Nhớ mái tóc đẫm máu của bạn ở Trường Sơn

Chiều muộn trong căn nhà tình thương ở xã Phước Sơn (tỉnh Đồng Nai), tiếng radio phát bản nhạc Cô gái mở đường da diết làm bà Phạm Thị Hà bồi hồi.

Trường Sơn - Ảnh 1.

Những tấm ảnh chụp kỷ niệm cùng đồng đội được bà Hà gìn giữ như báu vật

Ở tuổi 79, ký ức một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên với bà. Cô thanh niên xung phong từng tết mái tóc con gái cuối cùng cho bạn trước khi nhắm mắt, nước mắt cô rơi trên mái tóc đẫm máu của bạn.

Hôm nay trên mái đầu bà Hà, những sợi tóc đã bạc trắng. Nhưng trong từng lời kể của bà, ký ức một thời tuổi trẻ rực lửa vẫn còn nguyên vẹn, nóng hổi như hố bom vừa mới lấp, như gương mặt bạn trước khi chia ly vĩnh viễn.

Tuổi 19 không son phấn mà gùi đá trên vai

Ngày 14-7-1965, Phạm Thị Hà (quê Nam Định), lúc ấy vừa tròn 19 tuổi, khoác lên mình màu áo xanh thanh niên xung phong. Không phấn son, gương lược, cô chỉ có gùi đá trên vai, tay cuốc xẻng và ý chí bền gan dọn đường cho đoàn xe chi viện miền Nam.

"Ngày ấy, tôi nghe tiếng gọi của Tổ quốc là lên đường. Cứ nghĩ đơn giản lắm, chưa biết súng đạn là gì đâu, chỉ biết mình không thể đứng yên khi Tổ quốc cần" - bà Hà kể.

Đơn vị bà đóng quân tại Quảng Bình, giữa núi rừng hoang vu. Gió lạnh thổi từng hồi lùa qua chiếc lán đơn sơ, những chiếc chăn không đủ ấm. Công việc hằng ngày của tiểu đội bà là phá đá, lấp hố bom, mở đường cho những chuyến xe chở lương thực và vũ khí vào miền Nam.

Những đoạn đường đi bị bom cày nát như tổ ong. Các cô gái tuổi mười tám, đôi mươi xông pha bom đạn, vừa phải làm nhiệm vụ vừa né máy bay rình rập trên đầu.

"Có hôm chưa kịp ăn bát cơm thì còi báo động rú lên. Bỏ bát, chúng tôi vác cuốc chạy ra liền. Có khi chúng tôi phải nhai miếng sắn sống cho xong bữa" - bà Hà kể.

Mùa nắng vùng ấy, nước sinh hoạt rất khan hiếm, cả tiểu đội chỉ có một lít nước dùng để đánh răng rửa mặt, không có nước để rửa chân, có khi cả tháng không dám gội đầu. Cơ thể ai cũng ghẻ lở.

"Vậy mà đứa nào cũng cười, đứa nào cũng hát, còn làm hẳn câu thơ "Nắng lên cho ghẻ ăn da, cho tay em gãi, em xoa nhịp nhàng" để chọc nhau cho bớt buồn" - bà Hà xúc động.

Chiến tranh lấy đi tuổi trẻ của bà, nhưng bù lại, chiến tranh lại rèn nên những tình bạn, tình đồng đội đẹp không gì có thể so sánh được. Ân tình đồng đội kể sao cho hết, các cô gái tới từ nhiều nơi khác nhau nhưng lại thân nhau như chị em ruột, cùng chung lán, chung chăn, chia nhau từng ngụm nước, từng nắm cơm sắn.

"Có hôm chỉ còn một ít cháo loãng, cả bốn người nhường nhau, rốt cuộc chia ra mỗi người một muỗng... nhưng vui. Tối nào cũng có đứa hát, đứa kể chuyện tình quê. Chúng tôi sống giữa cái chết mà vẫn giữ được tiếng cười, vẫn luôn lạc quan, yêu đời" - bà Hà tâm sự.

Tết mái tóc cho đồng đội trước khi nhắm mắt

Lục trong cái rương cũ đựng những kỷ vật một thời rực lửa cất giữ suốt bao năm, bà Hà lấy ra những tấm ảnh chụp chung với đồng đội rồi nhẹ nhàng ngắm nhìn, vuốt ve từng khuôn mặt.

Trầm ngâm một lúc lâu, bà rơm rớm nước mắt: "Nhiều bạn bè không thể trở về, hy sinh ngay trước mắt nhau, vài phút trước chị em còn cười nói, sau đó thì chỉ còn chiếc khăn dính máu" - giọng bà chùng xuống.

"Có lần tôi đang xúc đất đổ vào hố bom thì máy bay trinh sát của địch bay ngang. Tụi tôi nằm rạp xuống, thở nhưng cũng không dám thở mạnh" - bà Hà nhớ lại, mắt đỏ hoe, hai bàn tay như còn cảm giác hơi đất khét lẹt mùi đạn bom và máu xương đồng đội bám lấy da thịt.

Trận nào cũng có người bị thương, có người bị trúng bom, cụt chân, lòi ruột, đau đớn. Có người mất vài ngày sau mới tìm thấy xác. Bà Hà có cô bạn thân "hiền như cục bột" bị thương nặng, trước khi mất còn thều thào nhờ bà tết mái tóc đuôi sam "cho giống như lúc còn con gái".

Bà Hà tết tóc mà nước mắt cứ rơi xuống mái tóc đẫm máu của bạn, xuống gương mặt con gái xinh xắn nhưng đẫm máu. Đôi tay bà run run, vừa xiết từng lọn tóc, bà vừa thì thầm: "Đẹp lắm, giống như ngày mình cùng nhau đứng hát dưới cột cờ".

Bà Hà vừa tết xong mái tóc cho người bạn thì cũng là lúc bạn ra đi. Trước khi mất, bạn vẫn nắm chặt tay bà, thều thào dặn dò: "Hà ơi, tao đi rồi, mày ở lại vui nhé, phải sống thật tốt chờ tới ngày đất nước giành được độc lập, tự do".

"Đến tận bây giờ, lâu lâu tôi vẫn thường mơ thấy cảnh ấy, giật mình gọi tên bạn giữa đêm. Tóc bạn còn thơm mùi rừng, mùi đất, mùi mồ hôi... Tôi chưa bao giờ tết lại mái tóc nào nữa" - bà Hà mắt đỏ hoe rồi không thể kìm được những giọt rơi.

Trường Sơn - Ảnh 2.

Dù chiến tranh đã qua, bà Hà vẫn luôn sống mãi với một thời hoa lửa - Ảnh: NGỌC SANG

"Tôi luôn tự hào"

Năm 1969, trong một trận bom bất ngờ, bà Hà bị mảnh bom găm vào vùng tay chân và cả lưng. Vết thương rất nặng, sâu hoắm tận xương khiến bà phải rời đơn vị, để lại đồng đội mà đầy tiếc nuối.

Về hậu phương với những mảnh sắt nằm trong thịt, bà vẫn làm việc như một người lính, lần này là trên công trường vật liệu xây dựng.

"Tôi không muốn ngồi yên, tôi muốn tiếp tục góp sức, dù không còn ở tuyến lửa" - bà Hà chia sẻ.

Về sau, bà chuyển công tác và lập gia đình với một người bộ đội cùng quê hương. Bà kể ông từng nói với bà: "Em là cô gái mạnh mẽ nhất anh từng gặp".

Có với nhau bốn mặt con, nhưng những điều đẹp đẽ và hạnh phúc thường ngắn ngủi, chung sống với nhau được 8 năm thì chồng bà mất vì bệnh. Một mình bà ở vậy nuôi con cho tới bây giờ.

Sau khi đất nước giành được độc lập, những đồng đội còn sống sót mỗi người một phương. Nhưng mỗi năm vào ngày 27 - 7, họ đều tìm về họp mặt, ôm nhau mà khóc, hát những bài năm xưa, cùng ôn lại những câu chuyện về một thời khói lửa đạn bom.

Giờ đây, dù tuổi cao, mắt kém, lưng đau mỗi khi trái gió trở trời vì những mảnh đạn cũ nhưng bà Hà vẫn kể chuyện cho con cái, cho trẻ con trong xóm nghe về "các cô thanh niên xung phong ngày xưa". Mỗi câu chuyện là một mảnh ký ức mà bà gìn giữ như bảo vật.

Bà vẫn hát những bài ca cách mạng, sáng tác những vần thơ tự hào về một thời tuổi trẻ hào hùng, về nhiều đồng đội ngã xuống, và cả chuyện về những tình yêu thương chắt chiu từ những ngày gian khó.

"Tôi luôn tự hào khi được lên đường ra tiền tuyến góp sức cho ngày toàn thắng của dân tộc" - bà Hà chia sẻ.

Gia tài của bà chẳng có gì ngoài những tấm bằng khen, những bức ảnh bà thời trẻ - một thời mắt sáng, vai thẳng, đầu đội nón tai bèo, tay cầm cuốc.

Một thời con gái bà gửi lại nơi rừng sâu đầy bom đạn, nay chỉ còn lại trong những vần thơ và ký ức. Nhưng trong ánh mắt của con cháu, bà vẫn là người hùng, một người hùng tóc bạc mang trong tim thời hoa lửa không thể nào quên.

Mở quyển sổ tay, bà Hà đọc bài thơ Hồi tưởng mà mình sáng tác với giọng đầy tự hào:

"Dù cho trăm núi

nghìn phương

Không bằng nhiệm vụ

mở đường Trường Sơn

Có gì nguy hiểm nào hơn

Mưa bom bão đạn

coi thường gian nguy

...

Tấm thân được chiếu

võng dù

Cành cây làm lán,

ngủ thì đêm trăng...".

Hồi đó, đẹp nhất là được sống, được yêu và được hy sinh cho Tổ quốc. Có những lúc ranh giới sinh tử mong manh nhưng những cô gái thanh niên xung phong như bà Hà vẫn không hề sợ hãi.

"Chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức mình, cứ nghe tiếng bom dội là chúng tôi ra phá đá mở đường ngay, bởi vì chỉ cần một phút ngừng là miền Nam thêm đổ máu" - bà Hà chia sẻ.

Nhớ mái tóc đẫm máu của bạn ở Trường Sơn - Ảnh 3.65 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại

65 năm trước, gần 6.000 ngày đêm, bộ đội và dân công đã mở một con đường kéo dài 20.000km, xuyên qua 20 tỉnh thành, đi qua ba nước gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, đường Hồ Chí Minh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên