24/12/2019 08:14 GMT+7

Những 'người nhện' xuyên Việt - Kỳ 2: Băng rừng, lội nước xuyên đêm

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - "Mỗi lần đi kiểm tra đêm phải trang bị kỹ thế này", kỹ sư Lê Huy Khánh (Đội truyền tải điện Hà Giang) vừa nói vừa áp xà cạp chống vắt, chống rắn cắn vào ống chân, thả gấu quần xuống, cột thật chặt lại rồi mới đi ủng.

Những người nhện xuyên Việt - Kỳ 2: Băng rừng, lội nước xuyên đêm - Ảnh 1.

Các công nhân nghỉ mệt khi leo lên ngọn núi để kiểm tra trụ điện - Ảnh: MY LĂNG

Leo đồi núi giữa đêm đen

Ngồi cạnh anh Khánh, những đồng nghiệp khác cũng đang nai nịt thật kỹ để đi kiểm tra tuyến đêm. Ngoài xà cạp chống rắn cắn, mỗi người còn phải chuẩn bị đèn pin cầm tay, đèn pin nhỏ đeo trên mũ, dao phát, dây an toàn và một cái túi đựng những dụng cụ chuyên dùng.

Đêm nay, Đội truyền tải điện Hà Giang hành quân đi kiểm tra đêm định kỳ quý. "Cứ ba tháng đi kiểm tra đêm một lần vào tháng cuối quý", đội trưởng Nguyễn Như Quỳnh cho hay. 

Đội có 12 người, đến vị trí kiểm tra là rải quân, cứ một nhóm 3-4 người đi kiểm tra 5-6 trụ. Hai trụ đầu tiên là 19 và 20 đường dây 220kV Malutan - Hà Giang. Chúng tôi phải leo lên một đồi trồng mì, vừa đi vừa phát cây. Đứng dưới nhìn thấy bình thường nhưng chỉ leo lên chừng 10 phút đã thở không nổi. Có lúc trơn quá, tôi bị trượt lùi lại, phải có người đi trước kéo lên.

"Cẩn thận, có cái hố ở đây đấy. Từ đây đi lên còn mấy hố nữa", đội trưởng Quỳnh cảnh báo. Đó là những hố do người dân đào, vô tình trở thành "cái bẫy" nguy hiểm trong đêm tối. Đội trưởng Quỳnh nói các lưới điện truyền tải trên địa bàn Đông Bắc, Tây Bắc đa số trên địa hình đồi núi rất hiểm trở. Anh em đi kiểm tra tuyến ban ngày leo đồi đã vất vả, nhưng ban đêm còn vất vả hơn.

Đường sá leo đồi núi lên cột rất nguy hiểm. Có lần đi kiểm tra đường dây đêm qua suối nước to, họ phải mặc áo phao, nắm tay dìu nhau dò dẫm qua. "Kiểm tra đêm rất quan trọng. Đêm tối mình mới phát hiện đường dây có vị trí nào phát nhiệt, phóng điện, hồ quang không. 

Nếu các khóa néo, các điểm tiếp xúc của lèo, ống nối, đầu cột lèo, đầu cột dây dẫn, mối vấn, mối vá, mối nối... có tiếng kêu bất thường hoặc bị phát nhiệt thì những điểm đó sẽ phát đỏ, chớp ra tia lửa trong đêm tối" - anh Quỳnh cho hay.

Đội trưởng Quỳnh cho biết thêm ban ngày họ khó phát hiện được. Đi kiểm tra đêm thì quan sát bằng mắt thường và ống nhòm ban đêm, nhưng chủ yếu là nhìn bằng mắt thường. Thấy điểm nào phát nhiệt thì họ ghi chép, chụp ảnh về chờ cắt điện xử lý. Hôm sau họ cầm máy soi phát nhiệt đi soi xem nhiệt độ nếu vượt quá quy định thì xin cắt điện xử lý ngay. Còn không thì chờ cắt điện mới xử lý...

Leo lên đến trụ 19, mọi người đồng loạt chiếu đèn pin lên các vị trí mối nối, mối vá, tập trung quan sát bằng mắt thường trong khoảng năm phút. "Không có gì bất thường. Nếu có là nó phát đỏ hoặc có tia lửa xẹt ra, nhìn thấy ngay", kỹ sư Khánh vừa nói vừa đánh dấu thời gian kiểm tra định kỳ đêm lên thân trụ.

Kiểm tra xong trụ 19, cả nhóm đi xuống đồi để lên trụ 20 cách đó mấy trăm mét. Đêm lạnh mà đi xuống đồi cũng toát mồ hôi! Đi lên thì chân nặng, tim mệt, nhưng đi xuống thì đồi dốc, phải đi như chạy chứ không đi bình thường được. Đêm đó hơn 23h, chúng tôi mới từ trên đồi về sau khi đi kiểm tra gần chục trụ điện. 

"Có hôm 1-2h sáng anh em mới về đến đội. Vất vả nhất là mùa đông. Có lúc lạnh 6-7 độ lại còn sương mù, mưa gió. Anh em mặc 5 - 6 cái áo mà răng vẫn đập lập cập. Chân tay tê cứng. Nhưng để đường dây được vận hành an toàn thì anh em truyền tải phải chịu vất vả", đội trưởng Quỳnh bảo.

Những người nhện xuyên Việt - Kỳ 2: Băng rừng, lội nước xuyên đêm - Ảnh 2.

Nhiều lần, thợ truyền tải điện miền Tây phải lội nước đi kiểm tra tuyến đêm - Ảnh: MY LĂNG

Xuyên qua "rừng ma"

Còn ở Đội truyền tải điện Mường Lay (Điện Biên) - đơn vị xa nhất của Truyền tải điện Tây Bắc 2, cách trụ sở chính gần 300km - thì có những trụ nằm giữa sông Đà, đêm tối anh em vẫn phải thuê đò ra giữa sông kiểm tra. Đội quản lý 60km đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu có trụ xa nhất cách đơn vị 45km, đi bộ từ chỗ dừng xe lên trụ hơn ba tiếng đồng hồ!

Nhiều lần đi kiểm tra đêm, anh em thấy rắn độc trườn qua ngay trước mặt. Rồi vắt đêm. Rồi sương mù trơn trượt. "Một tổ đi ít nhất lúc nào cũng phải có hai người đi cùng, có chuyện gì còn hỗ trợ nhau được. Có người trượt chân bị lật sơmi, phải dìu, cõng đi", anh công nhân Đội truyền tải điện Mường Lay Bùi Xuân Lợi kể. Khác với đường dây 220kV, cường độ điện trường của đường dây 500kV lớn hơn. Đêm mùa đông làm việc dưới đường dây lâu, ai về cũng thấy mệt mỏi hơn.

Nhưng ngoài vắt, rắn, lạnh buốt hay mệt mỏi trên đường núi đồi, họ còn thường đi xuyên qua những "cánh rừng ma" - nơi chôn người chết của dân bản.

Anh Đậu Đình Đức, 31 tuổi, người Hà Tĩnh, kể: "Có những vị trí phải đi qua "rừng ma" mới lên được trụ. Người ta cắm trên mộ nhiều cờ, gió thổi phần phật. Rồi xoong nồi treo lủng lẳng, đêm tối nghe loảng xoảng lạnh cả người. Hai anh em cứ đấu lưng nhau rọi đèn pin kiểm tra trụ. Có lúc gặp dân bản đi săn. Họ mang theo chó. Đêm tối soi đèn pin thấy mấy con mắt sáng lòe lên ngay giữa nghĩa địa, giật cả mình".

Đình Đức tâm sự có đêm trời đang đẹp tự nhiên mưa. Tối tăm mù mịt, không xác định được đường đi. Đêm tối giữa núi đồi, rẽ chỗ nào cũng thấy giống nhau. Cắm cọc đánh dấu nhưng loay hoay cả tiếng đồng hồ vẫn quay lại điểm đó. Cuối cùng phải gọi cho người bản địa bảo vệ đường dây khu vực đó đến dẫn về.

Đêm băng đồng, lội nước

Ngược lại miền núi, đồng bằng miền Tây Nam Bộ với địa hình thấp lại có những nỗi vất vả riêng của người thợ truyền tải điện. 

"Vị trí mình đang ngồi sâu 2,5m tính từ ruộng lên chân trụ đó", anh Lê Thành Phi, công nhân Đội truyền tải điện Châu Đốc (An Giang), nói. Đêm nay đội kiểm tra đêm từ trụ 50 đến 57 tuyến đường dây 220kV Châu Đốc - Tà Keo. Chỗ xuồng chúng tôi đang dừng là trụ 53. "Không phát hiện có gì bất thường. Kiểm tra đêm để xem có hiện tượng phát sáng hồ quang của chuỗi sứ hay không thì kịp thời cắt điện sửa chữa", anh Hồ Trần Hải Đăng, đội trưởng Đội truyền tải điện Châu Đốc, cho hay.

Đội quản lý đường dây 220kV Châu Đốc - Tà Keo gồm 84 trụ điện, trong đó 1/3 trụ đứng trên khu vực cao, còn lại 2/3 trụ đứng ở khu vực bị ngập khi mùa nước nổi về. Có năm nước sâu từ 2,5-3m. "Nước sâu quá lội thì không nổi, phải thuê đò. Đêm mà không thuê được ghe thuyền thì phải bơi một khoảng xa dưới kênh, dưới đồng", anh công nhân Trần Thái Hậu nói.

"Quy định của công ty phải đi hết đêm. Anh em đi tới 5h sáng là mệt rồi lại còn lội nước, sương lạnh nữa nên đuối dữ lắm. Để đảm bảo cho đường dây vận hành an toàn thì phải cố gắng hoàn thành, đi là phải đi hết các trụ, không được phép bỏ dở", đội trưởng Đăng mỉm cười tâm sự.

Rất sợ bẫy điện

Nguy hiểm nhất là những bẫy chuột làm bằng dây điện mà người dân giăng mắc khắp ruộng đồng.

"Ở đây dân giăng dây điện bẫy chuột nhiều lắm - đội trưởng Hải Đăng bảo - Thường bà con canh khuya khuya là giăng dây điện bẫy chuột vào phá. Trước khi đi mình phải báo cho dân biết đặng rút điện ra. Nhưng có khi họ vẫn quên. Có khi chính người làm bẫy chuột cũng bị thiệt mạng vì quên không rút điện ra".

"Nếu có nghề nào mà giữ kỷ lục đi rừng, trèo đèo lội suối nhiều nhất Việt Nam thì chắc chắn là dân truyền tải điện miền núi bọn mình" ...

Kỳ tới: "Lính điện" sông Đà

Những Những 'người nhện' xuyên Việt

TTO - Để đảm bảo dòng điện thông suốt, những người thợ truyền tải điện khắp mọi miền đất nước đang ngày đêm lặng lẽ làm việc gian nan, hiểm nguy, bất chấp vực sâu hay núi cao, trưa hè đổ lửa hay đêm đông rét buốt...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: xuyên Việt Những