23/12/2019 12:49 GMT+7

Những 'người nhện' xuyên Việt

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Để đảm bảo dòng điện thông suốt, những người thợ truyền tải điện khắp mọi miền đất nước đang ngày đêm lặng lẽ làm việc gian nan, hiểm nguy, bất chấp vực sâu hay núi cao, trưa hè đổ lửa hay đêm đông rét buốt...

Những người nhện xuyên Việt - Ảnh 1.

Trụ điện trên đỉnh núi đá tai mèo cao nên phải leo rất vất vả - Ảnh: MY LĂNG

7h30. Chỉ trụ điện nằm chơ vơ trên đỉnh núi đá cao, anh Nguyễn Như Quỳnh, đội trưởng Đội truyền tải điện Hà Giang (Truyền tải điện Đông Bắc 3 - Công ty Truyền tải điện 1), bảo: "Đó là trụ vị trí 21 đường dây truyền tải điện 220kV Malutan - Hà Giang.

Sáng nay chúng tôi sẽ leo lên kiểm tra. Trụ trên đỉnh núi đá tai mèo, sắc lắm, rất nguy hiểm. Đi bằng cả chân cả tay. Lên bằng chân nhưng xuống bằng mông, bằng tay đó".

“Đi mệt quá, anh em hay tếu táo bằng những nụ cười. Tụi mình cứ tự hào bảo dân truyền tải điện khỏe hơn dân văn phòng. Anh em nói đùa là Nhà nước trả tiền cho tụi mình đi thể dục đấy. Ngày nào cũng được đi tập gym. Leo đồi núi nhiều quá mà.

Anh PHA VĂN HÙNG

Leo núi tìm "em yêu"

Trụ 21 ở thôn Nà Thài, xã Phương Tiến (Vị Xuyên, Hà Giang) là một trong 252 trụ mà Đội truyền tải điện Hà Giang quản lý. Đội có rất nhiều trụ điện nằm trên đỉnh núi đá, nhưng trụ 21 này nằm trên đỉnh núi cao và dốc nhất.

Những thợ truyền tải điện như "người nhện" bắt đầu bám vào mỏm đá leo lên. Mỗi người mang theo một chai nước, một cái rựa, dây an toàn và túi đựng thiết bị chuyên dùng.

Trên vách núi dựng đứng, những cạnh đá tai mèo sắc nhọn lởm chởm chĩa ra tứ phía. Người đi trước chặt các cành cây gai chắn ngang, nhưng gai nhiều quá, có người bị cào tứa máu lúc nào không hay.

Vách núi hẹp, dựng thẳng đứng, chỗ nào cũng chỉ đủ để một người đứng bám vào. Có lúc nhìn trái, nhìn phải, nhìn lên, không biết phải bám vào đâu mà leo tiếp. Mọi người cẩn trọng bám vào từng mỏm đá, lấy sức leo lên và tránh không để tay chân bị đá cứa.

Những người nhện xuyên Việt - Ảnh 3.

Trèo 1 giờ trên vách đá, các công nhân Đội truyền tải điện Hà Giang phải nghỉ mệt để có thể leo lên trụ làm việc - Ảnh: MY LĂNG

Nhiều lần ngước lên trời xanh, rồi nhìn lại dưới chân là vực đá rợn người. Những thợ truyền tải điện chẳng khác gì người nhện đang bám vào vách đá.

Núi cao 500m! Lần nào ngẩng lên cũng vẫn thấy vách núi dựng đứng! Đã 40 phút trôi qua vẫn chưa thấy trụ điện đâu. Cái mệt, cơn khát dữ dội ập đến. Tôi cảm giác chỉ thở thôi không cũng không còn sức. Đôi chân nặng trĩu không bước nổi theo ý mình.

Rất nhiều lần cả nhóm phải dừng lại nghỉ, thở và uống nước. Mặt mũi, quần áo ai cũng đầm đìa mồ hôi. Thỉnh thoảng nhổ được bụi sâm đất, họ lại chia nhau.

"Leo mệt quá, anh em chỉ mong tìm được sâm đất, ăn chống khát nước. Đang mệt mà ăn vài quả là tỉnh", anh công nhân tên Hùng mừng rỡ vừa lau chùm sâm đất vừa nói.

Đây là "em yêu"

Mất 60 phút bám vách đá, chúng tôi mới lên đến đỉnh núi và thấy... "trụ 21 thần thánh".

"Đây là "em yêu" - anh Hùng gạt mồ hôi, mỉm cười bảo - Tụi mình gọi trụ điện là "em yêu". Anh em đi tuyến, leo lên chừng nào mà thấy trụ điện là mừng giống như thấy người yêu".

Cả đội ngồi nghỉ mệt dưới chân trụ chứ không thể leo lên làm ngay được.

Những người thợ truyền tải điện kể năm 2007 khi xây dựng trụ 21 này, toàn bộ vật tư, thiết bị phải dùng tời từ dưới đưa lên đỉnh. Lực lượng thi công thuê ngựa của bà con, nhưng đến ngựa cũng không lên được vì núi đá tai mèo vách dựng thẳng đứng.

Những người nhện xuyên Việt - Ảnh 4.

Để leo lên và làm việc được ở những trụ điện cao mấy chục mét trên đỉnh núi, những “người nhện” này phải có sức khỏe rất tốt, không sợ độ cao và kỹ năng làm việc trên dây - Ảnh: MY LĂNG

Sau một hồi lại sức, trong khi một nhóm phát cỏ chống cháy quanh chân trụ thì hai công nhân khác siết lại dây tiếp địa ở chân trụ. Nhóm ba công nhân khác thì đeo dây an toàn, leo lên trụ kiểm tra, siết lại các bulông.

Đội trưởng Quỳnh nói trụ 21 được dựng trên địa hình toàn đá, không có tí đất nào nên phải thường xuyên kiểm tra, xử lý những điểm tiếp xúc của dây tiếp địa.

Với họ, trụ 21 này có rất nhiều kỷ niệm. Đội trưởng Quỳnh kể: "Hai lần chúng tôi phải bốc đá lên để kiểm tra hệ thống tiếp địa. Lần thứ nhất lên kiểm tra hệ thống tiếp địa có đúng thiết kế hay không, phải dùng tay bốc đá từ móng trụ lên với chiều sâu 2m. Làm ngày này qua ngày khác, bốc đá từ sáng đến chiều. Rất vất vả".

Năm 2018, trụ 21 xảy sự cố do sét. Chỉ trong một tháng, anh em phải leo lên 10 lần để xử lý, lại phải bốc đá lên đo, kiểm tra hệ thống tiếp địa, xử lý những điểm tiếp xúc của hệ thống tiếp địa để có phương án tiếp theo.

Có hôm người mang cơm trưa lên cho anh em, gần đến trụ thì trượt chân ngã, rơi đổ hết đồ ăn. Anh em nhặt ăn tạm được mấy quả trứng, rau dưa rồi tiếp tục công việc.

Những người nhện xuyên Việt - Ảnh 5.

Dốc núi cao dựng đứng đầy đá tai mèo luôn là những thử thách với các “người nhện” - Ảnh: MY LĂNG

Lên bằng chân, xuống bằng mông

Đúng như đội trưởng Quỳnh nói, núi đá này "lên bằng chân, xuống bằng mông". Có chỗ phải quay mặt vào núi, bám vào từng mỏm đá dò dẫm đặt chân xuống. Nhiều chỗ khó quá phải quay mặt lại, ngồi xuống, hai tay bám chặt vào đá, đưa từng chân xuống.

Hai đầu gối tôi lẩy bẩy. Nhiều lần tôi phải dừng lại, cố tập trung để không bị hoa mắt và bước vững, vì chỉ cần khuỵu chân là chúi đầu xuống sườn núi đầy đá tai mèo như lưỡi dao.

Đó là một trong những trụ gian nan nhất của Đội truyền tải điện Hà Giang và tỉnh này cũng là một trong những tuyến trọng điểm khó khăn nhất của Công ty Truyền tải điện 1.

Đội quản lý đường dây 220kV từ cửa khẩu Thanh Thủy đến hết huyện Bắc Mê (Hà Giang). Địa hình toàn đồi núi hiểm trở. Các đường dây truyền tải nằm chủ yếu trong rừng sâu, trên đỉnh núi và sát khe vực.

"Đội có 11 người. Mỗi lần đi kiểm tra tuyến, cứ một nhóm hai người phụ trách 4-5 cột. Ngày nào cũng đi bộ hàng chục kilômet đường rừng, đồi núi. Bình thường một vị trí trụ leo lên mất 40 - 45 phút. Có trụ đi một tiếng rưỡi chưa đến được.

Có trụ anh em đi bộ 4-5 tiếng đồng hồ mới đến mà phải đi từ 4-5h sáng. Như trụ 16 ở xã Kim Thạch, cách đội chỉ 20km nhưng phải đi từ lúc sương chưa tan, 5h sáng vì trụ nằm ở đỉnh núi cao", đội trưởng Quỳnh cho hay.

Những người nhện xuyên Việt - Ảnh 6.

Trụ điện cao mấy chục mét trên đỉnh núi - Ảnh: MY LĂNG

Nhưng những khó khăn, nguy hiểm đó vẫn chưa bằng khi đi kiểm tra tuyến ở những trụ gần biên giới. Đó là những trụ điện xa nhất thuộc cuối tuyến của đường dây mạch 220kV Malutan - Hà Giang ở xã Đường Âm (Bắc Mê, Hà Giang).

Anh Dương, lái xe của đội, bảo: "Đường đi Bắc Mê dễ say xe lắm. Đường xấu kinh khủng. Từ đây vào Bắc Mê hơn 50km mà đi hơn hai tiếng mới đến".

Khu vực đó bom mìn sót lại sau chiến tranh rất nhiều. Dù đường lên trụ đã chôn cột mốc báo hiệu ranh giới an toàn nhưng rủi ro lúc nào cũng tiềm ẩn.

"Đi kiểm tra tuyến, anh em phải tuyệt đối đi trong đường đã cắm cột mốc để đảm bảo an toàn. Nhưng đến mùa mưa, cây cối mọc cao rất khó nhìn thấy cột mốc cảnh báo lại sạt lở trôi đất, mìn trôi từ chỗ này qua chỗ khác chứ có nằm im đâu!", đội trưởng Quỳnh chia sẻ.

Kỹ sư Lê Huy Khánh áp xà cạp chống rắn cắn vào ống chân rồi thả gấu quần xuống, cột thật chặt lại mới đi ủng.

Những đồng nghiệp khác cũng nai nịt như hành quân với đèn pin cầm tay, đèn pin nhỏ đeo trên mũ, dao phát, dây an toàn. Họ còn phải đi đúng đường để tránh mìn thời chiến sót lại ...

Kỳ tới: Đêm băng rừng hoang hiểm

Những người chăm sóc  cột điện, đường dây Những người chăm sóc cột điện, đường dây

TT - Luồn rừng, trèo những trụ điện cao 60 - 120m, những người thợ truyền tải có thể đu trên đó cả ngày, cõng hàng chục tấn thép lên đỉnh núi...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên