27/02/2016 13:53 GMT+7

Chiến dịch giải cứu

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Tháng 8-2014, xung đột sắc tộc lại bùng nổ dữ dội ở tỉnh Maban - miền bắc Nam Sudan. Ở đây, sắc tộc này đang tìm và diệt sắc tộc khác.

Những đứa trẻ Nam Sudan trong trại tị nạn - Ảnh: Trần Nam Ngạn
Những đứa trẻ Nam Sudan trong trại tị nạn - Ảnh: Trần Nam Ngạn

Nhân cơ hội đó, họ đe dọa luôn cả những nhân viên người bản địa đang làm việc cho các tổ chức quốc tế là người của sắc tộc thù địch, họ truy lùng và bắn giết.

 

Sẵn sàng nổ súng!

Dân quân địa phương bao vây trụ sở của các tổ chức nhân đạo quốc tế: Red Cross, World Vision, World Food program, UNDP, OCHA, WHO... vốn đang duy trì hoạt động cứu trợ cho hơn 150.000 dân tị nạn ở Maban. Tám nhân viên cứu trợ quốc tế đã bị giết hại do thù hằn sắc tộc.

Nhóm dân quân hiếu chiến, hung hăng yêu cầu lôi những người của sắc tộc đối địch ra để họ xử tiếp. Trước tình hình đó, cơ quan thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York yêu cầu phái bộ LHQ ở Nam Sudan phải có biện pháp bảo vệ ngay lập tức.

Do tại Maban không có căn cứ của LHQ nên lực lượng ở tỉnh Melut phải lên kế hoạch triển khai. Ban sĩ quan liên lạc đã cử hai sĩ quan, trong đó có thượng tá Mạc Đức Trọng, cùng đại đội bộ binh của Ấn Độ cấp tốc hành quân 300km đến Bunj - thủ phủ tỉnh Maban - để giải cứu 200 nhân viên của các tổ chức nhân đạo quốc tế.

Lệnh cũng yêu cầu phải rút toàn bộ lực lượng cứu trợ quốc tế vào xe bọc thép, đưa thẳng qua sở chỉ huy của LHQ ở nước khác để đảm bảo an toàn.

“Lần đầu tiên từ khi sang Nam Sudan, tôi tham gia một nhiệm vụ mà lực lượng của LHQ rất hùng hậu như vậy. Một nửa đại đội gần 100 quân, huy động thêm hơn 10 xe thiết giáp bánh xích bọc thép là xe chiến đấu bộ binh. Lần này đi xác định là chiến đấu, sẵn sàng can thiệp vũ lực chứ không đàm phán nữa. Vì nhân viên LHQ đã bị giết rồi, tức được phép sử dụng hỏa lực” - thượng tá Mạc Đức Trọng kể.

Khi lực lượng ứng cứu đến đã chứng kiến cảnh tượng hàng trăm người hung hăng bao vây bên ngoài trụ sở của các tổ chức cứu trợ quốc tế. Toàn bộ nhân viên LHQ rút hết vào trong. Cánh cổng cao hơn 2m đóng chặt. Họ đã bị bao vây bốn ngày.

Thượng tá Trọng nhớ lại: “Xe mình tiến vô là họ dạt ra ngay, nếu không LHQ sẵn sàng sử dụng vũ lực. Dân quân có mấy trăm người nhưng hỏa lực rất kém, chỉ có súng AK. Thấy mình có xe chiến đấu bộ binh, họ nhìn thấy hỏa lực như thế là sợ. Các nhân viên cứu trợ lúc ấy rất hoảng loạn, như kiểu mình lôi họ ra từ cõi chết vì họ đã sống trong tình trạng sẽ bị giết bất cứ lúc nào. Đồ ăn, nước uống vẫn đầy đủ nhưng tính mạng bị đe dọa từng phút từng giờ, cả ngày lẫn đêm”.

Nhìn lại chiến dịch này, thượng tá Trọng tâm sự: “Đó là một chiến dịch quân sự, không nổ súng nhưng thành công. Làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ mà không xảy ra thương vong là thành công nhất. Trong khi lên phương án tác chiến, chúng tôi phải tính toán phương án áp đảo về mặt hỏa lực. Kế hoạch từ trên áp xuống nhưng chỉ đưa ra những ý chính, còn làm như thế nào lại do sĩ quan liên lạc và đơn vị bảo vệ ở đó bàn nhau thực hiện”.

Một trại tị nạn bị tấn công và đốt phá - Ảnh: Mạc Đức Trọng
Một trại tị nạn bị tấn công và đốt phá - Ảnh: Mạc Đức Trọng

Tìm và cứu gần 3.000 dân

Giữa tháng 1-2015, trong lúc đang tham gia chiến dịch ổn định tình hình ở Maban thì lực lượng đối lập tấn công vào quân của chính phủ ở thị trấn Jamam, cách căn cứ của LHQ gần 100km. Thông tin cho biết một lực lượng rất lớn người của sắc tộc này di chuyển đến tấn công một ngôi làng của sắc tộc khác ở Jamam. Trên đường đi, họ đốt hết nhà cửa.

Sau vài ngày giao tranh, LHQ nhận được tin báo rất nhiều người dân chạy trốn vào trong rừng để tránh bị giết hại. Tuy nhiên, LHQ không biết rõ số lượng và tình trạng ra sao do sóng điện thoại bị ngắt hoàn toàn. Đây là vấn đề hệ trọng vì dân làng ở các khu vực giao tranh có thể bị tàn sát để báo thù.

Theo yêu cầu của sở chỉ huy và Cơ quan LHQ về người tị nạn, lực lượng tại chỗ gồm hai sĩ quan liên lạc và một đại đội bộ binh của Rwanda lập tức triển khai đội hình hành quân để tìm kiếm người dân chạy loạn, rồi phối hợp với các tổ chức quốc tế cấp phát lương thực khẩn cấp.

7g sáng. Đoàn xe xuất phát. Xe của sĩ quan liên lạc đi thứ hai (được gọi là xe chỉ huy trong mọi chiến dịch), đi sau xe thiết giáp. Thượng tá Trọng kể: “Viên sĩ quan liên lạc đi cùng tôi là người Sri Lanka, hàm thiếu tá. Chúng tôi phải tìm ra người dân, thống kê, lập trại, cung cấp lương thực thực phẩm.

Trong quá trình mình tìm kiếm thì các bên lại chuẩn bị giao tranh. Lực lượng của LHQ gặp phải sự bất hợp tác và đe dọa của quân chính phủ do họ nghi ngờ LHQ đưa quân đến hỗ trợ phe đối lập. Họ đòi mình phải có giấy phép an ninh của chính phủ mới được đi.

Có nghĩa là họ muốn bắt giữ chúng tôi ở lại. Chiến tranh, chẳng ai tôn trọng thỏa thuận, cứ theo luật rừng. Mình nói thì cứ nói. Họ không nghe. Tôi phải báo cáo về Sở chỉ huy Malakal để liên hệ trực tiếp với cấp quân khu của chính phủ nhằm giải tỏa tình thế”.

Đúng lúc không khí cuộc đàm phán đang vô cùng căng thẳng thì quân đối lập tấn công, đánh đúng vào sở chỉ huy của lực lượng quân chính phủ - là nơi hai sĩ quan liên lạc đang ngồi đàm phán!

“Nghe trinh sát đến báo quân đối lập đang tiến đến thì họ chẳng còn hơi sức đâu mà đàm phán nữa. Lúc đó đã đàm phán hơn ba giờ, căng thẳng lắm. Tôi tuyên bố với họ: giờ đang trong tình trạng nguy hiểm, chúng tôi buộc phải đi. Họ lo chiến tranh, không giữ mình nữa. Lúc họ đi đánh nhau thì chúng tôi thoát ra khỏi vùng đó” - thượng tá Mạc Đức Trọng kể.

Cả nhóm công tác kiên trì đi dọc trục lộ, tìm dấu hiệu có sự sống. Nhưng càng đi càng không một bóng người. Tất cả đã chạy trốn hết. “Chúng tôi vừa đi vừa quan sát, vừa đi vừa tìm, do đang mùa mưa nên đi rất chậm, tốc độ chỉ 20km/h” - thượng tá Trọng nhớ lại. Họ kiên trì đi tiếp khoảng 100km nữa và đến 16g thì bất ngờ gặp một nhóm 3-4 người chạy ra. Dẫn đầu là trưởng bản.

Họ vui mừng reo lên khi thấy cờ của LHQ. Thượng tá Trọng kể: “Chúng tôi thống kê tại chỗ. Gần 3.000 người dân, toàn trẻ con, người già, phụ nữ. Thanh niên bị bắt đi lính hết rồi. Họ bảo đã lang thang trong rừng bốn ngày, không có gì ăn. Ai cũng rách rưới, thê thảm, lả đi vì đói. Khung cảnh lúc đó thê lương lắm. Tiếng than khóc của người già, người bệnh, con nít vang lên làm không khí thêm thảm não. Không có nước để uống. Nhà cửa bị đốt hết nên không có lương thực, không kịp mang được cái gì theo”.

Toàn bộ lương thực khẩn cấp phát chống đói, thuốc, nước... và một ít chăn màn được phát ngay cho dân làng. Các tổ chức quốc tế thiết lập một trại tị nạn ngay tại khu vực đó, bắt đầu xúc tiến công tác cứu trợ.

Thượng tá Trọng cho hay: “Ngày hôm sau trở đi, các đoàn xe cứu trợ tiếp viện đến thì chúng tôi lại thực hiện nhiệm vụ áp tải các xe đi qua vùng chiến sự đến được trại tị nạn. Người dân ở 2-3 làng khác cũng chạy vào. Chúng tôi chọn vị trí lập trại tị nạn cách khu vực quân chính phủ chỉ hơn 10km vì sắc tộc đó là tộc người như quân chính phủ, để tiểu đoàn quân chính phủ bảo vệ”.

_______________

Kỳ tới: 5 ngày cuối cùng kinh hoàng ở Melut

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên