26/12/2019 12:11 GMT+7

Những 'người nhện' xuyên Việt - Kỳ 4: Trên sóng nước miền Tây

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Miền Tây thường có các trụ điện vượt kênh lớn. Cứ 3-4 trụ lại có một con kênh. Mùa nước nổi về, nước dâng cao, có chỗ ngập sâu đến 3m, ruộng biến thành sông. Giữa biển nước mênh mông, những trụ điện vẫn nối nhau đứng vững...

Những người nhện xuyên Việt - Kỳ 4: Trên sóng nước miền Tây - Ảnh 1.

Chuẩn bị leo lên trụ điện kiểm tra - Ảnh: MY LĂNG

"Trước đây, chỗ mình đang đi là đồng ruộng đó. Mùa kia thì lội bộ không vì toàn ruộng. Khi mùa nước nổi về, nước dâng cao, có chỗ ngập sâu đến 3m, ruộng biến thành sông. Còn bên kia là kinh Vĩnh Tế. Đang mùa nước nổi nên người nơi khác tới không biết đâu.

Giữa hai cái trụ là đường biên giới Việt Nam - Campuchia", anh Hồ Trần Hải Đăng, đội trưởng Đội truyền tải điện Châu Đốc (Truyền tải điện miền Tây 3 - Công ty Truyền tải điện 4) giới thiệu.

Đi xuồng kiểm tra trụ điện

Giữa biển nước mênh mông, những trụ điện 220kV Châu Đốc - Tà Keo nối nhau đứng vững chãi. Xuồng ghe người dân đi lại ngay dưới đường dây.

Đội truyền tải điện Châu Đốc ở Châu Đốc (An Giang), thành phố giáp biên Tây Nam Tổ quốc. Địa hình ở đây đa dạng, vừa có núi, vừa có kênh rạch, sông ngòi chằng chịt.

Miền Tây thường có các trụ điện vượt kênh lớn. Cứ 3-4 trụ lại có một con kênh. Dân trồng cây, thậm chí làm nhà ngay trên bờ kênh. Đường dây vượt qua đó.

Do nằm trên địa hình ngập nước mấy tháng mỗi năm, nước làm đất chân móng mềm ra nên các móng trụ điện miền Tây đều được thiết kế đặc biệt hơn, ngập sâu trong nước nhưng không bị đổ.

Đội trưởng Đăng nói người lái ghe giảm tốc độ để tiếp cận một trụ điện.

"Dưới sông nước cũng có rắn đó. Trước khi leo lên trụ phải cầm cây khua khua", anh Đăng vừa nói vừa khua cây xuống nước quanh móng trụ đuổi rắn.

"Thỉnh thoảng tụi mình leo trụ vẫn gặp rắn làm tổ gần giữa thân trụ, nách xà. Bình thường gặp rắn đã sợ rồi. Trèo lên cao, ngẩng nhìn thấy rắn còn sợ hơn nữa", anh công nhân Dương Văn Trường cho hay.

Hôm nay, anh em Đội truyền tải điện Châu Đốc đi kiểm tra các trụ giáp biên vị trí từ 79 đến 85 và vệ sinh các đỉnh trụ.

Chỉ phía trụ điện xa xa trước mặt, đội trưởng Đăng cho hay đó là trụ 84, trụ cuối cùng giáp ranh giữa Việt Nam và Campuchia. Đường dây 220kV Châu Đốc - Tà Keo này dài 26,5km, đã đóng điện từ tháng 1-2009.

"1/3 trụ điện ở trên đồng ruộng khô, còn lại 2/3 khi nước lũ về bị ngập. Hơn một nửa trụ nằm ở vị trí khó khăn dọc biên giới, nội tỉnh, nội đồng, kênh rạch chằng chịt", đội trưởng Đăng cho biết.

Những người nhện xuyên Việt - Kỳ 4: Trên sóng nước miền Tây - Ảnh 2.

Mùa nước nổi, các trụ điện ngập trong nước, công nhân truyền tải điện miền Tây phải đi kiểm tra bằng xuồng - Ảnh: MY LĂNG

Không biết bơi cũng phải biết bơi

Ở đây, từ tháng 8 đến tháng 12 nước nổi về. Có chỗ ngập 1,5m, có chỗ sâu gần 3m. "Do đặc thù mạng lưới sông rạch chằng chịt, các trụ điện lại cách xa nhau, mùa nước nổi đi kiểm tra tuyến, sửa chữa đường dây tụi mình không thể đi đường bộ. Những khu vực nước ngập sâu thì phải thuê ghe, thuê xuồng.

Đặc biệt có đường dây ở Kiên Bình giáp Kiên Giang dài 10km anh em phải đi xuồng, không có đường vô. Mỗi ngày đi xuồng đi ghe hàng chục kilômet kiểm tra tuyến", đội trưởng Đăng cười bảo.

Tuyến đường dây ở đây, những trụ xa nhất đều ở sông nước. Do đặc thù kênh rạch không lớn nên khoảng trụ không xa như những khu vực khác, chỉ cách nhau 400-450m. Mỗi lần đi kiểm tra, đội phân công một nhóm phụ trách 10-13 cột tùy địa hình dễ hay khó đi. Một số trụ không thể đi thẳng, phải đi vòng mất nhiều thời gian.

Một số vị trí trụ không có dân ở, anh em không thuê được xuồng, phải bơi từ trụ này qua trụ kia.

"Lũ về, có những chỗ nước chảy rất xiết. Đồng ruộng ngập sâu mênh mông không có chỗ nào bám khi xảy ra sự cố. Anh em ai cũng biết bơi nhưng vẫn phải mặc áo phao đảm bảo an toàn. Có lần gặp ghe lớn của dân chạy ngang qua, sóng lớn mà xuồng mình nhỏ nên bị lật. Cũng may mọi người biết bơi, lại có áo phao nên chỉ ướt người thôi", anh Trường cho hay.

Làm việc trên sông nước nhiều nên bơi là kỹ năng các thành viên trong đội phải có. Nói là dân miền Tây chứ không phải ai cũng biết bơi.

"Không biết bơi mà vô truyền tải điện miền Tây cũng phải biết bơi thôi. Hồi mới vô đội, mình cũng không biết bơi. Khi nhận việc thì đơn vị đào tạo bơi. Do đặc thù công việc sông nước miền Tây nên mình cố gắng tập cho đến khi bơi thành thạo. Giờ thì đi công tác yên tâm rồi", anh Trường cười kể.

Hỏi mùa nào cực hơn, anh em Đội truyền tải điện Châu Đốc trải lòng mùa nước nổi hay mùa khô đều có cái cực riêng. Mùa khô thì cứ đi bộ có ngày gần như dọc tuyến vì đất ruộng sình lầy, không đi xe được. Nhưng mùa mưa đến thì lại hay mưa.

"Mưa, lội ruộng nước lầy lắm - anh Trường cho hay - Cứ 3-4 trụ khô lại có 1-2 trụ cắm trên đồng ruộng sình lắp xắp. Đất sét lội vô rất khó, rút chân lên đôi giày nằm dưới bùn! Đi bộ 2-3km mới ra tới đường đất.

Mùa khô, anh em đi kiểm tra tuyến vẫn ướt vì phải lội kênh nhỏ. Cứ mấy trụ khô lại có trụ nằm trên kênh thoát nước. Anh em đi kiểm tra tuyến mặc một bộ đồ ướt từ sáng đến chiều vì chưa kịp ráo người lại lội kênh, lội sình".

Gắn bó với nghề truyền tải điện từ năm 24 tuổi, đến giờ đã 10 năm, anh Trần Thái Hậu vẫn không quên lần đầu tiên mới leo lên trụ: "Hồi mới vô leo trụ run lắm, không dám nhìn xuống, muốn xỉu luôn đó. Cao quá mà'.

"Trụ bình thường 30m, cao nhất 44m. Mấy anh hướng dẫn, chỉ kinh nghiệm là đừng nhìn xuống mà nhìn ngang. Một, hai lần rồi quen", anh Hậu bẽn lẽn cười nhớ lại và khẳng định dân truyền tải điện phải có sức khỏe tốt.

"Công việc tụi mình chủ yếu ngoài đường dây - anh Hậu giải thích - Nếu không có sức khỏe, không thể leo từ dưới mặt đất lên những trụ cao 60-70m. Không đủ thể lực, trèo được lên một trụ là đuối rồi, lại còn phải leo dây, ra sứ làm việc hàng tiếng đồng hồ trên đó".

Đội trưởng Hồ Trần Hải Đăng cho biết do đường dây đội quản lý, vận hành nằm ở khu vực giáp biên nên việc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện khá phức tạp. Các kỹ sư, công nhân truyền tải điện ở đây phải kiểm tra định kỳ mỗi tuần một lần.

Hằng tuần, đội đều đưa danh sách báo cáo kế hoạch kiểm tra ngày, kiểm tra đêm cho các đồn biên phòng ở khu vực biên giới.

Đặc biệt, đội còn ký kết với đồn biên phòng, ủy ban các xã có đường dây đi qua, và vận động người dân cùng tham gia bảo vệ đường dây tải điện.

"Trước khi lũ về, từ tháng 6-7, chúng tôi vào trường học rồi đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động bà con chú ý khi di chuyển trên sông nước khi lũ về để tránh ảnh hưởng đến khu vực trụ điện, đảm bảo đường dây lưới điện vận hành an toàn, liên tục", đội trưởng Đăng tâm sự.

“Đội mình là “Liên Hiệp Quốc” đó. Đội có 16 người mà đa số từ các tỉnh về. Mỗi anh em đi biệt phái 1 năm. Mình là “lính biệt phái” từ TP.HCM về miền Tây sông nước thấy cũng hay hay, cứ nghĩ mình đang đi... du lịch.

Kiểm tra tuyến xong, anh em đi câu cá, bắt chuột đồng mang về đội nấu ăn. Mùa nước nổi thì được ăn cá linh. Đêm trăng sáng đi xuồng kiểm tra tuyến, nghe anh em ca vọng cổ còn gì bằng”, anh công nhân Phan Văn Tình nói.

Lịch sử ngành truyền tải điện Việt Nam có một câu chuyện đặc biệt: đi trực thăng để sửa dây cáp quang bị đứt. Sự kiện xảy ra vào mùa nắng Tây Nguyên năm 1996.

Kỳ tới: Đi trực thăng sửa dây cáp quang

Những Những 'người nhện' xuyên Việt

TTO - Để đảm bảo dòng điện thông suốt, những người thợ truyền tải điện khắp mọi miền đất nước đang ngày đêm lặng lẽ làm việc gian nan, hiểm nguy, bất chấp vực sâu hay núi cao, trưa hè đổ lửa hay đêm đông rét buốt...


MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên