25/12/2019 13:03 GMT+7

Những 'người nhện' xuyên Việt - Kỳ 3: 'Lính điện' sông Đà

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Nằm cách trụ sở chính gần 300km, Đội truyền tải điện Mường Lay (thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) là đơn vị xa nhất của Truyền tải điện Tây Bắc 2. Khu làm việc của đội nằm trên đồi cao, nhìn ra thấy sông Đà và bốn bề là đồi núi trập trùng.

Những người nhện xuyên Việt - Kỳ 3: Lính điện sông Đà - Ảnh 1.

Công nhân truyền tải điện đang thao tác sửa chữa trên đường dây - Ảnh: Đậu Đình Đức

Với lính truyền tải điện Mường Lay, không hiếm lần mưa gió, mây mù bất chợt kéo đến khi đang chót vót trên trụ cao. Mà có gặp mưa, anh em vẫn phải ngồi trên đó chờ tạnh tiếp tục làm. Mùa đông có lúc phải chờ một tiếng rưỡi gió thổi hết mây mù mới kiểm tra tiếp.

Đậu Đình Đức

"Tụi mình là tiên hết đấy"

Ở thị xã nhưng khu nhà của đội tách biệt hẳn với dân. Mấy chú chó nhàn đến độ chẳng cần phải sủa canh vì cả ngày không một người khách, người dân nào ngang qua. Quanh quẩn chỉ có 11 anh em kỹ sư, công nhân đi tuyến về là ngủ nghỉ ngay tại đội.

"Ở đây tụi mình là tiên hết đấy - đội trưởng Đoàn Thanh An hài hước - Núi non đẹp như tiên cảnh. Sáng sớm sương trắng bồng bềnh. Không ô nhiễm, ồn ào nhưng buồn lắm. Chỉ mong có người lạ cho vui. Chiều nhớ nhà, mấy anh em cứ đi lang thang quanh đồi nhìn ra núi, ra sông Đà".

Đội trưởng An người Thái Bình, 15 năm công tác ở Truyền tải điện Tây Bắc 2. Ra trường từ năm 1998, cưới vợ xong là đi biền biệt, 21 năm xa gia đình. Con của anh, một bé học lớp 11, một bé mới 5 tuổi. Nhưng đội trưởng An không phải người duy nhất trong đội phải xa vợ con. Cả đội có 11 cán bộ công nhân viên thì chỉ có một người là dân bản địa. Còn lại 10 người đều ở dưới xuôi lên: Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh...

Hầu hết anh em trong đội đã lập gia đình và vẫn để vợ con ở quê. "Anh em chịu khó làm cả thứ bảy, chủ nhật để một tháng được nghỉ bù một lúc bốn ngày về thăm nhà. Đường sá đi lại xa xôi quá, nghỉ hai ngày không về kịp được. Như mình về Thái Bình cả đi và về đã mất gần hai ngày. Về đến nhà là 5-6h sáng. Lúc đó con đang chuẩn bị đi học, vợ chuẩn bị đi làm. Mình về là đưa con đi học luôn", đội trưởng An chia sẻ.

Chỉ mấy lá cờ căng gió, đội trưởng An bảo hai tháng trước gió rất mạnh không dám treo cờ, khi nào có khách lên mới treo. "Luồng gió sông Đà thổi đúng vào khu vực của đội. Năm ngoái gió thổi đánh bật tất cả cửa kính tòa nhà đối diện. Bên mình bay mất mấy cái bóng đèn ngoài cổng! Ở đây gió không theo hướng mà theo khe, thổi từ các khe núi ra. Ở đây hướng này, lên trụ lại thổi hướng khác", đội trưởng An cho hay.

Các trụ điện ở đây rất cao: có trụ cao 67m, có trụ cao 73m! Lính truyền tải ra dây kiểm tra các mấu nối, dân ở dưới nhìn lên cứ tưởng chim đang đậu trên trụ điện. Đội truyền tải điện Mường Lay quản lý 60km đường dây, có vị trí trụ nằm giữa sông Đà. "Leo lên cao thấy một bên là núi, một bên là vực, nhìn xuống sóng nước làm cảm giác trụ cứ bồng bềnh - đội trưởng An cho hay - Mùa mưa lũ phải thuê thuyền gỗ ra giữa sông kiểm tra, rất nguy hiểm. Đơn vị được cấp một thuyền phao nhưng tròng trành ngồi khiếp hãi. Người cứng lắm mới dám chèo. Đội này chỉ có mình dám chèo. Nhưng mùa mưa gió, nước sông Đà không chảy thành dòng mà cuồn cuộn, mình cũng không dám đi thuyền phao. Gió thổi lật thuyền phao ngay, phải thuê thuyền dân".

Ngoài số trụ điện vượt sông Đà, nhiều trụ do đội quản lý nằm trên đồi núi. Mùa mưa chỉ sợ sạt lở và đá lăn. Năm ngoái đá rơi từ trên núi xuống khiến người dân bị thương vong, hư hại tài sản. Ở đây nắng hay mưa, mỗi lần đi tuyến kiểm tra, anh em phải đi bộ, xe không đến được. "Nếu có nghề nào mà giữ kỷ lục đi rừng, trèo đèo lội suối nhiều nhất Việt Nam thì chắc chắn là dân truyền tải điện Tây Bắc và Đông Bắc bọn mình", đội trưởng An cười khẳng định.

Anh kể có trụ đường đi lên toàn dốc đứng lại ngoằn ngoèo. "Sức trẻ bọn mình đi vẫn căng chân, đi không nghỉ mà hai tiếng đồng hồ mới lên. Có lúc anh em cứ động viên nhau: sắp đến rồi. Nhiều anh em đi về là cà nhắc. Đi lên mệt sức, đi xuống thì chùng đau đầu gối", đội trưởng An bảo.

Những người nhện xuyên Việt - Kỳ 3: Lính điện sông Đà - Ảnh 3.

Một bữa cơm của những người thợ truyền tải điện - Ảnh: Đậu Đình Đức

Vắt cắn cũng kệ

Đi không đã mệt. Vậy mà nhiều lần anh em phải khuân vác máy, bút thử điện, dây thừng, dây cáp, máy ép đầu cốt 100 tấn (gần 50kg), palang xích (gần 70kg)... lên trụ. "Cực kỳ mệt. Có lúc anh em mệt quá nằm bò ra, vắt cắn cũng kệ. Đã lên đất này không ai không bị vắt cắn. Vắt mùa nào cũng có. Mình bị cắn sưng chân hơn nửa tháng. Nó cắn no xong nhả mồm ra, máu chảy chán chê thì thôi. Băng dán cá nhân lúc nào cũng phải có trong người, bịt lại nhưng nhiều con cắn sâu quá, làm việc một tí là bung ra chảy máu tiếp. Anh em phải nhét thuốc lào, thuốc lá cầm máu lại", đội trưởng An kể.

Đậu Đình Đức, người đã bảy năm gắn bó với mảnh đất này, bảo Mường Lay là "biển lửa" theo câu ca của dân ở đây. Bao quanh Mường Lay là núi. Mùa nắng không có gió, bí nóng. Leo núi, mệt, ngột ngạt, không thở nổi, phải nghỉ trong bóng mát mới dám đi tiếp. Mùa hè có khi 40 độ, ngồi trên thanh trụ nóng rát như ngồi trên chảo mỡ! Làm việc trên trụ cao 50-70m sau 1-2 tiếng phải thay người để tránh tình trạng mệt quá, bị say nắng.

"Khi cắt điện để sửa chữa đường dây, anh em phải tranh thủ làm cả trưa. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì không trả điện được đúng quy định, ảnh hưởng chất lượng truyền tải điện, người dân không có điện dùng. Nhiều khi anh em kéo cơm lên ăn ngay trên trụ, làm xuyên trưa đến 16h30", anh Đức kể.

Cứ mỗi tháng một lần, khi đi kiểm tra định kỳ, những người lính truyền tải điện kết hợp vận động bà con tham gia bảo vệ hành lang lưới điện cao áp 500kV. Dân chủ yếu là đồng bào người Mông, Thái, Khơ Mú... không sõi tiếng phổ thông. Khi tiếp xúc với bà con, phải nhờ người của đội bảo vệ đường dây (là dân bản địa) làm phiên dịch phụ.

"Chữ bà con cũng không thạo nên mình phải dùng hành động, chỉ trỏ vào hình ảnh trong tờ rơi để họ hiểu. Phải chịu khó giải thích từng chi tiết một. Chẳng hạn, họ bảo "từ mép dây ngoài cùng là chỗ nào tôi không biết?", mình phải dẫn bà con ra dây dẫn, chỉ cho biết thế nào là khoảng cách an toàn", đội trưởng An kể.

Đội trưởng An tâm sự để giải phóng hành lang một khoảng trụ thì công tác dân vận phải rất khéo. Đặc thù của đường dây 500kV là từ trường mạnh hơn đường dây 220kV nên tiếng kêu to hơn. Có trụ điện đi qua gần nhà dân, bà con đòi dỡ trụ điện đi, ồn không ngủ được.

"Rồi có người bảo đường dây đi qua ao cá nhà tôi, cá không lớn được, đòi đền bù cả ao! Mình phải khéo léo, kiên trì, đến nhiều lần thăm hỏi. Có khi chỉ cần gói quà, cái áo cho con em họ. Ngày mùa xuống gặt lúa giúp bà con, vậy là họ quý, hỗ trợ mình. Đồng bào trên này tính thật thà, tình cảm", An trải lòng.


"Không biết bơi mà vô lính truyền tải điện miền Tây cũng phải biết bơi. Hồi mới vô đội mình cũng không biết bơi, do đặc thù việc sông nước nên cố tập cho đến khi bơi thành thạo".

Kỳ tới: Giữ điện trên sóng nước miền Tây

Những Những 'người nhện' xuyên Việt - Kỳ 2: Băng rừng, lội nước xuyên đêm

TTO - "Mỗi lần đi kiểm tra đêm phải trang bị kỹ thế này", kỹ sư Lê Huy Khánh (Đội truyền tải điện Hà Giang) vừa nói vừa áp xà cạp chống vắt, chống rắn cắn vào ống chân, thả gấu quần xuống, cột thật chặt lại rồi mới đi ủng.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: xuyên Việt Những