29/02/2016 10:30 GMT+7

Những người lính "mũ nồi xanh" VN ở châu Phi - Kỳ cuối: Về nhà

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Tháng 7-2015, hai sĩ quan liên lạc Việt Nam hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình (GGHB) tại Nam Sudan.

Trung tá Trần Nam Ngạn trên đường làm nhiệm vụ ở Nam Sudan  - Ảnh: nhân vật cung cấp
Trung tá Trần Nam Ngạn trên đường làm nhiệm vụ ở Nam Sudan - Ảnh: nhân vật cung cấp

 

Với thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tư lệnh phái bộ - trung tướng Yohannes Gebremeskel Tesfamariam đã ký tặng Huân chương GGHB LHQ cấp 1 và cấp 2 cho hai sĩ quan Việt Nam.

Trung tá Trần Nam Ngạn ở gần thủ đô hơn nên về Juba sớm hơn để làm thủ tục, thanh toán hết giấy tờ, các thiết bị mượn của phái bộ.

Đúng lúc sĩ quan liên lạc Mạc Đức Trọng chuẩn bị lên Juba thì chỗ anh lại xảy ra chiến sự. Toàn bộ chuyến bay của LHQ phải dừng.

“Ngạn ở Juba đợi tôi một tuần. Ngày tôi đi được rồi thì cũng là ngày Ngạn phải bay sang Uganda trước. Cậu ấy đã làm một số thủ tục giúp tôi” - thượng tá Mạc Đức Trọng kể.

Rời xa tao loạn

Ngày 3-7-2015. Chuyến bay chở hai sĩ quan quân đội Việt Nam đầu tiên làm nhiệm vụ GGHB của LHQ đã về đến sân bay Nội Bài. Thượng tá Trọng nhớ lại:

“Trên đường từ sân bay về nhà, nhìn quang cảnh Hà Nội, trong lòng có những cảm xúc xáo trộn vì hôm qua vừa từ một nơi chiến tranh, bạo lực trở về một nơi bình yên, hiền hòa; từ một nơi không có gì hôm nay đã ở một nơi cái gì cũng có sẵn.

Tôi mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc nhưng có chút nào đó bâng khuâng và nhớ các buổi đi tuần tra, nhớ những lần gặp gỡ người dân, người tị nạn, hỏi han họ xem tình hình cuộc sống thế nào.

Tôi vẫn còn một số việc chưa giải quyết xong, trong đó có việc tìm một công nhân địa phương làm việc cho LHQ.

Như chuyện một sĩ quan nhờ mình giải quyết vấn đề gia đình anh ta, chưa làm được mà đã về nước. Số là trước đây khi đất nước này hòa bình, các dân tộc sống đoàn kết, anh ta là người dân tộc Dinka lấy cô vợ người Nuer, có với nhau hai đứa con.

Khi mâu thuẫn nổ ra giữa hai sắc tộc, cô này sợ bị giết nên chạy vào trại tị nạn căn cứ Melut để được lực lượng GGHB LHQ bảo vệ. Sau đó, cô ta lại cưới một anh cùng sắc tộc.

Mỗi lần tôi đi gặp đơn vị địa phương, anh chàng sĩ quan kia đều tìm đến và đặt vấn đề LHQ phải... trả lại vợ cho anh”.

365 ngày ở Nam Sudan giờ đã là quá khứ. Nhưng những câu chuyện về đất nước tao loạn này luôn là một phần ký ức không thể quên trong cuộc đời hai người sĩ quan ấy.

“Tôi nhớ nhiều lắm. Chẳng hạn như lần máy bay bị hỏng hệ thống, động cơ ngưng hoạt động ngay trên không. Lúc đó chúng tôi đang trên đường trở về căn cứ sau một chuyến công tác. Máy bay phải hạ cánh khẩn cấp từ độ cao khoảng 700m xuống đất. Cũng may ở dưới là lối mòn và xung quanh là rừng.

Nhưng nguy hiểm còn ở chỗ đó là nơi dân quân vừa bắn chết 12 quân chính phủ, trong đó có một tướng hai sao, phó tư lệnh quân khu... Nếu dân quân ở đó biết có máy bay thì không hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra. Vị trí đó cách căn cứ đến 200km” - thượng tá Mạc Đức Trọng kể.

Đã từng sống, làm nhiệm vụ nhiều tháng ở Melut - vùng chiến sự đầy bất ổn, từng năm ngày đêm sống dưới hai làn đạn, pháo cối, tận mắt nhìn thấy những cảnh tàn sát, trả thù giữa hai phe phái, từng phải trải qua những cuộc đàm phán đấu trí đầy căng thẳng...

Chúng tôi hỏi trong những ngày đêm sống dưới hai làn pháo đạn và chứng kiến cảnh nhiều người dân chết trước mắt mình, anh có sợ, có lo lắng không, thượng tá Mạc Đức Trọng mỉm cười trả lời ngay: “Không! Sợ gì. Lúc đó mình còn phải lo phối hợp làm kế hoạch di tản khẩn cấp cho 200 nhân viên LHQ, nhân viên các tổ chức cứu trợ quốc tế. Năm ngày đạn, pháo cối giã ầm ầm vào căn cứ LHQ ở Melut, tự dưng lúc đó mình cứ thèm cái cảm giác uống cà phê ở vỉa hè tĩnh lặng Hà Nội...”.

Sĩ quan liên lạc Mạc Đức Trọng (bìa phải) cùng hai sĩ quan bảo vệ nhóm công tác tại phái bộ Nam Sudan - Ảnh: nhân vật cung cấp
Sĩ quan liên lạc Mạc Đức Trọng (bìa phải) cùng hai sĩ quan bảo vệ nhóm công tác tại phái bộ Nam Sudan - Ảnh: nhân vật cung cấp

Ký ức còn mãi

Khi về Việt Nam, trung tá Mạc Đức Trọng đã được thăng quân hàm lên thượng tá trước thời hạn. Anh Trọng từng là lính trinh sát rồi chuyển qua làm lính thông tin, tốt nghiệp Học viện Khoa học quân sự.

Kể về những ký ức không thể quên ở Nam Sudan, gương mặt người sĩ quan ấy luôn rắn rỏi, điềm nhiên.

Nhìn lại những tháng ngày đó, thượng tá Trọng chia sẻ: “Cuộc xung đột ở Nam Sudan đã ảnh hưởng tới mọi ngóc ngách của xã hội, mọi gia đình và số phận mỗi người dân vô tội.

LHQ đã tốn bao công sức, tiền của và cả sinh mạng của lực lượng GGHB để phần nào giải quyết các cuộc xung đột, thậm chí có nơi chỉ hi vọng bảo vệ được một phần dân số không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, xung đột.

Suy cho cùng, phần lớn các cuộc xung đột ở châu Phi hiện nay bắt nguồn từ vấn đề phân tranh quyền lực, tài nguyên..., rồi kéo theo các vấn đề thù hằn sắc tộc, tôn giáo...”.

Anh bảo ở Nam Sudan rất lạ là một người đàn ông có thể lấy bao nhiêu vợ tùy thích, miễn là có bò để làm của hồi môn. Vì đàn ông bị lôi cuốn vào các cuộc chiến tranh liên miên gần nửa thể kỷ, thế nên phụ nữ bị thừa ra, phải chấp nhận chung chồng.

Trong quá trình công tác, anh Trọng đã nhiều lần chứng kiến những đứa trẻ 12-13 tuổi trong tay luôn có khẩu AK.

“Chắc chắn các em muốn đi học nhưng có thể bị bắt lính, hoặc thậm chí xung phong cầm súng để bảo vệ gia đình, dân tộc mình chẳng hạn. Nhìn sâu trong ánh mắt trẻ thơ của các em, thấy rõ sự hằn thù, không biết đến thế hệ nào ở đất nước này mới có hòa bình” - thượng tá Mạc Đức Trọng nói.

Chứng kiến cảnh người dân Nam Sudan sống trong sợ hãi, lầm than vì nội chiến, thượng tá Trọng bảo anh càng cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của hòa bình, giá trị của một xã hội ổn định về chính trị và sự đoàn kết giữa các dân tộc.

Thượng tá Trọng nhìn nhận: “Hoạt động GGHB của LHQ đã có trên 50 năm, ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh và hòa bình toàn cầu.

Mặc dù có những phái bộ thất bại nhưng đa số đã góp phần quyết định để giải quyết các cuộc chiến tranh, xung đột cục bộ. Việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ dù trên thực tế còn hạn chế, nhưng là bước đi có ý nghĩa lớn lao về chính trị, đối ngoại và nhân đạo”.

Thượng tá Mạc Đức Trọng tâm sự dù đã rời Nam Sudan nhưng mọi thứ dường như vẫn còn nguyên vẹn. Mỗi lần xem báo chí thấy lực lượng LHQ ở phái bộ này phái bộ kia hi sinh, anh lại giật mình.

Anh bảo: “Tôi hình dung rất rõ cảnh họ hi sinh như thế nào vì từng chứng kiến. Người dân nói nếu không có lực lượng LHQ ở đây, có lẽ toàn bộ dân tộc Nam Sudan chết hết vì cứ trả thù nhau, tàn sát nhau, kể cả dân thường. Họ phải chạy vào căn cứ của LHQ để được sống”.

Rồi anh suy tư: “Công việc và nhiệm vụ của tôi không thể giúp đất nước họ chấm dứt chiến tranh, bạo lực, xung đột. Nhưng ở góc độ nào đó, công việc và nhiệm vụ đó lại có ý nghĩa về mặt nhân đạo. Mình đã phần nào giúp được những nạn nhân của chiến tranh đang nghèo khổ, đói khát và sợ hãi: giúp họ an toàn, bảo vệ họ.

Và đặc biệt, sự hiện diện của chúng tôi còn mang đến cho người dân niềm tin, hi vọng về tương lai”.

Ngoài trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ của LHQ, chúng tôi luôn có ý thức giới thiệu, quảng bá hình ảnh người sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cũng như truyền thống của quân đội Việt Nam.

Hầu hết sĩ quan quân đội các nước tham gia GGHB tại phái bộ đều có những hiểu biết nhất định về Việt Nam. Họ ngưỡng mộ đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại tướng của Việt Nam.

Trung tá TRẦN NAM NGẠN

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên