Chiến sự nổ ra bên ngoài hàng rào căn cứ LHQ - Ảnh: Mạc Đức Trọng |
Lực lượng ly khai người Shiluk bất ngờ tấn công quân chính phủ ở đây.
Tại sao căn cứ LHQ bị tấn công? Anh Trọng giải thích: “Trước đây lực lượng này thân chính phủ.
Sau đó, một phó chỉ huy trưởng lực lượng Shiluk bị giết khi đi tuần tra vào vùng của bộ tộc cùng sắc tộc với Thủ tướng Salva Kiir. Vị phó tư lệnh quân khu người Shiluk yêu cầu thủ tướng điều tra, bắt giữ thủ phạm nhưng chính phủ làm ngơ.
Họ phản ngược, tấn công và muốn chiếm giếng dầu gần căn cứ của LHQ. Khu vực của tôi lại do lực lượng quân chính phủ đang mạnh, nắm quyền kiểm soát. Muốn chiếm được giếng dầu thì phải đánh được lực lượng này. Căn cứ LHQ ở giữa. Họ bắn nhau, chúng tôi ngồi giữa hứng đạn”.
Giữa hai làn đạn
Hơn 100 nhân viên cứu trợ quốc tế đã rút vào căn cứ của Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ để lánh nạn.
“Khi họ đánh nhau, tôi đứng sau bao cát quan sát bằng ống nhòm, thấy rõ họ bắn nhau như thế nào ngay trước mắt mình. Khi lực lượng này phản công lực lượng kia, họ đi truy tìm còn ai ẩn nấp đâu họ giết tại chỗ luôn. Họ đi từng ổ một, đi càn, còn ai ngoi ngóp họ bắn chết ngay.
Tôi phải chứng kiến những hình ảnh đó vì phải theo dõi để báo cáo hằng ngày về cho LHQ” - anh Trọng kể.
Khi đó ở căn cứ chỉ có bốn sĩ quan liên lạc: trung tá Mạc Đức Trọng và ba sĩ quan người Thụy Điển, Nepal, Brazil. Anh Trọng kể tiếp: “Họ bắn vào căn cứ tan nát. Cối, pháo giã vào giữa căn cứ.
Một quả cối đầu tiên trúng bể nước. Ngay từ giây phút đầu tiên, căn cứ của LHQ đã mất nước hoàn toàn.
Cũng may trước khi họ đánh nhau, chúng tôi đã dự đoán sẽ xảy ra chiến sự nên dự trữ được gần chục can nước, mỗi can 20 lít cất vào văn phòng. Nhưng phải chia sẻ với hơn 100 nhân viên cứu trợ quốc tế chạy vào hầm.
Họ chỉ mang được mấy chai nước nhỏ. Điện mất. Nước mất. Internet mất. Điện thoại mất. Tóm lại là ở một vùng hoang”.
Ngay ngày đầu tiên, 3 dân thường được LHQ bảo vệ bị bắn cối vào lều, chết cháy. Ngày thứ hai, 4 người nữa thiệt mạng. Có gia đình tị nạn 2 vợ chồng và 1 đứa con chết cháy hết. Tổng cộng 5 ngày, 8 người dân chết và hàng chục người bị thương.
Anh Mạc Đức Trọng kể: “Hầm quá bé, chỉ khoảng 300m2 thì đã chứa hơn 200 người của LHQ và các tổ chức cứu trợ quốc tế.
Dân tị nạn hàng ngàn người. Họ vẫn ở vị trí của họ. Một số người dân bị thương. Có người bị đạn xẻ lòi cả ruột. Trong số 150 nhân viên cứu trợ có người là bác sĩ của bệnh viện dã chiến.
“Họ yêu cầu chúng tôi làm thế nào thiết lập một trạm phẫu thuật dã chiến, không cần đèn, chỉ cần có một bàn, một góc nào đó an toàn.
Nhưng trong tình hình đó chúng tôi không đảm bảo được. Dụng cụ khử trùng vệ sinh không có. Chỉ có thể cấp cứu trường hợp nhẹ. Những người bị nặng chỉ có thể chờ chết. Vì người khỏe mạnh còn không thể đi đâu được, cứ nằm chờ ở trong hầm”.
Trung tá Mạc Đức Trọng đã trải qua năm ngày sống giữa hai làn đạn và pháo cối, nằm dưới nắng vì hầm không có nắp.
“Gọi là hầm nhưng hầm lộ ngay trên mặt đất, có các ụ cát bao quanh. Hầm nông, lộ thiên nên chỉ chống được đạn bắn thẳng, đại liên và AK nhưng không chống được cối. Cối giã vào chỗ nào thì chỗ đó chết.
Năm ngày trời cứ nằm trong hầm. Đi ngủ cũng mặc áo giáp. Họ biết là LHQ đấy nhưng cứ bắn. Mình chả biết ai bắn vì hai bên cùng giã vào. Có mảnh cối rơi gần chỗ tôi. Số tôi cao. Đạn nó tránh mình chứ không thì... Năm ngày toàn ăn mì gói” - anh Trọng nói.
Nhân viên cứu trợ quốc tế trú ẩn trong các container của căn cứ LHQ ở Melut - Ảnh: Mạc Đức Trọng |
Chiến dịch di tản khẩn cấp đầu tiên
Đến ngày thứ 5, tình hình bắt buộc phải di tản khẩn cấp khỏi căn cứ.
Sĩ quan liên lạc Mạc Đức Trọng bàn với cán bộ phụ trách an ninh của căn cứ Melut lập chiến dịch di tản khẩn cấp đầu tiên của phái bộ LHQ. Toàn bộ nhân viên LHQ và cứu trợ quốc tế sẽ được di tản, trừ lực lượng bộ binh ở lại để bảo vệ người tị nạn.
Vấn đề phức tạp nhất là chọn cách nào để di tản. Đưa 200 nhân viên đi trong lúc dầu sôi lửa bỏng này là cả một bài toán đầy thử thách.
Sở chỉ huy phái bộ đề xuất một số phương án như cầu hàng không (sử dụng 7 chuyến trực thăng) đưa về thủ đô Juba, hoặc sử dụng phà di tản theo đường sông về bang Malakal, hoặc đi đường bộ đến Renk hoặc Bunj rồi dùng máy bay C130 đưa sang nước Uganda...
“Lúc đầu LHQ định dùng 10 máy bay trực thăng thả xuống tại căn cứ, bốc người trực tiếp lên nhưng tôi cho rằng nó quá nguy hiểm vì căn cứ LHQ họ còn bắn thì trực thăng họ tha gì.
Là một người lính, bắn vào đâu phải biết chứ. Rủi ro dù rất nhỏ cũng không được thực hiện. LHQ bàn cách dùng phà vì sông cách căn cứ chỉ 300m.
Nhưng dùng phà cũng không được vì hai bên đang đánh nhau trên sông. Phà đi giữa hai làn đạn thì cũng chết. LHQ định đưa đường bộ xuyên qua vùng chiến sự đi đến một vùng khác có một sân bay dã chiến của LHQ.
Nhưng đi 250km đường bộ giữa vùng chiến sự cũng rất nguy hiểm, rất nhiều rủi ro vì không biết lực lượng nào đang ở đâu do chúng tôi lúc đó còn đang nằm trong căn cứ, chưa nắm được tình hình” - anh Trọng kể.
Với sự hiểu biết về tình hình địa bàn và những rủi ro về mặt quân sự, sĩ quan liên lạc Mạc Đức Trọng đề xuất phương án: di tản bằng đường bộ (xe bọc thép) và đường không (bằng máy bay) và trong một buổi phải di tản hết.
Khi chiến sự giảm dần, biết có một sân bay cách đó 40km và khẳng định được sân bay đó vẫn đang nằm trong tay của lực lượng chính phủ, sĩ quan liên lạc Mạc Đức Trọng liên hệ với Sở chỉ huy phái bộ ở Juba để làm việc với chính phủ, đảm bảo cho mình sử dụng sân bay để di tản.
Khi được chính phủ đảm bảo, lập tức toàn bộ 200 nhân viên được di tản khẩn cấp từ căn cứ lên thủ đô Juba.
Hai máy bay của LHQ được cử tới. “Lúc đầu họ định di tản một phát qua nước láng giềng là Uganda để đảm bảo công tác hậu cần vì thời điểm đó thủ đô Juba đang thiếu nước uống, đồng tiền mất giá, các công ty cung cấp nước đóng chai đòi tăng giá nhưng không được, họ không bán nữa.
Thủ đô Juba không có nước để uống. Sau khi tính toán lại, LHQ quyết định vẫn đưa về thủ đô Juba vì máy bay cứu trợ không thể bay đường dài” - anh Mạc Đức Trọng kể.
Toàn bộ xe của LHQ để hết lại sân bay dã chiến. Anh Trọng cho hay: “Thời gian di tản chỉ được thông báo trước nửa tiếng. Rất vội vàng, gấp rút. Vơ được cái gì thì vơ.
Quần áo tôi để lại hết. Tôi đi người không, chỉ mang những thứ cơ bản nhất: nước, đèn pin, chăn màn, hộp quẹt, thuốc kháng sinh, thuốc đi ngoài, thuốc sốt và đồ khô ăn mấy ngày để phòng trường hợp bị tắc nghẽn ở sân bay hoặc không bay được thì còn “tồn tại” được mấy ngày”.
Chiến dịch di tản khẩn cấp đầu tiên của phái bộ đã thành công khi đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người. Sau đó, khi tình hình ở Melut đã ổn, trung tá Trọng quay lại sở chỉ huy phân khu ở Malakal.
________
Kỳ tới: Về nhà
Các kỳ trước: >> Kỳ 1: Bay đến đất nước nội chiến >> Kỳ 2: Nhiệm vụ đầu tiên >> Kỳ 3: Ám ảnh Malakal >> Kỳ 4: Hiểm nguy rập rình >> Kỳ 5: Chiến dịch giải cứu |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận