01/04/2021 10:19 GMT+7

Giới trẻ đọc sách in và sách online khác ra sao?

C.NHẬT (Theo NYTimes)
C.NHẬT (Theo NYTimes)

TTO - Radesky nêu một vấn đề chung cho giới trẻ là 'những thứ khiến bạn suy nghĩ, thậm chí nghĩ một cách sâu sắc thì lại rất khó 'bán' trong thời đại này, không được nhiều người nhấn vào'.

Giới trẻ đọc sách in và sách online khác ra sao? - Ảnh 1.

Văn hóa đọc ở giới trẻ hiện chịu nhiều tác động của công nghệ - Ảnh: COTTONBRO

Đã hơn một năm 'sống cùng' đại dịch, hầu hết chúng ta đã dần quen với một thực tế mới là nhiều hoạt động của bản thân dần dịch chuyển lên thế giới mạng.

Thói quen học tập và đọc sách không là ngoại lệ. Câu hỏi được đặt ra là có hay không những điểm khác biệt về cách thức tiếp nhận thông tin và hiệu quả nhận về?

Theo giáo sư Naomi Baron, tác giả quyển sách Chúng ta đang đọc như thế nào? Những lựa chọn chiến lược cho các phương thức như ấn phẩm in, online và sách nói, trước giờ chúng ta có khuynh hướng tìm đến màn hình máy tính để có niềm vui, sự thoải mái hay tương tác xã hội. Chính vì điều đó, người lớn hay trẻ nhỏ đều quen với việc tiếp thu mọi thứ trên mạng một cách nhanh chóng, không cần nhiều sự tập trung hay cố gắng. 

Khi áp dụng điều đó vào việc đọc trên mạng, nhất là với những đầu sách cần nghiền ngẫm, chúng ta có khuynh hướng không dành sự chú tâm cần thiết cho chúng.

Còn bác sĩ nhi khoa Tiffany Munzer - người có nhiều công trình nghiên cứu về khoa học hành vi và cách trẻ em sử dụng sách điện tử - nhận ra rằng các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ (đặc biệt là với các trẻ trong giai đoạn chập chững tập đi) có khuynh hướng ít nói chuyện với nhau, hay ít trò chuyện về nội dung quyển sách khi họ đọc sách điện tử cùng nhau (so với việc đọc sách in). Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng trẻ nhỏ thường thích sử dụng màn hình điện tử một mình hơn là cùng với ai đó.

Còn bác sĩ Radesky nêu một vấn đề chung cho giới trẻ ở những độ tuổi lớn hơn là "những thứ khiến bạn suy nghĩ, thậm chí nghĩ một cách sâu sắc thì lại rất khó "bán" trong thời đại này, không được nhiều người nhấn vào". 

Dĩ nhiên giải pháp cho sự trăn trở này vẫn xoay quanh việc phụ huynh nên dành thời gian để thảo luận và khơi gợi óc tò mò, đặt câu hỏi về nội dung sách cùng con.

Câu chuyện trên ở giới thanh thiếu niên thì sao? Trong một khảo sát được thực hiện trên đối tượng học sinh phổ thông lẫn sinh viên đại học, người đọc trên những trang sách hoặc tài liệu được in giấy thường đạt được điểm số cao hơn những bạn coi chúng trên màn hình điện tử.

Những sinh viên sử dụng sách, báo giấy cũng thường viết các bài luận với lối hành văn trau chuốt, phức tạp hơn. Theo William Davis - một sinh viên tại tiểu bang Texas (Hoa Kỳ), việc đọc sách, tài liệu trực tuyến cũng khiến bạn dễ xao nhãng hơn. 

"Tôi luôn đọc sách khi mở cùng lúc nhiều ứng dụng khác trên thiết bị điện tử" - William nói.

Và lời khuyên được đưa ra là dù đọc bằng phương thức nào chăng nữa, việc đọc chậm đều hữu ích, sự sát cánh, hướng dẫn của người lớn, phụ huynh là cần thiết. 

Nhưng song song đó, các giáo viên cần được hỗ trợ đào tạo để giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc trong thời đại công nghệ tác động mạnh mẽ như hiện nay. Chẳng hạn như giáo viên có thể giúp trẻ biết cách ghi chú, tô đậm... những ý quan trọng trong khi đọc sách điện tử.

Chúng ta không thể buộc trẻ rời khỏi màn hình điện tử trong đời thường hay trong việc học, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục những vấn đề phát sinh bằng cách hiểu rõ những ưu và khuyết điểm của việc đọc online.

COVID-19 đã thay đổi thói quen đọc sách như thế nào? COVID-19 đã thay đổi thói quen đọc sách như thế nào?

TTO - Đại dịch không chỉ thay đổi cách con người làm việc, dạy học, sinh sống… mà còn góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét ở thể loại và số trang sách được người trẻ lần giở.

C.NHẬT (Theo NYTimes)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên