổ chức diễn ra chưa thường xuyên, thiếu sự hấp dẫn và đa dạng, thậm chí một số nơi không quan tâm, dẫn đến chưa lan tỏa được đam mê đọc.

"Hơn nữa, thực tế cho thấy rằng, đọc sách đã bị chi phối bởi các phương tiện nghe nhìn, mạng xã hội. Một bộ phận người lao động chạy theo những thông tin giật gân, mua vui, giải trí đơn thuần, vô bổ, đồng thời chưa có thói quen đọc sách, cho rằng không có thời gian hoặc bị áp lực công việc", ông nhận định.

"Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không quan tâm và chưa xem việc phát triển văn hóa đọc trở thành phương tiện đào tạo nguồn nhân lực cho đơn vị mình, thậm chí cho rằng kinh nghiệm thực tiễn mới là quan trọng", ông Hoàng nói thêm.

Tạo điều kiện và môi trường đọc sách

Ông Lê Hoàng gợi ý một số giải pháp để doanh nghiệp xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc, bao gồm thiết lập những tủ sách, danh mục sách cần và nên đọc, đặt tại nơi gần gũi với môi trường làm việc. Nội dung và chủ đề sách cần đa dạng, phù hợp với nhu cầu của mọi đối tượng nhân viên, từ đó khuyến khích nhân viên chủ động tìm đọc, kích thích thói quen tự đào tạo, phát triển tư duy, giải trí lành mạnh, kích thích sáng tạo... ở mỗi cá nhân.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện phát triển văn hóa đọc tại đơn vị, doanh nghiệp cần đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, phù hợp để duy trì, củng cố thực hiện và quan trọng là tạo điều kiện và môi trường đọc cho người lao động.

Có thể thực hiện đẩy mạnh các hình thức khuyến đọc thông qua việc tổ chức các hoạt động liên quan đến sách như Hội sách định kỳ, Ngày sách, Tuần lễ sách, Tháng đọc sách; chia sẻ về sách, phong trào trao đổi và tặng sách... Đây là các hoạt động giúp xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc sách, đồng thời tôn vinh những người viết sách, làm sách, những người đọc sách, từ đó hình thành tình yêu đối với sách. Ngoài sách giấy, có thể tạo sự thuận tiện thông qua ứng dụng ebook, audiobook.

Cũng theo phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, danh mục "Top 100 quyển sách đáng có trong doanh nghiệp" được bình chọn từ các doanh nhân trong Hội đồng phát triển sách doanh nhân với các nhóm chủ đề cần thiết cho nhu cầu đọc của cả doanh nhân lẫn người lao động. Sử dụng danh mục này giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc chọn sách, bởi đây là những quyển sách hàng đầu về chất lượng và đáp ứng được yêu cầu có tính riêng biệt của từng người.

Giới trẻ đọc sách in và sách online khác ra sao? Giới trẻ đọc sách in và sách online khác ra sao?

TTO - Radesky nêu một vấn đề chung cho giới trẻ là 'những thứ khiến bạn suy nghĩ, thậm chí nghĩ một cách sâu sắc thì lại rất khó 'bán' trong thời đại này, không được nhiều người nhấn vào'.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên