18/11/2015 15:30 GMT+7

Những người đo đáy Biển Đông - Kỳ5: Những tấm bản đồ thấm đẫm máu xương

ĐẶNG TIẾN LONG - HỒ TẤN VŨ
ĐẶNG TIẾN LONG - HỒ TẤN VŨ

TT - Để có được những tấm bản đồ biển cả, ghi dáng hình hài của đất nước giữa đại dương, máu của người lính đã đổ xuống và có những người đi mãi không về...

Đại úy Lê Thị Minh Thủy thắp hương trước bàn thờ cha mẹ. Cha của chị Thủy là liệt sĩ Lê Đình Thơ, hi sinh ngày 14-3-1988 sau cuộc tấn công của hải quân Trung QuốcẢnh: TIẾN THẮNG
Đại úy Lê Thị Minh Thủy thắp hương trước bàn thờ cha mẹ. Cha của chị Thủy là liệt sĩ Lê Đình Thơ, hi sinh ngày 14-3-1988 sau cuộc tấn công của hải quân Trung Quốc - Ảnh: Tiến Thắng

Người nằm xuống dưới làn đạn pháo tàn bạo của kẻ thù, người ra đi vì vực sâu, biển dữ...

Ở Đoàn 6 Hải quân bây giờ có một ngày giỗ chung cho các anh để tưởng nhớ lớp người nằm xuống vì chủ quyền của quốc gia.

Đo vẽ để mở đường

Ngay tại phòng truyền thống của Đoàn 6 Hải quân, một tấm bảng vàng ghi tên các liệt sĩ hi sinh được đặt trang trọng chính giữa. Trên bảng vàng khắc ghi tên, tuổi, ngày tháng hi sinh của từng liệt sĩ hi sinh tại mỗi vùng biển, một nhiệm vụ khác nhau.

Lật giở cuốn lịch sử của đoàn, thượng tá Đặng Ngọc Minh, chủ nhiệm chính trị Đoàn 6, kể rằng trong thời gian đầu, điều kiện và phương tiện đo đạc rất thô sơ, thiếu thốn. Cán bộ, chiến sĩ dùng xuồng gỗ, chèo lái bằng tay để đi đo đạc.

Khi đang tiến hành đo đạc tại khu vực bờ biển Cửa Lò - Nghệ An, trong lúc cầm thước cho bộ phận địa hình xác định bãi đá ngầm, chiến sĩ Nguyễn Mão đã bị sóng đánh hất tung người xuống biển. Ba ngày sau thi thể anh mới được vớt lên. Đây là người chiến sĩ đo đạc biển đầu tiên hi sinh khi làm nhiệm vụ đo vẽ bản đồ ở Đoàn 6 Hải quân.

Nhấp chén chè xanh, trầm tư một lúc, thượng tá Minh kể rằng người đo đạc biển ngày ấy chỉ có vũ khí là cây thước kẻ, ống ngắm và sổ sách ghi chép chứ có gì đâu, vậy mà nhiều lần giáp mặt với bom đạn của đối phương.

Đoàn 6 không ai quên lúc 12g30 ngày 5-8-1964, tàu P527 của đại đội 6 đang đo đạc ở Cửa Ròn thì máy bay Mỹ lao tới đánh phá, chiến sĩ Hoàng Duy Quý, tổ trưởng tổ đo sâu, đã bị một mảnh rốckét tiện đứt chân, nhiều mảnh găm vào người. Anh em trên tàu vừa chiến đấu vừa ứng cứu đồng đội.

Và trong đợt oanh kích tiếp theo của địch, anh Quý đã anh dũng hi sinh. Khi pháo đạn tạm yên, anh em tàu P527 làm lễ truy điệu anh Quý. Thi hài anh được an táng tại nghĩa trang Ba Đồn (Quảng Bình). Ba năm sau cái chết của anh Quý, một đồng đội khác ở Đoàn 6 là anh Nguyễn Xuân Tuyết cũng ra đi ngày 14-4-1967.

Khi đó đại đội 6 được giao nhiệm vụ đo đạc ở Cầu Trắng (Quảng Ninh) và cầu 20 (Cửa Ông), những chiếc cầu này nằm trong tuyến giao thông huyết mạch của phía đông về Hòn Gai. Dưới làn mưa bom ác liệt, anh Tuyết vẫn hiên ngang tình nguyện đứng cắm cờ làm mục tiêu xác định tọa độ. Anh đã không trở về sau một lần oanh tạc của Mỹ.

Năm 1977, Bộ tư lệnh Hải quân chủ trương xây dựng cầu cảng và công sự ở một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa nên tiểu đoàn 6 được lệnh ra đảo đo đạc trước. Tháng 2 năm đó, hai tổ đo đạc lên đường. Tổ 1 đo đạc khu vực đảo Trường Sa. Tổ đo đạc do đại đội phó Trần Quang Triết phụ trách đo đạc các đảo còn lại.

Anh Triết là người cắm thước nước đầu tiên để theo dõi mực nước ở quần đảo Trường Sa. Khi công việc gần kết thúc, anh đã hi sinh do sóng to bất ngờ làm lật xuồng.

Những số liệu mực nước từng giờ trong suốt ba tháng do anh và đồng đội trải bao vất vả ghi chép, đã góp phần xây dựng nên tập “Phụ bản Bảng thủy triều Trường Sa” phục vụ cho hoạt động của bộ đội hải quân, các ngành kinh tế quốc dân và cả bảo đảm hàng hải quốc tế.

14-3: ngày giỗ cho người lính đo đạc

Trong số các liệt sĩ của Đoàn 6, đội 2 có đến bốn chiến sĩ hi sinh. Thiếu tá Trịnh Thanh Huỳnh, đội trưởng đội 2, tâm sự: “Trong số những chiến sĩ hi sinh trong cuộc tấn công của quân Trung Quốc ngày 14-3-1988 có hai chiến sĩ của đội. Hằng năm đội 2 lấy ngày các anh hi sinh để làm ngày giỗ chung cho các liệt sĩ của đoàn. Ngày này toàn đội làm mâm cơm tưởng nhớ. Anh em ngồi ôn lại những câu chuyện hi sinh anh dũng của đồng đội”. Nói là giỗ nhưng thật ra là mâm cơm tưởng nhớ.

Nhấp chén trà, anh Huỳnh trầm tư kể lại: năm đó Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu chiến và tàu vận tải hòng xâm chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa.

Trước tình hình hết sức căng thẳng, Bộ tư lệnh Hải quân ra lệnh cho tiểu đoàn 6 lên đường. Dù đang dịp nghỉ ngơi về quê cùng gia đình ăn tết nhưng vừa nhận lệnh, các tổ đo đạc lập tức lên đường. Trong đó tổ 1 gồm bốn chiến sĩ do Lê Đình Thơ phụ trách có nhiệm vụ khảo sát đo đạc cụm đá Cô Lin, Gạc Ma.

Ngày 14-3-1988, khi anh em đang khảo sát, tàu chiến Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền hải phận VN và nã thẳng những loạt đạn pháo vào những người lính VN đang bảo vệ quốc kỳ trên bãi cạn. Trung úy Lê Đình Thơ và hạ sĩ Cao Xuân Minh đã dũng cảm chiến đấu. Cùng những chiến sĩ trong vòng tròn bất tử, thân xác các anh đã nằm dưới vùng biển lạnh.

“Câu chuyện về sự hi sinh của hai anh được chúng tôi kể với nhau trong ngày giỗ để nhắc nhở nhau. Mỗi lần vẽ hải đồ khu vực Trường Sa, anh em trong đội còn thấy mủi lòng. Bởi ở đó có xương cốt của đồng đội mãi mãi in hằn trên biển” - anh Huỳnh ngậm ngùi. Nối nghiệp cha, anh mình, bây giờ ở Đoàn 6 có rất nhiều người là con em các liệt sĩ tiếp tục vẽ những tấm bản đồ, vẽ hình hài của đất nước.

Giữa thời bình, công việc của những người lính đo đạc cũng rình rập nhiều hiểm nguy. Trong những chuyến đo đạc trên biển đã có những chiến sĩ hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. 16 năm trôi qua kể từ ngày Nguyễn Xuân Mộc bị sóng đánh trôi dạt nhưng trong tim đồng đội, hình bóng của anh vẫn như ngày hôm qua, còn trong trí nhớ.

Thiếu tá Trần Thế Đông, đội trưởng đội 1, người trực tiếp làm việc với anh Mộc những ngày cuối cùng, nghèn nghẹn khi kể lại câu chuyện buồn. Khi đó, tàu 885 của Đoàn 6 nhận nhiệm vụ đo đạc, khảo sát vùng biển Hòn Hải (Bình Thuận).

Địa hình ở đây phức tạp, toàn là vách đá chồng đứng nguy hiểm. Hôm đó là ngày đo đạc cuối cùng trước khi rút quân về bờ. Buổi sáng anh Mộc chia anh em thành hai tổ. Một tổ leo lên đỉnh núi, còn anh Mộc theo tổ kia ra ghềnh biển đặt thiết bị đo ngắm.

Khi chọn xong vị trí đặt máy, anh men theo vách đá nhấp nhô sống trâu trên ghềnh quay trở lại bờ. Một cơn sóng dữ bất ngờ đánh mạnh hất anh rơi xuống biển. Hơn một giờ sau anh em mới phát hiện thi thể anh nằm sấp dưới dòng xoáy sóng cuốn tròn, bọt trắng xóa. Chiến sĩ trong đoàn dùng áo phao cột dây kéo thi thể anh vào.

Kéo vành khăn lau nước mắt, thiếu tá Đông nghẹn ngào kể: “Hôm đó sóng to liên tục đánh vào bờ, mọi người phải mất gần tiếng đồng hồ mới đưa được thi thể anh lên. Chúng tôi tập trung sơ cứu nhưng không kịp. Từ trong miệng anh Mộc xộc ra toàn mì tôm. Nhìn cảnh đó, anh em ngậm ngùi rơi nước mắt”.

Từng đi đo đạc cùng anh Mộc hai chuyến ở vịnh Bắc bộ và Bãi Cạn (Cà Mau),thiếu tá Trịnh Thanh Huỳnh kể khi còn sống anh Mộc luôn dặn dò anh em rằng đã làm nghề đo đạc phải tâm huyết, đừng làm cho xong ngày. Một mét nước, thước biển cũng là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đo đúng và đo đủ. Cái gì sai thì có thể sửa, nhưng đo đạc sai bản đồ quốc gia, lãnh thổ là không sửa được. Sai là có tội với tiền nhân...

__________

Kỳ tới: Những bóng hồng phía sau hải đồ

ĐẶNG TIẾN LONG - HỒ TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên