26/02/2016 10:31 GMT+7

Hiểm nguy rập rình

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Nhóm của thượng tá Mạc Đức Trọng có 7 sĩ quan liên lạc nhưng có đến 4-5 phiên dịch địa phương.

Thượng tá Mạc Đức Trọng (bìa trái) và đồng đội nghỉ chân trong chuyến vận tải hàng cứu trợ nhân đạo bằng đường sông từ Juba đến Malakal - Ảnh: nhân vật cung cấp
Thượng tá Mạc Đức Trọng (bìa trái) và đồng đội nghỉ chân trong chuyến vận tải hàng cứu trợ nhân đạo bằng đường sông từ Juba đến Malakal - Ảnh: nhân vật cung cấp

“Sĩ quan chỉ huy các phe phái bản địa thường biết nói tiếng Anh nhưng nếu có phiên dịch nói tiếng họ thì vẫn tốt hơn. 

Hôm nay đến bộ tộc này thì lấy phiên dịch người tộc đó đi chứ lấy người tộc khác thì nguy hiểm cho người phiên dịch. Nên nhiều lúc chúng tôi phải bảo vệ cả người phiên dịch, không thì họ bắt ra “thịt” luôn phiên dịch” - thượng tá Mạc Đức Trọng kể.

Bị bắt và đàm phán

Có lần sau khi xảy ra xung đột, toàn bộ hoạt động cứu trợ bị phiến quân vùng đó đe dọa, không cho cứu trợ. Sĩ quan liên lạc phải đến đàm phán.

Nhóm của thượng tá Trọng có một phiên dịch, người này không thuộc bộ tộc thù địch với tộc người mà nhóm đến đàm phán. Nhưng căng thẳng đã xảy ra...

“Khi vừa nhìn thấy, thủ lĩnh của họ hỏi luôn: Thằng phiên dịch này là người tộc nào? Người phiên dịch nói thế nào ấy làm họ nghi ngờ, đòi bắt luôn ở lại để kiểm tra có đúng tộc này tộc kia hay không. Chúng tôi phải đàm phán tránh không để người phiên dịch bị bắt lại.

Tôi thuyết phục họ rằng chúng tôi là người của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trung lập, không đứng về phe nào, đến đây để hòa giải, để cứu dân lành, mà muốn làm được nhiệm vụ thì phải cần có người phiên dịch này” - thượng tá Mạc Đức Trọng kể.

Đàm phán gần hai tiếng đồng hồ họ mới chấp nhận cho đi. Nhưng vị thủ lĩnh tuyên bố: “Đến lúc về ông phải đưa thằng phiên dịch quay lại đây để tôi xác minh kiểm tra xem nó có đúng hay không”.

Thượng tá Trọng kể tiếp: “Lúc đó chúng tôi đi đường bộ. Đi đến căn cứ làm nhiệm vụ xong tôi quyết định trở về căn cứ của LHQ bằng trực thăng. Vì có đe dọa rồi, không đi đường bộ được nữa. Toàn bộ xe cộ để lại hết. An toàn nhất là bay về”.

Nhớ lại những tháng ngày ở Nam Sudan, thượng tá Mạc Đức Trọng tâm sự: “Mỗi ngày là một câu chuyện. Căng thẳng thì nhiều lắm. Như mỗi khi chúng tôi hộ tống hàng cứu trợ của LHQ bằng đường sông phải đi qua giữa hai làn đạn. Lực lượng hai bên sông đánh nhau, đạn bắn ầm ầm, chúng tôi đi giữa!”.

Có lần phà đi qua trạm đầu tiên do quân chính phủ nắm giữ. Họ dùng canô bắn đạn tung tóe nước đuổi theo, ra hiệu bắt phải dừng và xộc lên phà. Theo nguyên tắc đã ký với Chính phủ Nam Sudan, họ không được lên tàu, phà của LHQ.

“Nhưng khi hiếu chiến thì họ chả sợ gì. Họ bắt lên trạm của họ” - thượng tá Mạc Đức Trọng nói. Anh kể tiếp: “Họ hỏi giấy tờ, lệnh đi. Mình bảo lệnh của LHQ tôi không đưa cho các ông được. Họ hỏi thế giấy phép của chính phủ cho phép các ông đi đâu?

Mình bảo chúng tôi không có vì theo thỏa thuận của phái bộ LHQ với chính phủ, chúng tôi có quyền đi lại tự do. Họ bảo chỉ huy đơn vị của họ không được thông báo tàu của mình đi qua đây, không có lệnh nên họ phải giữ tàu lại”.

Lúc ấy thượng tá Mạc Đức Trọng phải liên lạc với phái bộ, tư lệnh vùng của quân chính phủ, yêu cầu thả tàu và thả người. Họ thả, sau khi giam lỏng gần một ngày. Đi đến trạm của quân đối lập thì lại bị bắt.

Anh Trọng cho hay: “Quân đối lập có vẻ lịch sự hơn, mà những người lịch sự rất khôn khéo. Họ yêu cầu dừng phà. Tôi phải đi canô vào làm việc.

Tôi đi cùng một chỉ huy đơn vị bảo vệ và bốn chiến sĩ cùng vũ khí trang bị đầy đủ. Vũ khí là thế thôi chứ lực lượng họ đông, súng họ nhiều. Mình vào họ cứ bắn dọa lên trời bùm bùm để thị uy”.

Rất khéo léo, thủ lĩnh quân đối lập nhẹ nhàng nêu vấn đề: chúng tôi không phải lực lượng cướp bóc nhưng chúng tôi có một số nhu cầu cần hỗ trợ như dầu diesel, dầu nhớt, thuốc, lương thực, phụ tùng ôtô.

Trước đây một sà lan của LHQ chở các loại xe phục vụ cho LHQ đi qua đấy đã bị họ cướp hết.

“Họ xin phụ tùng để thay thế cho mấy xe họ cướp của LHQ. Về nguyên tắc, mình không được phép cho. LHQ cấm tiệt chuyện thỏa hiệp. Nhưng giờ mình không cho thì không được phép đi. Nếu cố tình đi thì chắc chắn có nổ súng.

Tôi phải đàm phán. Họ xin 100 thùng dầu. Đàm phán qua lại như mặc cả ngoài chợ. Cuối cùng chốt xuống, tôi bảo chỉ cho 2 thùng (400 lít).

Họ bảo: Chúng tôi không tự ý hạ xuống được mà phải xin cấp trên. Họ giả bộ gọi điện cho chỉ huy rồi quay ra nói với tôi: Cấp trên nhất trí bảo các ông cho 80 thùng cũng được. Rồi xuống 50 thùng. Cuối cùng quyết định xin... 2 thùng”.

Sĩ quan liên lạc Trần Nam Ngạn (trái) trong một lần đến làm việc với một thủ lĩnh quân sự ở Bor - Ảnh: nhân vật cung cấp
Sĩ quan liên lạc Trần Nam Ngạn (trái) trong một lần đến làm việc với một thủ lĩnh quân sự ở Bor - Ảnh: nhân vật cung cấp

 

Uy tín quân đội Việt Nam

Sau mỗi cuộc xung đột, sĩ quan liên lạc Mạc Đức Trọng đến làm việc với thủ lĩnh của các phe phái yêu cầu họ không cản trợ hoạt động của các tổ chức nhân đạo, không xả súng bắn giết dân thường bừa bãi...

“Tất cả những điều đó họ không thích đâu vì những cái mình nói ngược lại những cái họ đang làm” - anh Trọng cho hay.

Thế nên, không ít lần thượng tá Mạc Đức Trọng phải đàm phán trong tình thế được “chào đón” bằng một loạt đạn bắn xuống đất và thương lượng với chỉ huy của họ trong khi 3-4 khẩu súng cứ lăm lăm chĩa thẳng vào mình và ngón tay luôn ở chế độ bóp cò bất cứ lúc nào!

“Rất nhiều lần như vậy. Mình đàm phán trong tình huống như thế thì không tỏ ra sợ sệt được. Nhưng nếu tỏ ra coi thường, không sợ họ lại cực kỳ nguy hiểm. Những người đi cùng bảo vệ tôi cũng cầm súng đứng như thế.

Họ cũng sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp nổ súng. Hai bên đã lên sẵn đạn, tay để sẵn ở vị trí bóp cò. Rất căng thẳng” - anh kể.

“Không khí đàm phán như thế nào là do mình. Mình phải làm giảm căng thẳng xuống vì không chỉ bảo vệ mình mà còn bảo vệ lực lượng của LHQ đi cùng. Họ không thù địch mình nhưng họ hiếu chiến.

Sự hiếu chiến rất nguy hiểm vì họ đang ở trong trạng thái chiến tranh. Tôi không nói quá nhiều đến nhiệm vụ, đến việc họ phải làm thế này thế kia, tôi được quyền thế này thế kia. Nói vậy là hỏng hết. Lôi cả một đống nguyên tắc ra là hỏng hết.

Tôi nói theo cách dân dã, mềm mỏng. Nhiều trường hợp sĩ quan liên lạc không có kỹ năng đàm phán bị họ đánh tại chỗ, không thèm nói chuyện. Vậy là thất bại, không đạt được mục đích đàm phán” - thượng tá Mạc Đức Trọng chia sẻ.

Có một điều khá thú vị là các chỉ huy, thủ lĩnh các phe phái lại rất ngưỡng mộ quân đội Việt Nam. Thượng tá Trọng cho biết:

“Uy tín của Việt Nam ở các nước châu Phi rất cao. Lúc đầu thái độ của họ rất bất hợp tác. Khi biết mình là sĩ quan Việt Nam, họ vui lắm. Có chỉ huy nói: Tôi nghiên cứu rất nhiều về Việt Nam, những bài luận tôi đều làm về chiến tranh Việt Nam.

Họ kể vanh vách trận này trận kia, tướng này tướng kia. Nhắc đến Việt Nam, họ rất ngưỡng mộ. Họ nói năng đàng hoàng hơn...”.

Thượng tá Trọng kể tiếp: “Rất nhiều lần tôi có thể hóa giải khó khăn bằng cách sử dụng uy tín của đất nước mình. Thay vì nói mình là người của LHQ thì nói tôi là sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Họ òa lên... Kể cả quân đối lập hay quân chính phủ đều tôn trọng dân tộc Việt Nam. Có một thủ lĩnh tự phong trung tướng cứ hỏi: “Làm thế nào cho tôi đi thăm Việt Nam một lần trong đời?”.

Tất nhiên không thể hứa được. Tôi bảo bây giờ đất nước ông đang chiến tranh, làm gì có hộ chiếu mà đi được”.

______________

Kỳ tới: Chiến dịch giải cứu

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Bay đến đất nước nội chiến

>> Kỳ 2: Nhiệm vụ đầu tiên

>> Kỳ 3: Ám ảnh Malakal

 

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên